Quý I/2022: GDP tăng 5,03%
BÀI LIÊN QUAN
Chuyên gia kinh tế đề xuất sửa Luật Các tổ chức tín dụng để các ngân hàng không phải nghe thấy doanh nghiệp bất động sản là sợQuảng Ninh: Phát triển bất động sản nghỉ dưỡng để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởngWorld Bank dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,5% trong năm 2022Cụ thể, so với quý I/2021, GDP quý I/2022 đã tăng 5,03%. Nếu so với quý I/2020, tốc độ tăng trưởng này vẫn cao hơn (quý I/2022 là 3,66%). Tuy nhiên, so với cùng kỳ 2019 (mức tăng 6,85), mức tăng này thấp hơn.
Trong mức tăng chung, khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76%. Đối với khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp mức 51,08%, tương ứng mức tăng 6,38%. Khu vực dịch vụ đóng góp 43,16%, tương ứng mức tăng 4,58%.
Ở khu vực nông, lâm và thủy sản, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có đóng góp lớn khi năng suất lúa tăng cao (7,4 tạ/ héc-ta) so với vụ lúa năm trước. Ngành chăn nuôi cũng đang trên đà phục hồi với sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong quý I đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Các ngành khác như: chế biến và xuất khẩu tiêu thụ gỗ; nuôi trồng thủy sản có nhiều tín hiệu tích cực phát triển ổn định.
Các loại thủy sản chủ lực như cá tra, tôm, đều có mức giá cao và nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I năm 2022 tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,86% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,54%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng GDP là khu vực công nghiệp và xây dựng. Theo đó, quý I năm 2022 khu vực này tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,44% của quý I năm 2021, đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng trưởng dương 1,23% (khai thác than tăng 3,2% và quặng kim loại tăng 5%), làm tăng 0,04 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng tăng 2,57%, thấp hơn tốc độ tăng 6,53% của quý I năm 2021, đóng góp 0,16 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ trong quý I năm 2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I năm nay như sau: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,54 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1,79%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,94%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%; khu vực dịch vụ chiếm 41,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là 11,61%; 36,61%; 42,38%; 9,40%).
Về sử dụng GDP quý I năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,08%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,20%.
Mặc dù tăng trưởng GDP quý I có sự khả quan, tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, mục tiêu tăng trưởng trong năm nay từ 6-6,5% vẫn là thách thức giữa bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.
Hồi đầu năm, các chuyên gia kinh tế đã dự báo sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Các tổ chức kinh tế, tài chính lớn trên thế giới đều nhận định, khả năng đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam là rất khả quan. Một số động lực có thể kể đến như: gói phục hồi kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng, các hoạt động thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng nội địa và mở cửa biên giới sẽ đóng góp rất mạnh mẽ vào sự hồi phục kinh tế sau 2 năm gián đoạn bởi đại dịch Covid-19.