World Bank dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,5% trong năm 2022
GDP tăng trưởng 5,5%
Theo báo cáo điểm lại cập nhật kinh tế Việt Nam của World Bank thì trong năm 2022 kinh tế nước ta sẽ tăng tốc. Tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng so với năm 2021. Cụ thể là 5,5%, lớn hơn nhiều 2,6% của năm 2021.
Nhận định này của World Bank dựa trên giả định tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới được kiểm soát. Người tiêu dùng và nhà đầu tư lấy lại niềm tin giúp khu vực dịch vụ của Việt nam hồi phục. Nhu cầu ổn định từ các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu u, Trung Quốc sẽ giúp nền công nghiệp chế biến được hưởng lợi. Trong nửa đầu năm 2022, kinh tế cũng được hồi phục do các chính sách tài khóa nới lỏng.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 được dự báo ở mức 5,5%
Theo World Bank, trong bối cảnh kinh tế khởi sắc hơn, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo ở mức 5,5%. Thâm hụt ngân sách và nợ công được kỳ vọng sẽ giữ ổn định, với tỷ lệ nợ trên GDP dự kiến là 58,8%, thấp hơn nhiều so với mức trần theo quy định.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự kiến chỉ số lạm phát dưới 4%. Trong trung hạn, đến năm 2023 nhu cầu trong nước phục hồi và không có các cú sốc mới thì nền kinh tế sẽ có khả năng hồi phục, quay về lộ trình tăng trưởng như trước thời kỳ Covid-19.
World Bank dự báo những rủi ro
Bên cạnh những dự báo mang tính tích cực, một số rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 cũng được World Bank dự báo. Đặc biệt khi diễn biến của đại dịch còn phức tạp, dư địa tài khóa, phát triển bền vững…
Sự xuất hiện của biến thể đáng lo ngại Omicron, cùng với số ca nhiễm tăng, các biện pháp giãn cách xã hội có thể tái áp đặt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động của nền kinh tế. Nhu cầu của người dân trong nước giảm sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, các đối tác thương mại của Việt Nam đang phải đối mặt với dư địa tài khoá và tiền tệ bị thu hẹp, có thể sẽ hạn chế khả năng tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế của các nước này nếu cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp tục kéo dài. Dẫn đến sự phục hồi kinh tế trên quy mô toàn cầu bị chậm lại. Khiến cho nhu cầu về các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam suy yếu. Đòi hỏi cần có những chính sách ứng phó cẩn trọng về những rủi ro này.
Tổng cầu trong nước có thể được hỗ trợ bằng các chính sách tài khóa như giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), tăng chi cho hai lĩnh vực là y tế và giáo dục. Các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 cần có quy mô lớn hơn và tập trung hơn. Các chương trình an sinh xã hội cần xác định đúng các nhóm đối tượng cần trợ giúp. Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả hơn để giải quyết những hậu quả xã hội nặng nề và không đồng đều của cuộc khủng hoảng.
Khu vực tài chính cũng đang xuất hiện sự gia tăng các rủi ro, cần chủ động giám sát chặt chẽ và chủ động giải quyết. Từ năm 2022, khi nền kinh tế Việt Nam dần hồi phục hậu Covid-19, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 tầm nhìn 2030 được triển khai để hướng tới phát triển bền vững. Khi đó vai trò của thương mại cần được đề cao hơn nữa trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.
Thách thức cho xuất khẩu
Trong hơn 20 năm qua, những thành công trong xuất khẩu hàng hóa đã trở thành lợi thế của Việt Nam. Nhưng cũng đem lại nhiều thách thức mới cho hiện tại và tương lai. Các lĩnh vực xuất khẩu nông nghiệp, sản xuất có lượng phát thải lớn vì sử dụng các công nghệ sử dụng tốn năng lượng. Đồng thời việc sử dụng dịch vụ vận tải cũng là ngành phát thải cao.
Trong khi đó, xu hướng giảm thiểu khí thải nhà kính đang được các quốc gia trên thế giới hưởng ứng. Việt Nam cũng tham gia những cam kết giảm lượng khí thải. Điều này sẽ tác động tới cả nguồn cung và cầu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Về nguồn cung, biến đổi khí hậu sẽ khiến cơ cấu và giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị tổn thương. Về cầu, các đối tác thương mại lớn và người tiêu dùng ngày càng có những yêu cầu cao về quy trình sản xuất, hàng hóa và dịch vụ, hướng tới xanh, sạch và thân thiện với môi trường hơn đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Những thách thứ về sản xuất xanh đối với Việt Nam trong năm 2022.
Trong báo cáo của World Bank, ngành thương mại cần được ưu tiên xanh hóa bằng tiêu đề “Không còn thời gian để lãng phí: Những thách thức và cơ hội đối với phát triển thương mại xanh tại Việt Nam”.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của World Bank tại Việt Nam cho biết, Việt Nam cần hành động quyết liệt hơn nữa để ứng phó với sự gia tăng áp lực từ các thị trường xuất khẩu chính, khách hàng và công ty đa quốc gia với yêu cầu những sản phẩm và dịch vụ phải xanh hơn, sạch hơn.
“Thương mại sẽ là hợp phần chính trong chương trình hành động vì khí hậu của Việt Nam trong những năm tới. Và thúc đẩy thương mại xanh sẽ không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà còn giữ được lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đảm bảo thương mại tiếp tục là nguồn tạo thu nhập và việc làm quan trọng”, bà Carolyn Turk nói.
Có thể thấy, với những dự báo của World Bank về sự tăng trưởng GDP lên 5,5% cho thấy nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 sẽ có cơ hội hồi phục mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây là viễn cảnh tốt đẹp nếu Việt Nam kiểm soát tốt được đại dịch Covid-19, số người nhiễm và tử vong giảm. Đồng thời chuẩn bị những “liều vắc-xin” riêng cho nền kinh tế để phòng ngừa các rủi ro đến từ trong nội tại của đất nước cũng như những tác động từ bên ngoài.