Thị trường bất động sản cận Tết: Thừa tiềm năng nhưng thiếu...niềm tin
BÀI LIÊN QUAN
Chủ tịch VCCI: Khó khăn bao trùm toàn thị trường bất động sản 2022Giao dịch khó chốt, giá bất động sản đang dần chạm đáyDoanh nghiệp bất động sản đau đầu trước áp lực đáo hạn trái phiếuCàng cuối năm càng ít giao dịch bất động sản
Dù còn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tuy nhiên một số doanh nghiệp bất động sản đã có kịch cho nhân viên nghỉ Tết sớm. Nhiều môi giới lo lắng năm nay sẽ là cái Tết khó khăn về tài chính.
“Khoảng đầu năm đến tháng 6/2022, mỗi tuần nhóm chúng tôi giới thiệu được vài khách đặt cọc mua đất. Tuy nhiên từ giữa năm đến nay thị trường bất động sản ảm đạm hẳn. 3 tháng cuối năm là tệ nhất khi nhà đầu tư vẫn ở tâm thế theo dõi chứ không muốn mua bán, giao dịch gì”, anh Nguyễn Trọng Lộc, nhân viên của một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội chia sẻ.
Theo anh Lộc, thu nhập của nhân viên môi giới bất động sản phần lớn đến từ tiền hoa hồng giao dịch. Do vậy việc thị trường bất động sản hầu như đóng băng khiến mọi khoản thu nhập của anh bị cắt giảm. Một số sàn khác thậm chí còn không có kinh phí trả lương và thưởng Tết cho nhân viên do thời gian vừa qua hầu như không có giao dịch.
TS La Văn Thái (chuyên gia kinh tế) đánh giá, từ giữa năm đến nay là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản thì nhiều chủ doanh nghiệp bị khởi tố, điều tra; nhiều dự án bất động sản bị dừng triển khai đã ảnh hưởng đến mức độ quan tâm của người mua.
Ông La Văn Thái nhắc lại về thời điểm khủng hoảng của thị trường bất động sản giai đoạn 2008 – 2012 và chỉ dần phục hồi sau năm 2013 khi hàng loạt chính sách được thông qua. Đặc biệt, vị chuyên gia đánh giá với việc ngân hàng tăng lãi suất cao như hiện nay cũng với dòng vốn dành cho bất động sản đang bị siết lại thì kịch bản tích cực nhất để thị trường đảo chiều phải chờ đến quỹ 4 năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
TS La Văn Thái cho rằng, tăng trưởng tín dụng và điều chỉnh chính sách sẽ là 2 yếu tố quyết định tiến trình xoay chiều của thị trường bất động sản. Hai kịch bản trong năm 2023 sẽ là Chính phủ có một số điều chỉnh giúp thị trường bất động sản ấm lên hoặc là thị trường tiếp tục khó khăn bởi dòng vốn chưa được khơi thông.
Ông Thái cũng bàn đến phương án khả quan hơn giúp thị trường bất động sản có động lực mới nhờ việc sửa đổi 3 luật liên quan gồm: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật nhà ở. Mặt khác, khi nguồn vốn trong và ngoài nước được kích hoạt, hấp thu sẽ giúp thị trường bất động sản vượt qua “điểm lõm” như hiện nay. Việt Nam là quốc gia có lượng kiều hối lớn vì thế đây cũng được xem là nguồn cấp vốn quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục và tăng trưởng trong ngắn hạn.
Tìm giải pháp củng cố niềm tin thị trường
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản thành phố HCM chia sẻ, qua đánh giá toàn cảnh thị trường cho thấy, giai đoạn này phần lớn nhà đầu tư vẫn đang tiếp tục theo dõi, quan sát diễn biến thị trường. Các hoạt động giao dịch bị ngừng trệ cũng do niềm tin dành cho thị trường bất động sản đang dần mất đi, mối quan hệ cung - cầu cũng giảm mạnh.
Trả lời câu hỏi làm sao để củng cố niềm tin thị trường, ông Nguyễn Quốc Bảo cho rằng, đầu tiên phải công khai, minh bạch các thông tin về chủ đầu tư và dự án. Bên cạnh đó Chính phủ nên đưa ra các giải pháp cụ thể hơn để giải quyết được những khó khăn cho thị trường bất động sản. Khi người mua mất niềm tin thì doanh nghiệp làm gì cũng khó do vậy để khôi phục niềm tin cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý. Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản thành phố HCM nhấn mạnh, thị trường bất động sản phát triển ổn định sẽ hỗ trợ cả nền kinh tế. Bởi trong bối cảnh này, việc thiếu hụt nguồn cung dễ dẫn đến khủng hoảng.
“Với việc kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế trong nước bị ảnh hưởng sau dịch Covid-19 thì thị trường bất động sản gặp khó khăn là chuyện khó tránh khỏi. Vấn đề ở đây là cần có kịch bản để đối phó với nếu không có chính sách hỗ trợ đột phá thì khó khăn sẽ gia tăng khiến doanh nghiệp cạn kiệt nguồn lực”, ông Bảo bày tỏ.
Một số chuyên gia lĩnh vực bất động sản cũng đánh giá, hiện nay nhóm khách hàng có nhu cầu thực sự vẫn đang chờ đợi trong khi những người muốn sở hữu nhà đất ngay đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội mua. Nhu cầu thực sẽ là điểm sáng tháo gỡ khó khăn vì thế các chủ đầu tư cần sớm triển khai các dự án mới, tái cơ cấu nợ và tập trung vào chính sách bán hàng để nhiều người tiếp cận được.
Để dòng vốn cho thị trường bất động sản thực sự được khơi thông cần phải có lực mua đủ lớn. Muốn lực mua lớn thì giá bất động sản cần giảm tiếp, đây là quy luật tự nhiên.
Ở góc độ khác, giá một số phân khúc trong thời gian tới có thể vẫn chững lại, người sở hữu nếu dùng đòn bẩy tài chính quá lớn buộc phải bán ra tài sản. Đây cũng là thời điểm thị trường đủ hấp dẫn để kích hoạt dòng tiền “bắt đáy”, giúp khơi thông nguồn vốn đang bị “tắc nghẽn”.
Chốt lại câu chuyện, giới chuyên gia nhìn nhận, từ nay đến Tết Nguyên đán 2023, thị trường thứ cấp sẽ tăng tần suất xả hàng và sẽ thanh khoản được nếu pháp lý đầy đủ và giá bán phù hợp. Trong khi đó phân khúc nhà ở liền thổ cư, chung cư, nhà phố sẽ phụ thuộc vào khả năng khai thác, kinh doanh ngay lập tức. Còn về diễn biến chung của thị trường bất động sản vẫn phải chờ đợi những tác động, thay đổi của chính sách, nền kinh tế và chính các đơn vị chức năng.