Trách nhiệm và nghĩa vụ của người được tặng cho bất động sản như thế nào?
BÀI LIÊN QUAN
Chuyển nhượng đất chưa công chứng có được bồi thường khi nhà nước thu hồi?Điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản Tặng cho bất động sản bằng miệng có được không?Hỏi:
“Gia đình tôi có một mảnh đất do cụ ông tôi để lại. Trước khi cụ ông mất thì cụ có cho ông A một mảnh đất diện tích 137m2. Trong thời gian cụ còn sống, cụ có bảo gia đình tôi xây công trình phụ tại mảnh đất đã cho ông A. Hiện nay ông A lấy đất nhưng không xây lại công trình phụ cho gia đình tôi, như vậy gia đình tôi có quyền khởi kiện không?” (Anh Nguyễn Văn Toản - Nam Định).
Trả lời:
Liên quan đến câu hỏi của anh Toản, Luật sư Nguyễn Huy An - Đoàn Luật sư TP Hà Nội xin tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 462 và Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015:
“Tặng cho bất động sản
1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật.
2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Tặng cho tài sản có điều kiện
1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Như vậy, từ những thông tin anh Toản đã cung cấp thì có thể chia thành hai trường hợp như sau:
- Trường hợp 1: Cụ của anh Toản tặng cho ông A mảnh đất rộng 137m2 kèm theo điều kiện là ông A phải cho gia đình anh Toản xây dựng công trình phụ trên mảnh đất này.
Ở trường hợp này, nếu ông A nhận được mảnh đất của cụ anh Toản thì ông A phải có nghĩa vụ thực hiện xây dựng công trình phụ cho gia đình anh và gia đình anh cũng có quyền yêu cầu ông A thực hiện nghĩa vụ này. Trong trường hợp ông A không thực hiện thì anh có quyền khởi kiện ra Tòa án.
- Trường hợp 2: Cụ của anh Toản tặng cho ông A mảnh đất rộng 137m2 nhưng không kèm theo điều kiện. Như vậy, ông A không có nghĩa vụ xây dựng công trình phụ cho gia đình anh Toản và gia đình anh cũng không có quyền khởi kiện để ông A thực hiện nghĩa vụ.
Để xác định được gia đình anh Toản thuộc trường hợp nào thì phải căn cứ vào thỏa thuận tặng cho giữa cụ của anh và ông A. Trường hợp chỉ thỏa thuận bằng miệng mà không ghi thành văn bản thì phải dựa vào sổ địa chính hoặc những giấy tờ nhà đất khác để xác định lại giao dịch. Trường hợp giao dịch chưa được thực hiện trên thực tế (chưa hoàn tất thủ tục sang tên) thì mảnh đất vẫn thuộc quyền sở hữu của cụ anh Toản và gia đình anh.