Chuyên gia không bất ngờ với nhà tập thể cũ có giá gần 10 tỉ đồng ở Hà Nội
BÀI LIÊN QUAN
Hà Nội: Nhà tập thể cũ được đẩy giá gần nửa tỷ đồng chỉ sau 1 thángThông tin bất động sản: Giá nhà tập thể cao ngang ngửa giá chung cư hạng sangHà Nội: Nhà tập thể cũ xập xệ vẫn rao bán giá ‘trên trời’Khu tập thể số 11 Vọng Đức (hay còn gọi là khu tập thể Điện Cơ cũ), nằm trên phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, được xây dựng từ những năm 1960. Dù các căn hộ tại đây thiếu ánh sáng, ẩm thấp và nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng vẫn được chào bán với mức giá cao ngất ngưởng.
Có căn hộ được rao bán gần 10 tỉ đồng
Theo khảo sát trên các trang bất động sản, một căn hộ diện tích 30m² tại khu tập thể số 11 Vọng Đức, mặt tiền 3m, được rao bán với giá 9,8 tỷ đồng, tương đương khoảng 326,67 triệu đồng/m². Người bán quảng cáo căn hộ có sổ đỏ chính chủ, có thể sử dụng để kinh doanh hoặc cho thuê với giá khoảng 25 triệu đồng/tháng. Một căn hộ khác trong khu tập thể này cũng được chào bán với mức giá 4,6 tỷ đồng.
Trước đó, nhiều căn hộ tại các khu tập thể cũ ở Kim Liên, Trung Tự (Hà Nội) cũng được rao bán với giá từ 4-5 tỷ đồng/căn, khiến nhiều người mua không khỏi ngỡ ngàng. Tương tự, ông Hoàng Anh Tú, người dân sống tại khu nhà tập thể Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, căn nhà của ông có diện tích sổ gần 30m2 đang được rao bán với mức giá 3,5 tỉ đồng, tương đương hơn 116 triệu đồng/m2.
Tại khu nhà này, nhiều chủ sở hữu cũng đang rao bán với mức giá khoảng 100 – 120 triệu đồng/m2 sổ đỏ. Hay như một căn nhà tập thể tại số 23 Hàng Tre có diện tích sổ đỏ hơn 30m2 cũng đang được rao bán với mức giá 4 tỉ đồng, tương đương hơn 105 triệu đồng/m2. Một căn hộ khác ở khu tập thể cũ trên phố Hàng Bông có diện tích sổ là 40m2 có mức giá 4,8 tỉ đồng, tương đương 120 triệu đồng/m2.
Ở phân khúc chung cư tái định cư, khu A6 Nam Trung Yên (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy), dù đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều căn hộ có vết bong tróc, nứt nẻ nhưng vẫn được rao bán với mức giá 4,1 tỉ đồng. Nhiều người dân sống tại khu chung cư này cho biết, đây đều là mức giá do các môi giới đưa ra chứ cũng không có quá nhiều khách hàng quan tâm. Thậm chí có người còn nhận định, đây là chiêu trò đẩy giá mặt bằng chung của môi giới.
Nêu quan điểm về thực trạng này, ông Hoàng Anh, môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, trước đây, nhà tập thể, chung cư có thời gian sử dụng trên 1 thập kỷ thường là sự lựa chọn của nhiều người với tài chính hạn hẹp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc sở hữu những căn hộ này cũng đã vượt xa túi tiền của bộ phận lớn người lao động.
Ai sẽ là người mua?
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đang chú ý đến các chung cư cũ và các khu căn hộ tập thể trong khu vực nội đô. Đây là nhu cầu thực tế, không phải chiêu trò môi giới như một số người đồn đoán.
Theo ông Điệp, lý do các khu tập thể cũ được rao bán với mức giá cao là vì chúng nằm ở những vị trí đắc địa, có giá trị lớn như khu vực Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình… Các khách hàng thường nhắm đến các căn hộ tầng một, có diện tích rộng, nằm gần các trục đường chính và mặt phố lớn, để có thể vừa ở vừa kinh doanh.
"Với ưu điểm đông dân cư và thuận tiện cho sinh hoạt, phân khúc này trở thành "miếng mồi ngon" cho các nhà đầu tư, giúp họ tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Nhiều người khi có nguồn tiền nhàn rỗi, cùng với lãi suất thấp, còn chọn mua để vừa giữ tài sản, vừa kiếm lời từ việc cho thuê", ông Điệp giải thích.
Ông cũng cho rằng, những căn hộ ở các khu vực đắc địa ít khi được bán ra vì chủ sở hữu thường chờ đợi các dự án cải tạo. Sau khi Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc hội thông qua và Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, đã có nhiều chính sách mới, hấp dẫn liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Cụ thể, chủ đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ sẽ được miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất, cùng các ưu đãi khác đối với diện tích nhà ở còn lại sau khi tái định cư.
Khi có chính sách đền bù, chủ sở hữu không chỉ nhận được diện tích gấp đôi so với căn hộ hiện tại mà còn có quyền kinh doanh, điều này càng khiến các khu chung cư, tập thể cũ thu hút được sự quan tâm từ các nhà đầu tư.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) phân tích thêm, một trong những lý do khiến các căn hộ chung cư cũ trở thành sản phẩm “hot” là vì chúng nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm Hà Nội. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở mới hiện nay đang rất khan hiếm, khiến nhu cầu tìm kiếm nhà ở, đặc biệt tại các quận nội thành, ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo người mua cần lưu ý đến diện tích thực tế và diện tích cơi nới khi mua nhà tập thể. Nhiều hộ dân đã tự ý cơi nới thêm “chuồng cọp” rộng hàng chục mét vuông, điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ về an toàn mà còn ảnh hưởng đến giá trị đầu tư của căn nhà trong tương lai. Bên cạnh đó, những căn hộ trong các khu nhà tái định cư hay khu tập thể cũ thường có chất lượng xuống cấp nên sẽ mất thêm một khoản chi phí không nhỏ để sửa chữa, cải tạo.