Đất đấu giá Hoài Đức hạ nhiệt: Dân đầu cơ đang dần "cạn vốn"?
BÀI LIÊN QUAN
Mức độ quan tâm tìm kiếm chung cư Hà Nội giảm 47%: Nhiều nhà đầu tư đã nhanh chân "chốt lời”?Kết thúc đấu giá đất Hoài Đức: 2 lô đắt nhất 15 tỷ đồng/lô, gấp 14 lần khởi điểmCông nghệ đang định hình tương lai cho người mua nhà lần đầu như thế nào?Ngày 4/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt tổ chức phiên đấu giá cho 20 thửa đất tại khu xứ đồng Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Điểm đáng chú ý tại phiên đấu giá lần này là sự suy giảm rõ rệt về số lượng người tham gia, với chỉ hơn 100 khách hàng, so với 400 người cùng 700 hồ sơ tham dự phiên đấu ngày 19/8.
Hạ nhiệt cả về giá và người tham gia
Theo ghi nhận tại khu vực tổ chức đấu giá ngày 4/11, không khí khá vắng vẻ. Không còn cảnh môi giới tụ tập, rao bán, hay trao đổi thông tin sôi nổi như các phiên trước. Tại thực địa khu đất và khu vực xung quanh, không xuất hiện tình trạng nhân viên môi giới tấp nập chào bán các suất trúng đấu giá.
Phiên đấu giá lần này vẫn giữ nguyên giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2 và áp dụng hình thức đấu giá 6 vòng với mức chênh lệch tối thiểu 6 triệu đồng mỗi vòng. Kết quả ghi nhận, mức giá trúng cao nhất đạt 103,3 triệu đồng/m2, tăng 14 lần so với giá khởi điểm; mức giá trúng thấp nhất là 85,3 triệu đồng/m2, cao gần 12 lần.
Tuy nhiên, so với mức trúng kỷ lục 133 triệu đồng/m2 tại phiên đấu ngày 19/8, phiên đấu lần này đã hạ nhiệt cả về giá và số người tham gia. Đặc biệt, đã không còn tình trạng “cò đất” dựng lều, kê bàn ghế tư vấn cho khách rầm rộ như trước, nhưng tình trạng bán chênh ngay sau khi kết thúc đấu giá vẫn tiếp tục diễn ra.
Theo đó, đa số các lô đất đều được rao bán chênh từ 200 – 500 triệu đồng/lô, những lô có giá trúng thấp thì tiền chênh cao và ngược lại. Anh Đỗ Công Sịnh – nhà đầu tư trúng 2 lô đất ký hiệu LK01-09 và LK02-09 với mức giá 91,3 triệu đồng/m2 cho biết, ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc đã rao bán chênh 250 triệu đồng/lô và có người mua ngay sau đó. Tại phiên đấu giá trước, anh Sịnh cũng trúng 3 lô đất và tất cả đều đã được “sang tay”.
Tương tự, chị Mến người trúng lô đất ký hiệu LK02-05 với giá 97 triệu đồng/m2 cũng cho biết, rao bán chênh 350 triệu đồng và cũng đã có nhiều người hẹn xem đất. Còn đối với lô đất có giá trúng cao nhất 103 triệu đồng/m2, cũng được rao bán chênh khoảng 200 triệu đồng.
Đầu cơ đã bắt đầu “cạn vốn”?
Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, số lượng người tham gia phiên đấu giá lần này chỉ bằng 1/5 so với phiên đấu giá ngày 19/8, điều này đồng nghĩa với việc giá cả khó có khả năng bị "thổi phồng" như trước. Nguyên nhân có thể đến từ việc các hội, nhóm đã bỏ ra quá nhiều tiền trong những lần đấu giá trước, khiến nguồn vốn của họ đã cạn dần và không còn đủ tài chính để tham gia ồ ạt như trước đây.
Khi số lượng người tham gia ít đi, mức độ cạnh tranh giảm, từ đó khiến giá trúng thầu ít có khả năng bị đẩy lên quá cao. Dù vậy, vẫn có khả năng một số người tham gia cố tình đẩy giá lên để tạo ra sự "hot" với mục đích bán nhanh các lô đất trước và tạo tâm lý "lô trước rẻ hơn lô sau". Tuy nhiên, theo ông Thành, nguyên tắc của đấu giá là cạnh tranh, ai trả giá cao nhất sẽ là người thắng, và không có giới hạn hay quy tắc nào quy định trong phiên đấu giá.
Cùng quan điểm, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam, cho rằng giá trong các phiên đấu giá là công khai và tự do, do đó rất khó để lý giải chính xác nguyên nhân. Mặc dù giá trúng đấu giá lần này thấp hơn so với lần trước nhưng nếu so với mức giá ngoài thị trường, mức giá này vẫn cao hơn từ 20-40%.
Vì mức giá vẫn còn cao, trong khi giấy tờ pháp lý chưa rõ ràng, khả năng thanh khoản của các lô đất này sẽ còn yếu. Những người có nhu cầu ở thực hoặc muốn tìm địa điểm kinh doanh sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng về các khu vực xung quanh với mức giá hấp dẫn hơn. Chính vì thanh khoản thấp, "cò" đất cũng đã dần mất đi sức mạnh.
Đồng tình, một số nhà đầu tư theo sát các cuộc đấu giá cũng cho biết, mặc dù mức giá trúng tại Hoài Đức và một số huyện lân cận như Hà Đông, Thường Tín, Phúc Thọ vẫn cao so với mặt bằng chung nhưng sự thận trọng của người mua đã tăng lên. Nguyên nhân có thể là do các lô trúng đấu giá trước đó giao dịch kém hiệu quả, cùng với các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn đầu cơ, thổi giá từ Chính phủ và cơ quan chức năng, khiến nhiều nhà đầu tư dè dặt, hạn chế rủi ro trong bối cảnh thị trường đầy biến động.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, với tình trạng cung - cầu và sức nóng của thị trường bất động sản Hà Nội hiện tại, mức giá trúng đấu giá cao “ngất ngưởng” vẫn sẽ tiếp tục được thiết lập và dần trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.
Do đó, để đảm bảo quá trình đấu giá diễn ra công bằng, minh bạch và giảm thiểu tối đa các hiện tượng đầu cơ, thổi giá, ông Đính cho rằng, bên cạnh kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chế tài xử phạt, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở việc giải quyết vấn đề nguồn cung nhà ở.
Theo VARS, để "khơi thông" nguồn cung, cần có những biện pháp tích cực và thiết thực, đặc biệt là tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đối với các dự án đang bị trì hoãn. Đây là cách nhanh chóng nhất để bổ sung nguồn cung vào thị trườn. Khi nguồn cung bắt đầu đáp ứng được nhu cầu, thị trường sẽ tự điều chỉnh, và giá trị bất động sản, bao gồm giá trúng đấu giá, sẽ tiệm cận với giá trị thực.