Sẽ giữ lại các khu dân cư hiện có nằm trong Đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng
Giữ lại các khu dân cư
Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng) được UBND Hà Nội tổ chức lập trên cơ sở cụ thể hóa và phù hợp định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Ngày 18/2/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ đê điều hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình tại Quyết định số 257/QĐ-TTg. Ngày 23/10/2012 nhiệm vụ quy hoạch được UBND Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4770/QĐ-UBND.
Các khu dân cư hiện có nằm trong khu vực quy hoạch sẽ được giữ lại.
Đồ án quy hoạch sông Hồng đã được tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư; tổ chức hội đồng thẩm định, báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội và thực hiện lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ Xây dựng cho biết, mới đây, ngày 21/12/2021, Bộ cũng đã có ý kiến góp ý về hai đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống.
“Trên cơ sở các ý kiến góp ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội cần khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan (bổ sung các khu dân cư hiện có ở bãi sông vào danh mục giữ lại, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và việc xây dựng, phát triển đô thị tại một số bãi sông) và hoàn thiện đồ án quy hoạch trước khi phê duyệt theo thẩm quyền”, Bộ Xây dựng thông tin.
Chậm trễ phê duyệt Đồ án quy hoạch do đâu
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, các quy định của Luật Đê điều khiến việc chậm trễ lập, phê duyệt hai đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng (R1-5 ) và Quy hoạch phân khu sông Đuống (R6).
Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình được xác định là không gian thoát lũ gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa hai đê; giữ nguyên vị trí các tuyến đê hiện có; không nâng cao các tuyến đê hiện có; không xây dựng các đê bối mới; đất phát triển đô thị tại các khu vực được phép nhỏ hơn 15% diện tích bãi sông…
Các quy định của Luật Đê điều khiến việc chậm trễ lập, phê duyệt hai đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống.
Vì những quy định này, việc rà soát lại và điều chỉnh đồ án quy hoạch sông Hồng và sông Đuống đang được nghiên cứu sao cho phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết các tuyến sông có đê thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.
Khi Luật Quy hoạch năm 2017 được ban hành và có hiệu lực đã điều chỉnh nhiều nội dung tới các bộ luật khác. Điều này ảnh hưởng lớn làm chậm tiến độ của 2 quy hoạch trên.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hai đồ án Quy hoạch đô thị sông Hồng và sông Đuống sẽ sớm được phê duyệt vào nửa đầu của tháng 1/2022.
Đầu năm 2022, 66/68 đồ án quy hoạch chung đã được TP Hà Nội cơ bản hoàn thành. Chỉ còn quy hoạch phân khu (cấp 1), đô thị vệ tinh (cấp 2) đang gấp rút triển khai cụ thể hóa ở cấp độ tiếp theo. Thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, đảm bảo đúng quy trình, quy định; phấn đấu trình, phê duyệt hai đồ án trong quý I/2022.
Quy hoạch đô thị sông Hồng và sông Đuống thành công sẽ mang tới nhiều lợi ích cho nền kinh tế và đời sống của người dân Thủ đô. Đồng thời sẽ thay đổi bộ mặt đô thị của Hà Nội, sẽ xuất hiện những con đường, khu đô thị hiện đại, quảng trường lớn có tầm nhìn hướng sông. Trái ngược với cảnh tượng hiện có khi nhà quay lưng ra sông, tạo cảnh tượng nhếch nhác ở giữa Thủ đô.
Thị trường bất động sản Thủ đô “biến động”
Từ khi có thông tin Hà Nội sẽ sớm phê duyệt Đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng, nhiều khu vực bất động sản phía đông Hà Nội đón nhận các tín hiệu tích cực. Bởi Đồ án này sẽ trở thành động lực thu hút đầu tư và những khu đô thị ven sông sẽ đưa Thủ đô thành một trong những thành phố ven sông đáng sống nhất trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung.
Thị trường bất động sản Hà Nội có sự thay đổi khi có thông tin quy hoạch.
Quy hoạch đô thị sông Hồng đã là ước mơ của Hà Nội từ rất nhiều năm, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được. Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay: “Nói đây là một “giấc mơ” bởi đã nhiều lần chúng ta bàn tới quy hoạch sông Hồng. Hầu như lần nào chúng ta lập hay điều chỉnh quy hoạch chung của Hà Nội cũng đều bàn tới trục hành lang của sông Hồng này, làm sao để trở thành hiện thực thì vẫn luôn là câu hỏi chưa có lời giải đáp”.
Thời điểm hậu Covid-19, khi dòng tiền của người dân đang cần tìm một nơi trú an toàn khi lãi suất ngân hàng thấp. Thì bất động sản nổi lên như một tiềm năng đầy hứa hẹn. Vì vậy những khu vực được hưởng lại từ Đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng như khu phía Đông của Thủ đô đang được đánh giá là thị trường bất động sản có khả năng phát triển trong tương lai.
Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có diện tích khoảng 11.000 ha, kéo dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Quy hoạch nằm trên địa giới hành chính của 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Phạm vi quy hoạch phía Bắc đến đê tả ngạn và phía Nam đến đê hữu ngạn sông Hồng, chiều dài khoảng 40 km. Trong tổng diện tích nghiên cứu khoảng 11.000 ha, sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông trên 5.400 ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu dân cư có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá… Tổng số dân liên quan đến quy hoạch từ 280.000 - 320.000 người. |