Sóng ngầm bán tháo, cắt lỗ đất nền của các nhà đầu tư
BÀI LIÊN QUAN
Vì sao giá đất nền tại Hưng Yên có xu hướng tăng nhanh?"Bắt mạch" thị trường BĐS năm 2022: Sau cơn sốt đất nền, phân khúc nào sẽ đem tiền về cho nhà đầu tư?Đột ngột giảm nhiệt, nhà đầu tư đất nền khu vực phía Nam như “ngồi trên đống lửa”“Ôm đất” thành “ôm bom”
Vài tháng nay, chị Hoàng Minh Thúy (38 tuổi, Lâm Đồng) như “ngồi trên đống lửa” khi gần đến ngày đáo hạn ngân hàng nhưng vẫn không biết xoay đâu ra tiền để trả. Đầu năm 2021, lúc dịch Covid-19 chưa bùng phát mạnh, chị đã thế chấp ngân hàng ngôi nhà đang ở để lấy tiền đầu tư vào một lô đất giá rẻ ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
Với khoản vay 1,5 tỷ đồng, mỗi tháng, chị Thúy phải thanh toán hơn 15 triệu đồng tiền lãi. Chị rất tin tưởng vào tiềm năng tăng giá của lô đất và dự tính sẽ gánh khoản tiền lãi này trong vòng 1 năm, sau đó sẽ rao bán để trả hết nợ gốc một lần.
Tuy nhiên, cảm giác “chắc thắng” ban đầu của chị Thúy lại nhanh chóng vỡ vụn khi thị trường đất nền ở Lâm Đồng đang bước vào giai đoạn thoái trào sau một thời gian liên tục sốt nóng. Có những lô đất, lúc trước được hô hào với giá 2-3 tỷ đồng, nay rớt xuống mức 1,5-1,6 tỷ đồng nhưng vẫn không ai hỏi mua.
Cầm cự đến cuối tháng 5, chị Thúy đã quyết định cắn răng bán lỗ lô đất ở Di Linh để tránh rơi vào cảnh “còng lưng trả nợ”. Chị chấp nhận chịu lỗ 80 triệu đồng để bán tháo lô đất, những tưởng có thể thu hồi vốn thành công, song thực tế lại không có ai đồng ý mua với mức giá này.
Từng là một niềm khoản đầu tư đầy tiềm năng nhưng đến nay lô đất này đã biến thành một món nợ dai dẳng, mãi chẳng thể dứt ra được. “Đầu tháng 6 này, tôi sẽ giảm thêm 20 triệu đồng nữa để bán lô đất này. Nếu cứ tình trạng ôm vốn như bây giờ, tôi sẽ không trả nổi tiền lãi, chứ đừng nói là phải trả cả tiền gốc”, chị Thúy lo lắng.
Cũng sử dụng đòn bẩy tài chính như chị Thúy, cuối năm 2020, anh Nguyễn Minh Triết (32 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) đầu tư một lô đất gần 2 tỷ ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, trong đó có 80% là tiền đi vay ngân hàng. Và chỉ sau đó 3 tháng đã có người hỏi mua lại lô đất của anh với mức giá lời hơn 60 triệu đồng nhưng anh không đồng ý bán vì muốn đầu tư thêm một thời gian nữa.
“Nhìn vào tiềm năng hiện hữu, tôi nghĩ giá đất ở đây vẫn có thể tăng thêm nên khi nào thật cần tiền thì tôi mới bán. Lúc đó, nếu có tiền thì tôi còn đầu tư thêm một lô đất nằm ngay cạnh đó, vì tôi nghĩ tương lai Bàu Bàng sẽ rất phát triển, khi cơ sở hạ tầng ở đây hoàn thiện, giá nhà đất sẽ tăng lên rất cao”, anh Triết nói.
Tuy nhiên, đến năm 2022, lãi suất ngân hàng tăng cao, tiền lãi cộng thêm khoản nợ gốc hàng tháng bỗng trở thành gánh nặng đối với anh. Công thêm việc, mảnh đất anh mua đầu tư đang bị đứng giá do hệ lụy của “sốt ảo”.“Dù đã bán cắt lỗ hơn 50 triệu đồng nhưng khách hàng vẫn than đắt và muốn tôi giảm giá thêm. Nếu bán như vậy, chẳng nhưng không huề vốn mà tôi còn phải bỏ tiền túi ra để bù đắp mức lỗ lên gần 200 triệu đồng”, anh Triết tâm sự.
Lãi suất ngân hàng tăng, cộng thêm việc bất động sản rớt giá do hệ lụy của những đợt “sốt giá ảo” khiến nhiều nhà đầu tư phải liên tục bán tháo, cắt lỗ để có tiền trả nợ ngân hàng. Anh Triết cho hay, những nhà đầu tư sử dụng vốn sẵn có thì không sao, tuy nhiên những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính như anh Triết đều đang gặp khó khăn ở thời điểm hiện tại.
Sóng ngầm bán cắt lỗ đất nền
Thị trường bất động sản gần một tháng trở lại đây đã chứng kiến tình trạng thi nhau bán tháo, cắt lỗ đất nền trên diện rộng. Dù phải chịu lỗ 50-100 triệu đồng nhưng nhiều chủ đất, đặc biệt là những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính vẫn muốn bán để tránh ôm nợ kéo dài.
Anh Nguyễn Phước Đại, môi giới tự do chuyên phân khúc đất nền tại Lâm Đồng cho biết, khoảng gần một tháng nay, thị trường đất nền trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều chủ đất, nhà đầu tư đang rao bán cắt lỗ nhiều sản phẩm đất nền để thu hồi vốn. Tuy nhiên, lượng giao dịch thành công rất ít vì mức giá hiện tại đã bị đẩy lên quá cao khiến nhiều nhà đầu tư đi sau đang có tâm lý dè chừng, chưa dám “xuống tiền”.
Anh Đại ước tính, trong vòng 2 tháng trở lại đây, số lương chủ đất, nhà đầu tư bán cắt lỗ đất nền đang có xu hướng tăng lên. Dù nhiều người đã bán lại với giá gốc, thậm chí còn thấp hơn giá mua vào nhưng vẫn không thể thoái hàng ở thời điểm hiện tại.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, việc các ngân hàng đang siết chặt tín dụng cho vay bất động sản, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến một số nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính bị “đói vốn”. Cho nên, họ bắt buộc phải bán cắt lỗ để giảm áp lực tài chính.
Bên cạnh đó, sau những đợt sốt đất triền miên từ đầu năm đến nay, giá đất nền ở nhiều địa phương đã bị đẩy lên quá cao, vượt xa giá trị thực. Mức giá quá cao khiến nhiều nhà đầu tư phải nhanh chóng bán tháo vì lo sợ thị trường “vỡ bong bóng”.
Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh nào đó, việc đất nền hạ giá sẽ giúp thanh lọc thị trường sau một thời gian dài bị sốt đất ảnh hưởng. Giá của các sản phẩm đất nền sẽ dần quay về giá trị thực ban đầu. Đồng thời, đây là cơ hội để thị trường loại bỏ những thành phần đầu tư không bài bản, thiếu kinh nghiệm.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam dự báo, trong thời gian tới, đất nền vẫn là phân khúc được nhiều người quan tâm nhất tại các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều chủ đất, nhà đầu tư bán cắt lỗ để rời khỏi thị trường sẽ làm nguồn cùng giảm mạnh trong quý 2/2022.