Tỉnh Cao Bằng đề xuất đầu tư 1 tỷ USD xây dựng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
BÀI LIÊN QUAN
Tỉnh Lâm Đồng đề xuất chuyển đổi 486 ha rừng làm dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương Bộ Tài chính sẽ đề xuất bổ sung thuế nhà đất chặn đầu cơĐề xuất bỏ đấu giá mồm sau vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ ThiêmTỉnh Cao Bằng đề xuất nâng tổng vốn đầu tư
Ngày 10/8/2020, dự án được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với Dự án Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Đây là dự án thuộc nhóm A.
Đây là tuyến cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Cao Bằng, giúp tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông. Đồng thời tuyến đường còn được đặt trên địa bàn quê hương cội nguồn cách mạng. Do đó, tuyến đường cao tốc không chỉ phục vụ cho giao thông đi lại thuận lợi mà còn là con đường biểu tượng văn hóa lịch sử, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Theo phê duyệt, dự án cao tốc nối hai tỉnh biên giới này có tổng vốn đầu tư 20.900 tỷ đồng; phân kỳ giai đoạn 1 (2021-2025) là 13.180 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư 6.580 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.229 tỷ đồng và vốn huy động khác là 5.372 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mới đây UBND tỉnh Cao Bằng đã có một số đề xuất mới liên quan đến dự án quan trọng này. Trong đề xuất mới dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ có tổng chiều dài là 93 km. Ngắn hơn so với phương án trước đó là 15,5 km. Nguyên nhân là địa phương này đã loại bỏ đoạn tuyến nối từ cao tốc tới thành phố Cao Bằng.
Tỉnh Cao Bằng cũng xin điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án này lên 22.698 tỷ đồng. So với phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó thì đề án mới tăng hơn 1.759 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc được thi công trên địa hình phức tạp, do đó tỉnh Cao Bằng đã có một số đề xuất quy mô mặt đường khác nhau ở từng khu vực. Cụ thể, đối với đoạn đường dài khoảng 22 km (tương đương với 24% tổng chiều dài cao tốc) sẽ có mặt đường rộng 17 m. Tuyến đường còn lại dài 71 km sẽ có mặt đường rộng 13,5 m.
Diện tích đất cần sử dụng theo phương án đề xuất mới là 717,48 ha, giảm 60,52 ha so với dự án đã được phê duyệt trước đó.
Ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải
Bộ Giao thông Vận tải đã có ý kiến về việc điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Với những đề xuất điều chỉnh dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh của tỉnh Cao Bằng, Bộ đề nghị địa phương này xem xét phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời đảm bảo phương án tài chính của dự án trong việc tăng vốn Nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư theo quy định.
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tỉnh Cao Bằng làm rõ việc tăng tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng nhưng tổng chiều dài tuyến đường lại giảm 15,5 km đoạn tuyến kết nối cao tốc với thành phố Cao Bằng so với kế hoạch ban đầu đã được phê duyệt.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng, yêu cầu tỉnh này tập trung điều hành và mọi nguồn lực để hoàn thành dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trước năm 2025.
Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sau khi hoàn thành sẽ tạo sự kết nối hạ tầng giao thông với các tỉnh khu vực biên giới nói riêng và các tỉnh trong khu vực miền Bắc nói chung. Cụ thể, sẽ kết hợp với 2 dự án đang được chuẩn bị đầu tư là cao tốc Tân Thanh - Cốc Nam và cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị (Lạng Sơn) kết nối liên hoàn với các dự án đã hoàn thành là: Cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng và cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Góp phần phát triển việc kết nối chính trị, kinh tế, văn hóa xuyên suốt từ Thủ đô Hà Nội tới các tỉnh biên giới phía Bắc của đất nước.
Tuy nhiên, dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị của tỉnh Lạng Sơn vẫn đang “dậm chân tại chỗ” sau rất nhiều năm. Nguyên nhân là do Tập đoàn Đèo Cả rút khỏi dự án. Do đó, toàn tuyến cao tốc nối Hà Nội với Lạng Sơn đang bị tạm dừng tại khu vực huyện Chi Lăng. Xe cộ lưu thông tới đây sẽ phải thoát ra khỏi tuyến “cao tốc cụt” này để tiếp tục hành trình trên quốc lộ 1.