Sẽ trình nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang vào tháng 6
BÀI LIÊN QUAN
Chi tiết 5 dự án cao tốc quan trọng quốc gia hơn 260.000 tỷ đồng sắp được đầu tưTỉnh Cao Bằng đề xuất đầu tư 1 tỷ USD xây dựng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh Thành lập Hội đồng thẩm định 2 tuyến cao tốc trọng điểmDự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang
Ban quản lý Dự án 7, Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong - Nha Trang thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam, đã được Quốc hội phê duyệt với tổng chiều dài 84 km và nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang được đầu tư phân kỳ 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80km/h. Dự án thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng hơn 12.900 tỷ đồng. Trong đó, hơn 1.380 tỷ đồng là chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư, hơn 8.153 tỷ đồng là chi phí dành cho xây dựng.
Để thực hiện dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang sẽ cần tổng diện tích giải phóng mặt bằng lên tới 780 ha. Trong đó, khoảng gần 7 ha diện tích đất tái định cư thuộc 4 địa phương dọc tuyến đường. Dự án cao tốc này bắt đầu tại Km285+000 thuộc địa phận xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa và kết thúc tại Km369+000, vị trí giao với quốc lộ 27C thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Hướng tuyến của dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang bắt đầu tại điểm nút giao phía nam hầm Cổ Mã, tuyến đi vào khu vực có địa hình khá bằng phẳng thuộc các xã Vạn Binh, Vạn Phú, Vạn Lương, giao cắt với đường tỉnh 651E tại Km312 thuộc xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh.
Sau đó, tuyến cao tốc đi vào địa phận thị xã Ninh Hòa, giao cắt với tỉnh lộ 7D tại Km320 thuộc xã Ninh An, giao với đường liên xã tại Km326+400 thuộc xã Ninh Trung. Đi qua xã Ninh Thân, tuyến giao cắt với quốc lộ 26 tại Km332 xã Ninh Xuân; qua xã Ninh Bình, Ninh Quang giao cắt với tỉnh lộ 5 tại Km 339+200 và tỉnh lộ 8 tại Km346 thuộc xã Ninh Tân.
Tuyến cao tốc tiếp tục đi qua địa phận huyện Khánh Vĩnh cắt tỉnh lộ 8 lần 2 tại Km353+600 xã Khánh Bình, rồi vào địa phận huyện Diên Khánh qua các xã Diên Xuân, Diên Đông, cắt qua tỉnh lộ 2 tại Km362+200, cắt qua quốc lộ 27C tại Km364+160.
Cao tốc Vân Phong - Nha Trang kết thúc tại Km369+000 kết nối với dự án đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh.
Ban quản lý Dự án 7 cho biết: “Theo kết quả khảo sát đã thỏa thuận với địa phương, dự án cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang sẽ có 4 nút giao liên thông, 6 nút giao trực thông, 11 cầu vượt trong nút giao liên thông và trực thông ; 13 cầu vượt sông, suối".
Hiện nay, công tác khảo sát địa hình đang được triển khai bảy mũi, với tiến độ 7km/ngày, dự kiến đến ngày 10/3/2022 sẽ hoàn thành.
Đang xem xét công tác giải phóng mặt bằng
Ông Nguyễn Thái Hà, Phó tổng giám đốc Ban quản lý Dự án 7, Bộ Giao thông vận tải cho biết, các đơn vị liên quan đang triển khai hồ sơ thủ tục pháp lý, khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn, mỏ vật liệu xây dựng, bãi thải để thực hiện dự án.
Hiện nay, đang có 5 nhóm nhân lực của đơn vị quản lý, tư vấn dự án làm việc với các địa phương. Các nhóm phấn đấu đến ngày 15/3/2022, sẽ bàn giao cọc mốc đợt 1 của dự án.
Phó tổng giám đốc Ban quản lý Dự án 7 nói: “Do tiến độ triển khai dự án các gấp rút, chúng tôi sẽ bàn giao một số đoạn cọc giải phóng mặt bằng đối với các đoạn tuyến không có yếu tố kỹ thuật phức tạp. Đợt 2 trong tháng 4/2022, nếu khó khăn thì cuối cùng là trong tháng 6/2022”.
Đối với các nút giao của dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị các đơn vị nghiên cứu kỹ. Đặc biệt chú trọng đến nút giao kết nối với cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột và nút giao với Khu kinh tế Vân Phong.
Về vấn đề giải phóng mặt bằng, các địa phương đang thực hiện xem xét, chỉnh sửa các quy hoạch trùng với vị trí các khu tái định cư của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo hướng ưu tiên bố trí quỹ đất phục vụ cho tuyến cao tốc.
Khu vực mỏ đá đang khai thác tại huyện Vạn Ninh, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các chủ mỏ đẩy nhanh tiến độ khai thác, sớm bàn giao mặt bằng để thi công cao tốc theo đúng tiến độ đề ra.
“Theo lộ trình dự kiến, công tác lập thiết kế cơ sở dự án bắt đầu từ 14/2 - 30/4/2022; Xin ý kiến thỏa thuận các bộ ngành, địa phương về nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi từ 30/4 - 25/05. Công tác thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi bắt đầu từ 14/2 - 25/5; Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi từ ngày 31/3 - 20/6. Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được hoàn thiện trình Bộ GTVT phê duyệt từ ngày 20/6 - 30/6”, đại diện Ban quản lý dự án 7 cho biết thêm.
Ngày 21/1/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 140/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nối từ Hà Nội đến Cần Thơ, với tổng vốn đầu tư trên 300.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này có chiều dài khoảng 1.811km, bao gồm 16 đoạn tuyến, quy mô 4 - 8 làn xe với lộ trình xây dựng đến năm 2030. Dự án cao tốc Bắc - Nam được coi là tuyến đường “xương sống” của mạng lưới giao thông quốc gia. Bởi tuyến đường này đi qua nhiều địa phương, theo dọc chiều dài của đất nước, kết nối kinh tế giữa các vùng, các khu kinh tế, cảng biển, cảng hàng không từ Bắc vào Nam.
Tháng 1/2022, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, chia thành 12 dự án thành phần, các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Dự án dài khoảng 729 km, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng.