TP Hồ Chí Minh sẽ sử dụng nguồn xã hội hóa để chỉnh trang chợ Bến Thành
BÀI LIÊN QUAN
Sẽ giữ lại các khu dân cư hiện có nằm trong Đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng Giá đất ven sông Hồng tăng mạnh cuối năm nhờ "tin đồn" quy hoạchCách tra cứu quy hoạch khi mua bán nhà đất chính xác nhấtĐề án cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành
Vừa qua Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố về công tác cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành.
Cụ thể, ý tưởng cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành do đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TA Landscape đề xuất đã được ông Lê Hòa Bình cơ bản thống nhất. Đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan phải hoàn thành một số nhiệm vụ đề ra.
Trong đó giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP Hồ Chí Minh phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế thiết kế triển khai ý tưởng chi tiết hơn. Trước ngày 28/2/2022 phải báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh.
Giao UBND quận 1 phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP Hồ Chí Minh, đơn vị tư vấn triển khai thực hiện phương án thiết kế chi tiết, thống kê cụ thể có bao nhiêu gian hàng và tiểu thương kinh doanh trong chợ.
Các nội dung đề xuất thay mới, sửa chữa, cải tạo chỉnh trang hoặc trùng tu: nền chợ, hệ thống cấp, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy, kiểm định hệ thống kết cấu chịu lực của mái và hệ thống tường bao, điều chỉnh chiều cao mái để thông thoáng và lấy sáng, lợp mái ngói thay thế mái tôn giả ngói hiện trạng, quảng cáo điện tử, trùng tu 4 cổng chính...
Vẽ thiết kế chi tiết modul các gian hàng (sẽ thực hiện sau khi hoàn thành công tác cải tạo chỉnh trang chợ, tiểu thương tự bỏ kinh phí làm theo thiết kế để đảm bảo đồng bộ), dự toán chi phí thực hiện.
Trong quá trình thực hiện cần lấy ý kiến của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Công thương và Trung tâm bảo tồn di tích (Sở Văn hóa và Thể thao) để hoàn thiện phương án, gửi Sở Xây dựng trước ngày 28/02/2022 để tổng hợp báo cáo trình Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh xem xét.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Sở Xây dựng thẩm định về công tác kiểm định kết cấu, chất lượng hiện trạng công trình và hồ sơ thiết kế cải tạo chỉnh trang chợ Bến Thành, tổng hợp báo cáo đề xuất, trình Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh xem xét thông qua phương án thiết kế chi tiết trước ngày 08/3/2022.
Chợ Bến Thành có tuổi đời hơn 150 tuổi
Chợ Bến Thành được xây dựng từ năm 1870 với tên gọi ban đầu là Les Halles. Đến năm 1912 đổi tên thành chợ Bến Thành. Chợ nằm ở Cửa Nam của thành phố, nơi giao cắt giữa các con đường Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn và công trường Quách Thị Trang thuộc phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Trước đó, xuất hiện thông tin Chợ Bến Thành xuống cấp, như mái chợ dột nhiều điểm nên tiểu thương phải để xô, chậu trên nóc quầy sạp, căng nilon để hứng nước mưa. Theo ghi nhận, nhiều mảng bê tông trên cột, đòn tay bong tróc. Bên cạnh đó, nền chợ thấp hơn mặt đường, khi mưa lớn kết hợp với triều cường dễ gây ngập chợ.
Chợ Bến Thành có tổng diện tích trên 13.000m2. Hình ảnh đồng hồ ở cửa Nam của chợ được so sánh với đồng hồ Big Ben ở London (Anh) đã trở thành hình ảnh biểu tượng của chợ. Đồng thời trở thành hình ảnh đặc trưng cho “Thành phố mang tên Bác”.
Trải qua hơn 150 năm tồn tại, chợ Bến Thành tới nay vẫn giữa được lối kiến trúc cổ xưa. Và là một trong những ngôi chợ có lịch sử lâu đời nhất tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2013, báo USA Today đã bình chọn chợ Bến Thành là một trong 5 chợ tốt nhất thế giới.
Hằng năm chợ Bến Thành đã thu hút hàng nghìn lượt khách tới tham quan và mua sắm. Đóng góp vào sự phát triển kinh tế của thành phố năng động này. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, trung bình mỗi ngày chợ Bến Thành đón khoảng 15.000 lượt khách. Chủ yếu là khách nước ngoài đến mua quà lưu niệm, thưởng thức các món ăn đậm đà bản sắc văn hóa của Việt Nam. Nhiều gian hàng của chợ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh, buôn bán tại chợ đã bị ảnh hưởng rất lớn. Nhiều tiểu thương đã phải đóng cửa hàng, cho thuê hoặc sang nhượng lại sạp hàng.
Điểm đặc biệt của chợ là có kiến trúc 4 hướng cổng, mỗi cổng kinh doanh những mặt hàng riêng biệt.
Cửa Ðông của chợ là nơi bán mỹ phẩm, bánh kẹo. Cửa Tây là nơi tập trung các gian hàng kinh doanh giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm. Cửa Nam (cổng chính) là khu vực bán các mặt hàng vải vóc, quần áo, thực phẩm khô. Cửa Bắc của chợ Bến Thành là bán thực phẩm tươi sống, hoa quả, trái cây. Ngoài 04 cổng chính, du khách còn có thể đi bằng lối 12 cửa phụ toả ra bốn hướng.