Rót tiền vào doanh nghiệp dược phẩm Việt, nhà đầu tư ngoại nhận được khoản cổ tức 20 - 40% mỗi năm
BÀI LIÊN QUAN
Cổ phiếu ngành năng lượng tái tạo đón nhận nhiều tin tốtĐón nhận tín hiệu tích cực từ xuất khẩu, cổ phiếu thủy sản đồng loạt khởi sắc từ nửa cuối tháng 8Cổ phiếu BSR bứt phá lên đỉnh, vốn hóa doanh nghiệp tăng 32.000 tỷ đồng sau 10 thángSức hấp dẫn của ngành dược
Theo Nhà Đầu Tư, những năm gần đây, thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Số liệu của Tổ chức IQVIA cho biết, giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2022 đạt 187.659 tỷ đồng (gần 8 tỷ USD), tăng 29% so với năm trước và gấp đôi năm 2018.
Vì thế, ngành dược Việt Nam được cho là có sức hút lớn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm đã được nhà đầu nước ngoài không tiếc tiền mua cổ phiếu để trở thành cổ đông chiến lược. Từ cổ đông chiến lược, họ từng bước gom cổ phiếu lên mức chi phối hàng loạt doanh nghiệp dược phẩm lớn lên sàn như Dược Hậu Giang, Domesco, Imexpharm. Thậm chí, Pymepharco đã hủy niêm yết cổ phiếu sau khi Tập đoàn dược phẩm STADA Arzneimittel AG (Đức) tăng sở hữu lên gần 100%.
Được biết, STADA bắt đầu rót vốn vào Pymepharco từ năm 2008, sau đó trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ 62% vốn. Đến cuối năm 2020, STADA lộ yas định tăng sở hữu doanh nghiệp dược phẩm này lên 100% vốn và hoàn tất vào cuối năm 2021.
Sau khi hủy niêm yết, Pymepharco không còn công bố thông tin nữa. Trong giai đoạn từ 2017 - 2020, doanh thu của đơn vị này tăng từ 1.655 tỷ đồng lên 2.036 tỷ đồng, lãi ròng từ 286 tỷ đồng lên 317 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2019 - 2021, công ty chia cổ tức tiền mặt đều đặn 20% mỗi năm.
Domesco (HoSE: DMC) cũng có cổ đông chiến lược nước ngoài từ 2011 là CFR International Spa - Chi Lê. Tổ chức này đã gom mạnh cổ phiếu DMC trong giai đoạn 2011 - 2013. Đến năm 2016, Domesco nới room ngoại lên 100% thì tiếp tục gom thêm để tăng sở hữu lên tỷ lệ đủ chi phối 51.7% đồng thời tiến hành chuyển giao về Abbott Laboratories.
Kết quả kinh doanh của Domesco vẫn duy trì sự ổn định và ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 3% với doanh thu và 8,7% với lợi nhuận trong giai đoạn 2011 - 2022. Với kết quả kinh doanh ổn định này cho phép doanh nghiệp được duy trì tỷ lệ cổ tức tiền mặt ở mức 25% mỗi năm từ 2017 tới nay, tỷ lệ chi trả trước đó là 18 - 20%. Ngoài ra, Abbott cũng được nhận thêm 2 đợt chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ lần lượt là 30% và 50%.
Về thị giá, trong 11 năm qua, mã chứng khoán DMC đã tăng gấp gần 6 lần từ vùng mệnh giá lên 70.000 đồng/cổ phiếu (theo giá điều chỉnh).
Giữa năm 2019, Công ty cổ phần Chế tạo thuốc Taisho (Nhật Bản) đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) – thuộc TOP 5 doanh nghiệp dược phẩm lớn nhất Việt Nam với tỷ lệ sở hữu 51%.
Sau 5 năm về tay Taisho, Dược Hậu Giang đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu kép 4,7% và lợi nhuận ròng 115. Nhờ đoa, tỷ lệ cổ tức mà công ty trả cũng rất hấp dẫn, lên đến 35 - 40% tiền mặt mỗi năm. Dù vậy, giá cổ phiếu của Dược Hậu Giang biến động không nhiều quanh vùng 90.000 - 100.000 đồng/cổ phiếu và gần đây mới bứt phá lên vùng 120.000 đồng.
SK Investment Vina III - đơn vị trực thuộc tập đoàn đa ngành đến từ Hàn Quốc là SK Group cũng có mặt tại Imexpharm (HoSE: IMP) kể từ năm 2020 khi nhận chuyển nhượng 25% vốn. Sau đó, tổ chức này cùng với đối tượng có liên quan tiếp tục gom thêm đến cuối năm 2022 thì đủ tỷ lệ chi phối 65%.
Mặc dù chưa đạt tỷ lệ chi phối nhưng Traphaco, Dược Hà Tây hay Bidiphar đều có mặt các tổ chức ngoại “đặt gạch”. Trong đó, Dược Hà Tây (HNX: DHT) đang triển khai phương án phát hành 8,4 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho ASKA Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản) với giá 21.5 đồng/cổ phiếu. Sau khi hoàn tất, tổ chức này sẽ tăng sở hữu lên 32,56%.
Triển vọng ngành dược ra sao?
Theo BMI Research dự báo, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam đến năm 2026 sẽ đạt khoảng 16,1 tỷ USD cùng tỷ lệ tăng trưởng kép lên đến 115. Trong dài hạn, động lực tăng trưởng của ngành dược là nhân khẩu học, mở rộng bảo hiểm y tế, thu nhập bình quân đầu người tăng lên và sự đầu tư của các công ty dược phẩm đa quốc gia.
Trong những năm gần đây, Việt Nam phải đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh, số lượng người từ 60 tuổi trở lên chiến hơn 12% dân số vào năm 2021 và dự báo đến năm 2050 tăng lên trên 25%. Do đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và chăm sóc xã hội dự kiến cũng tăng lên theo độ tuổi. Thứ hai là tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tính đến ngày 31/12/2022 đạt 92% dân số và đặt mục tiêu đạt 95% vào năm 2025.
Thứ ba, thu nhập bình quân đầu người tăng, kéo theo chi tiêu chăm sóc sức khỏe cũng tăng theo. Fitch Solutions cho biết, chi tiêu bình quân đầu người cho ngành dược phẩm có xu hướng tăng từ mức 1,5 triệu đồng vào năm 2021 lên 2,1 triệu đồng vào năm 2026, tương đương mức tăng trưởng kép 7,8% trong vòng 5 năm tới, chiếm tỷ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.
Cuối cùng, những năm gần đây, các tên tuổi hàng đầu trong ngành dược phẩm quốc tế đã đầu tư vào hầu hết các doanh nghiệp dược phẩm nội địa trong những năm gần đây. Thông qua các đối tác này, doanh nghiệp Việt được chuyển giao công nghệ và con người để đầu tư các nhà máy đạt chuẩn Japan GMP, GMP-EU. Đây là điều kiện giúp các doanh nghiệp mở rộng kênh bệnh viện.
Đơn cử như Domesco cho biết, Abbott đã hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cấp dây chuyền, đầu tư trang thiết bị sản xuất theo tiêu chuẩn GMP-EU cũng như chuyển giao công nghệ một số sản phẩm chiến lược. Bên cạnh đó, thông qua đối tác này, doanh nghiệp cũng đã mở rộng thị trường xuất khẩu. Tính đến nay, Domesco đã xuất khẩu thuốc sang 14 quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở khu vực châu Á và châu Mỹ La Tinh.