Sốt đất đi qua, nợ nần ở lại: "Khi thủy triều rút mới biết ai đi bơi mà không mặc quần"
BÀI LIÊN QUAN
Môi giới bất động sản trong cơn bão thất nghiệp (Bài 2): Nhọc nhằn "chạy ăn từng bữa" vì bỏ tiền ôm đấtMôi giới BĐS nên tiếp tục cầu tiến, đổi mới bản thân trong lúc chờ thị trường "hồi phục"Thị trường BĐS sôi động hoạt động rao bán nhưng ít thanh khoản, chủ đất và môi giới cùng bị ép giá“Tôi đã mất hết uy tín gây dựng nhiều năm vì nợ nần”
Nói trong tiếc nuối, anh Nguyễn Mạnh (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) cho biết, vừa phải bán chiếc xe hơi để trả bớt nợ vì lãi suất tăng quá cao.
Anh Mạnh là chủ thầu xây dựng với khoảng 10 thợ. Trong giai đoạn đỉnh của sốt đất, anh vừa làm thêm công việc môi giới bất động sản, vừa đầu tư “lướt sóng”. Sau vài thương vụ “bỏ túi” cho mình khoảng hơn 500 triệu đồng, anh “tất tay” số tiền tiết kiệm của mình, cầm thêm sổ đỏ của ngôi nhà và vay thêm tiền của người quen để đầu tư một đám đất lớn hơn. Tổng số vốn anh rót vào thương vụ nay khoảng 4 tỉ đồng.
Anh nhẩm tính với đà tăng của đất, việc mỗi tháng trả lãi ngân hàng vài chục triệu đồng không đáng lo, vì sau vài tháng bán đất có thể lãi vài trăm triệu đồng. Thực tế, ngay khi vừa mua, đám đất của anh đã có người trả giá cao hơn vài trăm triệu đồng, tuy nhiên, tiền lãi chưa đạt kỳ vọng, anh quyết định không bán để chờ tăng giá. Nhưng, rất nhanh sau đó, thị trường bất động sản khựng lại, “trăm người bán không có một người mua”, anh Mạnh nói.
Chưa hết sốc vì không bán được đất dù đã giảm giá trong khi số tiền trả lãi hàng tháng khá lớn thì công việc thầu xây dựng của anh cũng “ngấm đòn” từ sự đóng băng của thị trường bất động sản. Tổ thợ của anh không thể ứng được tiền từ chủ thầu sau gần 3 tháng lao động, anh tiếp tục phải vay mượn để nuôi thợ, nhưng vẫn không đủ.
“Ngoài việc nuôi ăn, nuôi ở tổ thợ, thì thợ xây thường phải ứng tiền để lo công việc riêng của gia đình họ. Một vài lần họ ứng mà mình không đáp ứng cho họ thì họ sẽ bỏ mình đầu quân cho chủ khác. Khi đó, mất thợ sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ công việc và uy tín của đơn vị mình nên nhiều lần tôi phải vay “nóng” bên ngoài”, anh Mạnh nói.
Dù vậy, với số tiền phải xoay sở hàng tháng quá lớn nên sau vài tháng “gồng lãi suất”, cuối cùng không thể xoay sở được, anh Mạnh phải bán đi chiếc xe hơi để xoay sở lãi ngân hàng và nuôi tổ thợ của mình.
Anh Mạnh tâm sự, việc bán xe, chậm trả lương cho thợ, quá hạn nợ vay của bạn bè, họ hàng… đã khiến gia đình anh mất đi nhiều uy tín trong làm ăn và ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ thân tình trước kia. “Bởi vì những người cho mình vay tiền có thể họ cũng phải nợ người khác. Mình thất hứa cũng khiến họ lỡ hẹn và mất uy tín theo, nhưng thực sự không biết xoay sở thế nào”.
Đáng tiếc hơn, theo kế hoạch, năm nay anh Mạnh và em trai sẽ sửa sang lại khu mộ phần của tổ tiên tươm tất hơn, nhưng với việc “chạy ăn từng bữa” và trả nợ như hiện nay, anh đã không thể hoàn thành nghĩa vụ “tâm linh” như tâm nguyện mình đặt ra.
“Nếu tỉnh táo hơn để không bị cuốn vào sốt đất, hoặc chỉ đầu tư bằng “tiền thịt” của mình thì hiện nay cuộc sống của tôi khá ổn định, thậm chí còn nhiều cơ hội để đầu tư trong bối cảnh thị trường ảm đạm hiện nay thay vì phải chạy vạy từng đồng, vay người nọ để trả nợ người kia và đóng lãi ngân hàng”, anh Mạnh nói trong tiếc nuối.
