Sức bật mới của bất động sản công nghiệp Long An
BÀI LIÊN QUAN
Long An dừng giải quyết thủ tục đất tại các dự án trọng điểm nhằm ngăn chặn “sốt ảo”Long An đón nhận thêm hàng loạt dự án khu công nghiệp “khủng” Giải mã sức hút của bất động sản Long AnDự án “khủng” đổ bộ
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Long An ghi nhận sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư bất động sản trên cả nước. Một trong những yếu tố tạo nên sức hút của khu vực này là sự đổ bổ của hàng loạt dự án công nghiệp với quy mô đầu tư lên tới hàng tỷ USD.
Cụ thể, tháng 4/2022 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Lộc Giang tại 3 xã Tân Mỹ, và Lộc Giang của huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, do Công ty cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn – Tây Bắc phát triển. Với quy mô 466 ha, tổng vốn đầu tư gần 5.200 tỷ đồng, dự án được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn đầu tư của hàng trăm doanh nghiệp khác.
Hai dự án đang chú ý khác của Long An vừa được ký kết trong tháng 5 là dự án khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2 và khu công nghiệp xuyên Á do Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW làm chủ đầu tư. Đây là hai dự án có quy mô lớn, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế địa phương. Dự kiến, đến quý II/2023, dự án sẽ hoàn thành và cung cấp ra thị trường hơn 400.000 m2 nhà kho xây sẵn.
Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Long An, trong quý I/2022, tỉnh đã cấp giấy phép cho 38 dự án mới ở trong nước, với tổng vốn đăng ký là 8.906,8 tỷ đồng và điều chỉnh vốn tăng thêm 640 tỷ đồng cho 5 dự án. Tính chung, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm của tỉnh là 9.546,8 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 2.000 dự án hoạt động với tổng số vốn đăng ký lên tới hơn 250.000 tỷ đồng.
Về phần vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong quý I/2022, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm của tỉnh là 341,1 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.143 dự án có vốn FDI, với tổng số vốn đăng ký hơn 9.767.7 triệu USD, trong đó có gần 600 dự án đi vào hoạt động với số vốn đầu tư là 3.624 triệu USD.
Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp năm 2022, bà Trang Bùi – Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, trong bối cảnh quỹ đất hạn hẹp, sức mua hàng hóa tăng cao ở TP. Hồ Chí Minh, Long An đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản, bán lẻ, thương mại điện tử đang tìm cách “chen chân” tại thị trường này.
Bất động sản công nghiệp lên ngôi
Những con số về số lượng dự án và dòng vốn đầu tư đã cho thấy, Long An đang là tâm điểm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở phía Nam. Sức hút này đã tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản công nghiệp ở tỉnh thành này.
Theo ghi nhận thực tế, lượng giao dịch bất động sản công nghiệp trên thị trường Long An đang tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Mức giá chào thuê đất công nghiệp ở tỉnh thành này đang dao động ở mức 50-90 USD/m2 cho một chu kỳ thuê. Tỷ lệ lấp đầy bình quân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn đạt trên 70%.
Nếu so với các thị trường bất động sản công nghiệp “gạo cội” như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai thì Long An vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Cho nên hiện nay, các nhà đầu tư không ngừng tìm kiếm quỹ đất để mở rộng diện tích sản xuất ở đây.
Đi cùng với đó là nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để phát triển các dự án bất động sản công nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài. Xu hướng này được dự báo sẽ chiếm lĩnh nguồn cầu của thị trường bất động sản Long An trong giai đoạn tới.
Trong các địa phương thuộc tỉnh Long An, huyện Bến Lức được đánh giá là nơi có thị trường bất động sản công nghiệp phát triển sôi động nhất nhờ tiềm năng sắp trở thành một đô thị vệ tinh của TP. Hồ Chí Minh. Theo quy hoạch của tỉnh Long An, đến năm 2025, Bến Lức sẽ trở thành đô thị loại 2 với sự xuất hiện của các khu đô thị hiện đại nằm dọc sông Vàm Cỏ Đông, kết nối trực tiếp với huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.
Bến Lức cũng là đầu mối của một loạt tuyến đường giao thông trọng điểm như cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương, vành đai 3, vành đai 4, metro Bến Thành – Tân Kiên.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông, Bến Lức đang thu hút rất đông lượng người lao động từ các địa phương trên cả nước về đây làm việc. Đây là những nội lực chính khiến thị trường bất động sản công nghiệp ở Bến Lức trở nên sôi động trong thời gian vừa qua.
Đánh giá về thị trường bất động sản công nghiệp ở Long An, ông Dương Quốc Thủy – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ cho biết, tỉnh thành này là điểm sáng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long vì có vị trí giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh, giao thông thuận lợi và cũng là tỉnh tập trung nhiều nhất các khu và cụm công nghiệp. Một số khu công nghiệp cho thuê hiệu quả như: khu công nghiệp Hải Sơn mở rộng, khu công nghiệp Đức Hòa 1, khu Công Nghiệp Tân Đức, khu công nghiệp Xuyên Á,…
Ngoài ra, tỉnh Long An đang đẩy mạnh đầu tư vào các khu công nghiệp với nhiều chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm,…Những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh sẽ thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Theo đó không chỉ bất động sản công nghiệp có tiềm năng phát triển mà các loại hình phụ trợ như nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp cũng sẽ được chú trọng đầu tư tại tỉnh thành này.