Tháo gỡ “điểm nghẽn” cho thị trường bất động sản phía Nam
Nhận diện thách thức, rủi ro
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư đánh giá, sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản phía Nam đang có nhiều dấu hiệu phục hồi và khởi sắc trong năm 2022.
Tuy nhiên bên cạnh những tín hiệu tích cực này, ông Tuấn cho rằng, thị trường bất động sản phía Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2022. Cụ thể là thủ tục tài chính đất đai còn nhiều vướng mắc, chính sách đấu giá đất chưa hoàn thiện, khung pháp lý cho một số loại hình bất động sản như Condotel, Officetel chưa rõ ràng. Tình trạng vi phạm pháp luật của một số chủ đầu tư đang được các cơ quan chức năng xử lý cũng đang tác động đến tâm lý thị trường.
Bài toán về vốn cho doanh nghiệp bất động sản cũng đang được đặt ra khi Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng vào bất động sản và các cơ quan chức năng đang rà soát lại việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp... Thêm vào đó là những thách thức liên quan tới rủi ro lạm phát, dịch bệnh Covid-19 còn chưa thể lường trước, giá đất tăng, mất cân bằng cung cầu.
Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Anh Tuấn, ông Võ Hồng Thắng – Trưởng phòng D&R DKRA Việt Nam phân tích, mặc dù có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng thị trường bất động sản phía Nam đang gặp không ít thách thức về các chính sách pháp lý. Cụ thể, siết chặt tín dụng vào bất động sản của ngân hàng Nhà nước trong thời gian gần đây. Việc Nhà nước rà soát lại phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ tác động đến thị trường này.
Bên cạnh đó, những nút thắt pháp lý, cấp phép dự án mới chưa được tháo gỡ, kéo dài thời gian triển khai dự án, làm tăng chi phí hồ sơ thủ tục, tăng chi phí để phát triển dự án.
Giải quyết “điểm nghẽn”, tạo đà phát triển
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng chỉ ra một số điểm nghẽn mà thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và bất động sản phía Nam nói riêng đang gặp phải. Đặc biệt, ông Khởi nhấn mạnh những vướng mắc về pháp lý bất động sản cần được ưu tiên giải quyết đầu tiên.
Để giải quyết điểm nghẽn này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản kiến nghị phải tháo gỡ một số nút thắt cho thị trường phía Nam như: Thủ tục đầu tư, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quy hoạch đất đai, đô thị; cơ sở pháp lý cho loại hình Condotel, officetel; chính sách đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án bất động sản.
Bên cạnh đó, cần phải giải quyết thật tốt bài toán thuế đất đối với dự án nhà ở; xử lý các dự án bất động sản chậm triển khai; lệch pha cung – cầu và vấn đề nhà ở cho người trẻ tuổi; bài toán về nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản sau động thái siết chặt tín dụng cho vay bất động sản của các ngân hàng.
Nói về những giải pháp tạo đà thúc đẩy bất động sản phía Nam, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, khu vực TP. Hồ Chí Minh và vùng phụ cận đang được đầu tư nhiều dự án hạ tầng quan trọng. Cho nên, quá trình đô thị hóa, phát triển hạ tầng giao thông và quá trình công nghiệp hóa cần phải gắn bó mật thiết với nhau. Phát triển bất động sản và hạ tầng giao thông phải định hướng cho quá trình dịch chuyển của người lao động từ nông thôn đến thành thị, cũng như người lao động từ khu vực nông thôn sang khu vực công nghiệp và dịch vụ ở các đô thị.
Cùng quan điểm với ông Kiên, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – đầu tư (Bộ GTVT) cũng cho rằng, một số công trình giao thông trọng điểm trong thời gian vừa qua đã tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh, cũng như của cả khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Hạnh cho biết, Bộ GTVT và chính quyền TP. HCM đang kiến nghị một số nội dung để giải quyết các “nút thắt” về hạ tầng cho TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể là các giải pháp để hoàn chỉnh hệ thống các quy hoạch, rà soát và triển khai xây dựng các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh theo Luật Quy hoạch mới; bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông vận tải kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Xây dựng quy chế phối hợp liên vùng giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Vùng Tây Nam Bộ. Đồng thời duy trì cơ chế phối hợp với các tỉnh Đông Nam Bộ, đảm bảo hoạt động phối hợp thường xuyên và có hiệu quả trong triển khai đầu tư các dự án giao thông.
Chấp thuận chủ trương bổ sung vào quy hoạch một số dự án nhằm tăng cường và hỗ trợ kết nối như: cao tốc Gò Dầu – Xa Mát, cao tốc Chơn Thành – Hoa Lư, cao tốc Trung Lương – Bến Tre; cao tốc Hồng Ngự (cửa khẩu Dinh Bà) – Trà Vinh; trục động lực TP. HCM – Long An – Tiền Giang, các tuyến liên kết vùng.
Tiếp tục hoàn thiện các dự án đã triển khai đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 để sớm đưa vào khai thác làm cơ sở để triển khai các dự án giai đoạn 2021-2025. Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thể chế đầu tư theo hình thức PPP để làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia các dự án, đảm bảo đúng tiến độ theo quy hoạch.
Phát biểu tại hội thảo, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, những kiến nghị trong buổi hội thảo sẽ được chuyển tải đến các cơ quan xây dựng chính sách để tháo gỡ các vướng mắc, tạo đà phục hồi và phát triển cho thị trường bất động sản phía Nam trong thời gian tới.