BĐS công nghiệp miền Nam kỳ vọng bứt phá trong năm 2022
BÀI LIÊN QUAN
Phó Cục Trưởng Cục Quản Lý Nhà Và Thị Trường BĐS: Giá đất tăng do nhiều yếu tố, không chỉ do ảnh hưởng từ đấu giá cao của Tân Hoàng MinhNhiều “tay ngang” BĐS vùng quê bỗng chốc đổi đời vì sốt đấtNhìn lại BĐS công nghiệp miền Nam năm 2021
Năm 2021, thị trường BĐS công nghiệp ở miền Nam đã hứng chịu nhiều tác động to lớn của đại dịch Covid-19. Việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn vì hầu hết các khu công nghiệp phải tạm ngưng sản xuất để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Theo báo cáo mới nhất của JLL Việt Nam, trong quý III/2021, thị trường BĐS công nghiệp ở phía Nam không ghi nhận giao dịch nào đáng chú ý. Mức độ quan tâm đến phân khúc BĐS này giảm mạnh so với hai quý đầu năm.
Nguồn cung không có biến chuyển, duy trì ở mức 25.220 ha. Đặc biệt, thị trường nhà xưởng xây chỉ có duy nhất một nguồn cung mới trong năm 2021.
2021 là một năm đầy biến động đối với phân khúc BĐS công nghiệp ở miền Nam. Nguồn ảnh: Internet
Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp và nhà xưởng sản xuất không có nhiều thay đổi so với quý II/20212, lần lượt duy trì ở mức 85% và 87%. Trong đó, đất công nghiệp ghi nhận các giao dịch mới lúc dịch bệnh bùng phát, nhà xưởng chủ yếu là hoạt động mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp cũ.
Giá đất công nghiệp cho thuê ở mức 114 USD/m2/kì hạn thuê, tăng khoảng 0.8% so với quý II/2021 và tăng 7,3 so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê nhà xưởng sản xuất giữ nguyên mức giá ở quý II/2021 là 4,5 USD/m2 GFA/tháng, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng ở TP. HCM, thị trường BĐS công nghiệp tương đối ổn định, không có nhiều biến động dù chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Theo báo cáo thị trường quý IV/2021 của Cushman & Wakefield, nguồn cung đất công nghiệp ở thành phố này vẫn duy trì ở mức ổn định, xấp xỉ 2.500 ha. Tỷ lệ lấp đầy không có biến động so với quý II/2021.
Giá chào thuê đất công nghiệp và nhà xưởng sản xuất trung bình ở TP. HCM là 4.308.000 VNĐ/m2/kỳ, tăng 1% so với quý trước và 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
So với các tỉnh thành giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, thị trường BĐS công nghiệp ở TP. HCM vẫn có giá thuê, số lượng giao dịch, mức độ quan tâm cao hơn. Sở dĩ có điều này là do TP. HCM có nguồn cung ổn định BĐS công nghiệp ổn định và nhu cầu thuê rất cao.
Dự báo BĐS công nghiệp miền Nam năm 2022
Nhiều chuyên gia dự đoán, BĐS công nghiệp miền Nam sẽ phục hồi và trỗi dậy trong năm 2022 nhờ các dòng tiền đầu tư từ nguồn vốn FDI vào công nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuối năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo tăng 16,45%. Đa số các nhà đầu tư rót vốn vào phân khúc này đều có tầm nhìn dài hạn, đặt nhiều tin tưởng vào tiềm năng của thị trường.
Bên cạnh đó, những chính sách mở cửa phát triển kinh tế sau dịch của Chính phủ sẽ tạo đà, giúp phân khúc BĐS công nghiệp ở miền Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới. Đặc biệt là những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài của Chính phủ cũng là động lực lớn để phân khúc BĐS này bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022.
BĐS công nghiệp ở miền Nam được kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ trong năm 2022. Nguồn ảnh: Internet
Ông Nguyễn Quốc Anh, PTGĐ Batdongsan.com.vn xác nhận, BĐS công nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ các Chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ sau dịch. Dự báo phân khúc BĐS này sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm tới.
Theo Savills Việt Nam, trong tương lai, các dự án BĐS công nghiệp cần hướng đến tiêu chuẩn chất lượng cao với lệ thế tăng trưởng tốt. Việc tích hợp khu nhà ở chất lượng cao trong khu công nghiệp chất lượng cao là một xu hướng đang được nhiều nhà đầu tư săn đón. Các doanh nghiệp không chỉ cần nơi nghỉ ngơi cho công nhân, mà cần phải cung cấp thêm các dịch vụ bán lẻ, giáo dục, giải trí.
Điểm sáng của thị trường BĐS miền Nam trong năm 2022
Mặc dù thị trường BĐS công nghiệp luôn có nhu cầu cao nhưng mức giá cho thuê ở TP. HCM khá cao. Cho nên hiện nay, nhu cầu tìm kiếm đang dịch chuyển ra các dự án nằm ở các tỉnh giáp ranh thành phố. Trong đó, tỉnh Long An được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ trở thành một điểm sáng mới cho phân khúc BĐS công nghiệp ở miền Nam trong năm 2022.
Long An là tỉnh thành có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải để phát triển các dự án BĐS công nghiệp ở miền Nam. Hiện tại, tỉnh thành này đang có một loạt tuyến đường lớn chạy qua như: Quốc lộ 50, 1A, N2,... Đặc biệt, tỉnh đang có nhiều dự án xây dựng bến cảng, sân bay, đường cao tốc mới, hứa hẹn sẽ tạo sức bật mới cho BĐS công nghiệp trong năm 2022.
Long An sẽ trở thành điểm sáng của thị trường BĐS miền Nam trong năm 2022 với nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Nguồn ảnh: Internet
Ngoài ra, Long An đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước chú ý nhờ những tiềm năng nổi trội. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 dự án đầu tư đến từ nguồn vốn FDI và DDI. Cụ thể có 786 dự án là vốn FDI với tổng số tiền đầu tư giai đoạn đầu là 4.468 triệu USD, 802 dự án DDI với tổng số vốn gần 90.000 tỷ đồng.
Năm 2021, Vissan – một trong những công ty chế biến thực phẩm hàng đầu Việt Nam đã quyết định di chuyển nhà máy tử TP. HCM về Long An. Dự kiến, đến năm 2024, công ty này sẽ hoàn thành việc di chuyển nhà máy về Long An. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho sức hút của BĐS công nghiệp ở Long An.
Giới chuyên gia đánh giá, Long An sẽ trở thành tỉnh thành thu hút được nhiều nhà đầu tư về lập nghiệp. Từ đó, kéo theo sự phát triển của phân khúc BĐS công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, đầu tư BĐS công nghiệp ở Long An sẽ có cơ hội mang về nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu tư.