Môi giới ôm nợ vì lướt sóng hầu hết là người mới
Những trường hợp như anh Mạnh không hiếm, đặc biệt xảy ra rất nhiều ở các vùng nông thôn và mức độ vay nợ thậm chí còn lớn hơn rất nhiều lần. Những cơn sốt đất ập đến với giá cả tăng từng ngày đã kích thích ý chí làm giàu nhanh chóng của nhiều người. Và thực tế, gần như tất cả người đầu tư “lướt sóng” bất động sản đều dùng vốn vay với hy vọng tỷ suất sinh lời sẽ cao hơn. Do vậy, những trường hợp phải bán nhà, bán xe, cầm sổ đỏ để trả lãi… ngân hàng trong lúc chờ bán đất sẽ ngày càng nhiều thêm trong bối cảnh lãi suất vẫn neo ở mức cao và tình hình kinh tế vĩ mô không có nhiều tín hiệu sáng sủa.
Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên, một số môi giới kỳ cựu chia sẻ rằng việc môi giới bất động sản ôm nợ vì lướt sóng không hiếm, nhưng chủ yếu xảy ra ở những người mới gia nhập thị trường ở giai đoạn này.
Anh Lê Văn Thanh, một môi giới bất động sản chia sẻ, nhiều môi giới có đội nhóm, thông tin về sản phẩm, lại có hiểu biết về thủ tục nên thuận lợi trong việc lướt sóng bất động sản thời kỳ sốt đất, đặc biệt là ở các tỉnh lẻ.
“Hầu hết các môi giới “tay ngang” đều vay mượn hoặc góp tiền cùng nhau để cùng đầu tư một lô đất rồi mua đi bán lại trong ngắn hạn. Sau vài giao dịch thành công, mức độ đầu tư của họ ngày một lớn thêm và số tiền phải vay mượn cũng nhiều thêm. Tuy nhiên, thị trường là điều rất khó dự đoán, khi đang vui mừng vì mua được lô đất đẹp thì thị trường đóng băng, thậm chí hạ giá vẫn không thể bán được hàng nên ôm nợ là điều tất yếu”, anh Thanh nói.
Theo anh Thanh, vấn đề này chủ yếu xảy ra ở những môi giới hoặc nhà đầu tư mới gia nhập thị trường trong giai đoạn này và họ chưa tỉnh táo trước những cơn sốt đất. Với nhà đầu tư có kinh nghiệm, với những lô đất đã tăng gấp 2, gấp 3 trong một thời gian ngắn thì họ sẽ không đầu tư, mà họ tìm những khu vực chưa sốt hoặc tăng ít để đầu tư. Ngoài ra, người có kinh nghiệm sẽ không dùng vốn vay quá lớn để đầu tư đất vì họ đã từng “nếm mùi” ở giai đoạn trước.
Anh Nguyễn Dương, một môi giới bất động sản có thâm niên, đồng thời là một tiktoker về bất động sản với gần 100 nghìn lượt theo dõi cũng đồng tình với quan điểm này. Anh cho hay việc môi giới bất động sản ôm nợ xảy ra không hiếm, bởi nghề môi giới phải đầu tư khá nhiều vào bản thân, từ hình ảnh đến kiến thức. Nếu người mở sàn giao dịch thì còn phải đầu tư thêm nhiều về văn phòng, nhân sự, maketing… Nếu không có giao dịch thì phá sản là điều tất yếu.
“Tuy nhiên, những môi giới thất bại hôm nay đa phần là người mới gia nhập thị trường, nhưng qua sự trầy trật lần này, họ sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm, kiến thức để thắng lợi ở chu kỳ đầu tư sau”, anh Dương nói.
Ở góc độ kinh tế, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng những người đang mua đi bán lại các loại tài sản như bất động sản, chứng khoán là một phần không thể thiếu của nền kinh tế. Những người này giúp lưu thông hàng hóa, giúp các doanh nghiệp huy động được nguồn vốn, bán được hàng. Tuy nhiên, muốn đầu tư bất động sản thành công cần phải có kiến thức, đặc biệt phải hiểu các nguyên tắc về vay nợ và khả năng quản lý rủi ro.
“Khi có môi trường kinh doanh lành mạnh cho bất động sản thì tự thân sẽ sàng lọc bớt những người bước vào thị trường bằng tâm thế trông chờ may rủi hoặc cơ hội, chụp giật mà không có đủ kiến thức cần thiết”, TS. Huỳnh Thế Du nói.