Thành lập Hội đồng thẩm định 2 tuyến cao tốc trọng điểm
BÀI LIÊN QUAN
Vốn giải phóng mặt bằng cho dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô giảm 5.000 tỷ đồng so với dự kiến94.127 tỷ đồng đầu tư cho dự án Vành đai 4 Thông tin chi tiết bản đồ quy hoạch đường vành đai 4 Hà NộiHai dự án cao tốc trọng điểm của quốc gia
Ngày 15/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành hai quyết định số 206 và 207 thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Ủy viên hội đồng gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Xây dựng, Công thương, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ủy viên hội đồng thẩm định dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột gồm đại diện các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk.
Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ cân đối nguồn vốn đầu tư công để đảm bảo tiến độ đề ra đối với hai dự án cao tốc quan trọng này của quốc gia. Thay thế đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) như trước đây.
Bộ Giao thông vận tải gửi tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Theo đề xuất, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài là hơn 117 km. Trong đó có khoảng 32,7 km đi qua tỉnh Khánh Hòa và khoảng 84,8 km đi qua tỉnh Đắk Lắk.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có điểm đầu tại nút giao giữa Quốc lộ 26B và Quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hòa.
Điểm cuối giao cắt tại khoảng Km12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột, thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Trên tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dự kiến sẽ xây dựng 49 cầu trên tuyến chính và 7 cầu vượt ngang, 3 hầm. Sơ bộ tổng mức dự án đầu tư theo quy mô phân kỳ khoảng 21.935 tỷ đồng.
Giai đoạn đầu, tuyến đường cao tốc này sẽ được xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng 17m, bố trí điểm khẩn cấp và mở rộng lên 4 làn xe hoàn chỉnh có làn khẩn cấp tại thời điểm thích hợp.
Đối với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, theo phương án đề xuất, tổng chiều dài tuyến đường là hơn 53 km. Trong đó, khoảng 34,2 km đi qua tỉnh Đồng Nai, 19,5 km đi qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng, giảm khoảng 150 tỷ đồng so với so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1602 ngày 23/9/2021 do cắt giảm chi phí lãi vay khi chuyển sang đầu tư công, cập nhật đơn giá và tiến độ thực hiện dự án.
Đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư
Hai dự án cao tốc trên thuộc nhóm 5 dự án đang được gấp rút đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, để kịp giải ngân trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các dự án còn lại là dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - Trần Đề.
Ngoài ra còn 4 dự án thuộc nhóm A gồm An Hữu - Cao Lãnh (Bộ Giao thông Vận tải chủ trì); Hòa Bình - Mộc Châu (dài 85 km); Hà Giang - Tuyên Quang (dài 118 km); Ninh Bình - Thái Bình - Hải Phòng (dài 86 km).
Các dự án này sau khi hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn tới. Đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng thông qua.
Trước đó tại thông báo số 42 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về công tác chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương, kịp thời xây dựng, bố trí vốn cho từng dự án, chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân cấp cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý dự án thực hiện các đoạn tuyến cao tốc qua địa bàn.
Các địa phương chịu trách nhiệm hoàn thành các thủ tục về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, các bãi đổ chất thải rắn xây dựng đáp ứng tiến độ yêu cầu; quản lý chặt chẽ các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đáp ứng đủ nhu cầu các dự án.
Các dự án đường bộ cao tốc đang chuẩn bị đầu tư đều nằm trong danh mục dự án dự kiến bố trí từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 2 năm là 2022 và 2023 nhằm góp phần phục hồi, phát triển nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng nền kinh tế. Các tuyến đường bộ cao tốc này đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội các vùng kinh tế: Vùng Thủ đô, Vùng Đông Nam Bộ, đồng Bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và Tây Bắc.