meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

TP Hồ Chí Minh thống nhất 3 phương án thiết kế cảnh quan trước chợ Bến Thành

Thứ hai, 01/08/2022-23:08
Với 3 phương án tái lập cảnh quan trước chợ Bến Thành và giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi (quận 1), Sở Quy hoạch Kiến trúc đã đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận phương án thứ ba vì vẫn giữ được yếu tố văn hóa. 

3 phương án thiết kế cảnh quan

Theo tienphong.vn, ngày 19/7, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã vừa ký văn bản báo cáo UBND TP TP Hồ Chí Minh về phương án thiết kế cảnh quan tổng thể khu vực trước chợ Bến Thành và giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi (quận 1).

Cụ thể, phương án 1, đề xuất tái lập vòng xoay Quách Thị Trang như hiện trạng trước đây có ưu điểm là sẽ giữ nguyên tuyến giao thông, giữ được yếu tố lịch sử của TP và tái lập nhanh theo hợp đồng ký với nhà thầu tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là không đúng theo định hướng quy hoạch đồ án 930 ha khu trung tâm, chỉnh trang cũng chỉ ở mức tạm thời.


3 phương án thiết kế cảnh quan khu vực phía trước chợ Bến Thành sau khi ga ngầm Bến Thành của tuyến metro số 1 hoàn thành.
3 phương án thiết kế cảnh quan khu vực phía trước chợ Bến Thành sau khi ga ngầm Bến Thành của tuyến metro số 1 hoàn thành.

Phương án 2, thiết kế không gian ngầm theo quy hoạch đồ án 930 ha khu trung tâm. Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hồ Chí Minh đánh giá phương án này có nhiều ưu điểm như giúp chỉnh trang đô thị, kết nối giao thông, hệ thống ngầm đồng bộ khu vực công viên 23-9, đường Lê Lợi; giữ được đặc trưng văn hóa…

Phương án này cũng có những nhược điểm như mất thời gian và kinh phí, cần tính toán thêm về giao thông tại khu vực, phân luồng tránh ùn tắc. Phương án 2 cần xây dựng rõ kế hoạch phân kỳ, theo đó cần thực hiện phần ngầm đồng bộ, sau đó thiết kế cảnh quan trên mặt đất và toàn khu vực. 

Phương án 3 với đề xuất thiết kế cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành và điều chỉnh một số hướng tuyến giao thông. Phương án này có ưu điểm là thực hiện theo đúng đồ án 930 ha, thời gian chỉnh trang tái lập nhanh chóng. Đặc biệt, nếu thực hiện theo phương án này thì vẫn giữ được yếu tố văn hóa, giữ nguyên vị trí tượng Trần Nguyên Hãn khi thiết kế cảnh quan. 

Theo Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hồ Chí Minh, để thực hiện phương án 3 cần chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, hình thành quảng trường ở phía trước chợ Bến Thành, gồm bố cục mảng xanh tại đảo giao thông, mảng cây xanh dọc trung tâm; vị trí đặt tượng Trần Nguyên Hãn; bố cục mặt bằng khu vực quảng trường phục vụ nhu cầu khác. Giao thông tại khu vực này theo thiết kế thì vẫn giữ một phần hướng tuyến đi từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Lê Lợi nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối vào trung tâm. Ở giai đoạn 2 sẽ hoàn thiện theo quy hoạch đề ra, trong đó kết nối đồng bộ quảng trường phía trước chợ Bến Thành với đường Lê Lợi và Công viên 23 tháng 9. Giải pháp giao thông khu vực này theo phương án 3 đã được tư vấn Nikken Sekkei nghiên cứu khi lập đồ án 930 ha, đáp ứng năng lực giao thông khu vực này. 

Theo đánh giá của Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hồ Chí Minh, nhược điểm của phương án 3 là tập trung thiết kế cảnh quan trên mặt đất, khi nào thực hiện ngầm sẽ lại tháo dỡ, rào chắn.


Tượng Trần Nguyên Hãn một trong những biểu tượng ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh,  8 năm trước, tượng đã bị di dời để xây ga ngầm Bến Thành của tuyến metro số 1. 
Tượng Trần Nguyên Hãn một trong những biểu tượng ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh,  8 năm trước, tượng đã bị di dời để xây ga ngầm Bến Thành của tuyến metro số 1. 

Chợ Bến Thành là biểu tượng của TP Hồ Chí Minh

Vào đầu tháng 7/2022, Hội đồng tư vấn về kiến trúc TP Hồ Chí Minh đánh giá đã đến thời điểm thích hợp để bắt đầu tổ chức khu vực trước chợ Bến Thành theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được duyệt. Theo đó cần phải thực hiện phân kỳ để đảm bảo xây dựng các tuyến giao thông ngầm có khả năng kết nối phù hợp với thực tế. 

Đồng thời, Hội đồng cũng đề nghị Sở Quy hoạch và kiến trúc, Sở Giao thông vận tải và đơn vị tư vấn lập phương án cụ thể, chi tiết về vị trí, hình dáng của các đảo giao thông, lộ giới các tuyến đường, quảng trường, đề xuất vị trí tượng đài Trần Nguyên Hãn, tượng đài Quách Thị Trang đặt tại khu vực kết thúc trục Lê Lợi tại quảng trường để báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, quyết định.


Khu vực phía trước chợ Bến Thành đang thi công xây dựng ga ngầm Bến Thành của tuyến metro số 1.
Khu vực phía trước chợ Bến Thành đang thi công xây dựng ga ngầm Bến Thành của tuyến metro số 1.

Trước đó, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã giao sở, ngành đề xuất phương án quy hoạch xây dựng lại bùng binh trước chợ Bến Thành, đặt lại tượng Trần Nguyên Hãn, một trong những biểu tượng ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh. 8 năm trước, tượng đã bị di dời để xây ga ngầm Bến Thành của tuyến metro số 1.

Bên cạnh việc di dời, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh giao các đơn vị đề xuất phương án làm mới tượng Trần Nguyên Hãn bằng chất liệu bền vững hơn. Tỷ lệ kích thước bệ tượng và tượng cũng được nghiên cứu đảm bảo phù hợp, hài hòa với tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành.

Chợ Bến Thành nằm ở vị trí trung tâm TP Hồ Chí Minh, với lịch sử hàng trăm năm chợ đã trở thành biểu tượng đặc trưng của “thành phố mang tên Bác”. Những ngày đầu hình thành khu chợ nằm cạnh một bến sông, tiếp đón khách hàng và người vào thành, do đó chợ có tên gọi là Bến Thành. 


Chợ Bến Thành có lịch sử hàng trăm năm, trở thành biểu tượng lớn của TP Hồ Chí Minh.
Chợ Bến Thành có lịch sử hàng trăm năm, trở thành biểu tượng lớn của TP Hồ Chí Minh.

Chợ Bến Thành có tổng diện tích 13.056m2, trung bình mỗi ngày chợ đón khoảng 10.000 lượt khách tới mua bán và tham quan. Đây là chợ bán lẻ quy mô nhất, khách hàng có thể tìm thấy tại nơi này đủ thứ mặt hàng, từ bình dân đến cao cấp, đặc biệt hàng thực phẩm thuộc loại chọn lọc nhất. Chợ Bến Thành có 1.437 sạp, 6.000 tiểu thương, 11 doanh nghiệp, với bốn cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng.

Cửa Nam của chợ Bến Thành (nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang) với biểu tượng ngôi tháp đồng hồ ba mặt. Đây là cổng chính của chợ, bên trong nhà lồng là nơi bày bán các mặt hàng vải vóc và thực phẩm khô. 

Cửa Bắc của chợ Bến Thành (phía đường Lê Thánh Tôn), đây là khu vực tập trung các gian hàng hoa tươi và trái cây. 

Cửa Ðông của chợ Bến Thành (phía đường Phan Bội Châu), đây là khu vực tập trung các gian hàng bán các loại mỹ phẩm và bánh kẹo. 

Cửa Tây của chợ Bến Thành (phía đường Phan Chu Trinh), đây là khu vực tập trung các gian hàng bán giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

TP. HCM: 6 khu "đất vàng" bị bỏ hoang tại Q. 1 được đề xuất làm bãi giữ xe

Hà Nội: Vì sao 150 hộ dân tại chung cư The Golden An Khánh chưa được cấp sổ hồng?

Nhà trọ, chung cư mini không cam kết về PCCC sẽ bị dừng hoạt động

Công an Hà Nội yêu cầu dừng giao dịch 77 lô đất dịch vụ tại La Khê, Hà Đông

Khu vực sẽ được đầu tư hơn 1.250 tỷ đồng xây dựng dự án công viên lớn thứ 2 Hà Nội: Gấp đôi công viên Thống Nhất, gấp 5 công viên Hòa Bình

Hà Nội quy định chung cư thương mại 70-100 m2 chỉ 3 người ở

Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực từ 1/8

Xây dựng chính sách mới về hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo

Tin mới cập nhật

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

2 ngày trước

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

4 ngày trước

Người dân TP.HCM bức xúc về cách tính tiền sử dụng đất

4 ngày trước

Nghịch lý thị trường bất động sản: Giá cao, tỷ lệ hấp thụ tốt nhưng kết quả kinh doanh èo uột

4 ngày trước

Cơ hội tăng giá nhiều lần của đất nền phía Nam sẽ khó xuất hiện

5 ngày trước