Tỉnh Lâm Đồng đề xuất chuyển đổi 486 ha rừng làm dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương
BÀI LIÊN QUAN
Chi tiết 5 dự án cao tốc quan trọng quốc gia hơn 260.000 tỷ đồng sắp được đầu tư Sẽ giữ lại các khu dân cư hiện có nằm trong Đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng Cách tra cứu quy hoạch khi mua bán nhà đất chính xác nhấtDự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương
Tỉnh Lâm Đồng dự kiến chuyển đổi 486 ha rừng sang mục đích khác để giải phóng mặt bằng xây dựng cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Dự án này thuộc một phần của dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương. UBND tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện thẩm định hiện trạng rừng ở Thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng để lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng vào ngày 14/2/2022.
Dự kiến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương sẽ khởi công vào cuối năm 2022. Và sẽ hoàn thành cùng lúc với tuyến cao tốc Long Thành - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc, tạo sự kết nối đồng bộ và xuyên suốt giữa Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Đà Lạt (Lâm Đồng).
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng trong 486 ha rừng bị ảnh hưởng bởi dự án, có 8,49 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, hơn 477,51 ha đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Ngoài ra còn có diện tích rừng do Nông trường 78 (Học viện Lục quân) và Công ty cổ phần Tập đoàn giấy Tân Mai quản lý.
Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (kết nối Thành phố Bảo Lộc với cao tốc Liên Khương - Prenn) có tổng chiều dài hơn 73 km, với chiều rộng 4 làn xe, nền đường 17 m, giai đoạn hoàn chỉnh nền đường có chiều rộng lên 24,75 m. Giai đoạn 1 dự án có tổng mức đầu tư là khoảng 11.311 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, 1.500 tỷ đồng từ vốn ngân sách địa phương của tỉnh Lâm Đồng để thực hiện đền bù và giải phóng mặt bằng, trên 7.000 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động. Dự kiến thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương là 20 năm.
Dự kiến thời gian thi công hết 24 tháng, sau khi hoàn thành các thủ tục tuyến cao tốc sẽ thông xe vào năm 2025.
Tuyến cao tốc sau khi hoàn thành sẽ giúp giảm áp lực lên quốc lộ 20. Tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, kết nối hệ thống giao thông giữa miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên.
Đảm bảo kết nối vùng
Liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ dự án, chiều ngày 28/12/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai để tháo gỡ các vướng mắc trong việc triển khai tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương. Tuyến dự án này đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng. Dự án có tầm quan trọng để kết nối với tuyến Long Thành - Dầu Giây - Tân Phú.
Dự án gồm 2 hợp phần: Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương (thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng).
Đối với tuyến Tân Phú - Bảo Lộc, Bộ Giao thông vận tải tính toán chiều dài tuyến Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 66km, trong đó đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai là 11km Dự kiến kinh phí thực hiện dự án là 16.220 tỷ đồng. 6.500 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, sẽ hoàn vốn trong hơn 20 năm.
Để thực hiện dự án quan trọng Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương, ông Trần Văn Hiệp, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Tỉnh Lâm Đồng đã chuẩn bị ngân sách để thực hiện dự án. Sau giai đoạn ban đầu, tỉnh Lâm Đồng tự tin có đủ nguồn vốn để thực hiện giai đoạn tiếp theo, không nhờ nguồn vốn cấp từ trung ương".
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện cao tốc Dầu Giây - Tân Phú để hoàn thành trước năm 2025. Đồng thời, phía tỉnh Lâm Đồng cam kết trong năm 2025 sẽ hoàn thành tuyến Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương để tạo sự liên kết về hệ thống giao thông kết nối khu vực Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ.
Đối với dự án Dầu Giây - Tân Phú, Thủ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết tuyến đường còn đang có những vướng mắc về các thủ liên quan đến đất rừng. Vì vậy đề nghị tỉnh Đồng Nai chủ trì nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và bàn giao đất cho dự án.
Để dự hoàn thành đúng tiến độ và đồng bộ với các dự án khác, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cam kết: "Quyết tâm cùng hoàn thành với năm 2025. Nếu không hoàn thành thì ông Tuấn bị kỷ luật, làm đơn từ chức".
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhắc nhở: "Chúng ta vào đây phải gỡ cho bằng hết, làm với tôi không được cứ trượt trượt như thế đâu. Phải tháo gỡ sớm cho bằng hết để thực hiện dự án quan trọng này. Ở giai đoạn khó khăn này, hiếm có tỉnh nào đề nghị không dùng ngân sách trung ương, xung phong làm hơn 100km đường cao tốc, tạo không gian, tạo động lực mới cho phát triển. Do đó chúng ta phải dồn sức hỗ trợ địa phương".
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, phấn đấu đến tháng 10/2022 phải khởi công được các tuyến cao tốc. Bộ Giao thông Vận tải cũng phấn đấu để đảm bảo đấu nối vùng.
Như vậy, khi tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương hoàn thành việc di chuyển của người dân từ các tỉnh về Đà Lạt, Lâm Đồng sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn. Góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch, bất động sản của thành phố du lịch Đà Lạt nói riêng và sự phát triển của tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Sự hoàn chỉnh về hệ thống hạ tầng giao thông mạng lưới đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ trở thành động lực phát triển của cả một vùng lớn gồm các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Nam bộ. Đặc biệt, sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tỷ lệ tiêm phủ vắc-xin cao, sự phát triển về giao thông còn tạo điều kiện cho quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch diễn ra thuận lợi hơn, có hiệu quả cao hơn.