Quy hoạch đô thị sông Hồng: Lời “hồi đáp” cho ước vọng 30 năm của người dân Thủ đô
BÀI LIÊN QUAN
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Chuyên gia góp ý hậu quy hoạchĐất ven sông Hồng sau công bố quy hoạch: Tỉnh táo trước cơn sốt ảoCông bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống tỷ lệ 1/5.000Dự án tỷ USD “thai nghén” gần 30 năm
Theo VnEpress, năm 1994, Hà Nội đã bắt đầu phối hợp với các đơn vị nước ngoài để lập quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Đó chính là dự án Trấn Sông Hồng (Song Hong City) do một nhà đầu tư đến từ Singapore đề xuất. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án vào thời điểm đó là 249 tỷ đồng. Quy mô dự án khoảng 6 ha, dự kiến đây sẽ là khu dân cư hiện đại gồm cao ốc, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng để xây dựng ở ngoài đê An Dương Vương. Tuy nhiên, do chưa đạt được đồng thuận với thành phố trong vấn đề trị thủy nên dự án đã phải dừng lại.
Năm 2006, lãnh đạo thành phố Hà Nội và thị trưởng TP Seoul (Hàn Quốc) ký một thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội. Dự án “Thành phố hai bên sông Hồng” này có tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, với diện tích 1.500 ha đi qua 10 quận, huyện.
Đây được coi là một siêu dự án với tham vọng xây dựng thành phố hiện đại, nhiều nhà cao tầng soi bóng xuống sông Hồng, tương tự thành phố bên sông Hàn ở Seoul (Hàn Quốc). Năm 2007, Dự án thành phố hai bên sông Hồng chính thức được giới thiệu đến công chúng Thủ đô với tổng mức đầu tư 7 tỉ USD.
Từ tháng 9/2007 đến tháng 5/2009, Hà Nội đã hai lần trưng bày mô hình toàn cảnh dự án quy hoạch trên tại Nhà triển lãm Tràng Tiền và Cung thể thao Quần Ngựa. Việc tổ chức triển lãm nhằm lấy ý kiến tham gia của chuyên gia về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, thủy lợi, nông nghiệp và khảo sát ý kiến của người dân.
Tuy nhiên, siêu dự án cũng chỉ dừng lại trên giấy trong vòng vài năm mà không thể được phê duyệt, triển khai. Nguyên nhân lớn là từ năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính và nhiều chuyên gia cho rằng việc tập trung xây nhà cao tầng hai bên bờ sông Hồng là không phù hợp.
Năm 2012, TP Hà Nội ban hành Quyết định số 4770/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỷ lệ 1/5000 Phân khu đô thị sông Hồng.
Năm 2015, TP Hà Nội phê duyệt “Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên bờ sông Hồng tại Hà Nội: Đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Quy mô nghiên cứu dự án khoảng 30.000 ha, trong phạm vi 2 tuyến đê tả và đê hữu sông Hồng hiện có với chiều dài khoảng 11km dọc sông.
Năm 2017, Hà Nội thông báo có chủ trương tiếp nhận tài trợ của 3 nhà đầu tư trong nước, giao Sở Quy hoạch & Kiến trúc là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp toàn bộ các thông tin liên quan phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập đồ án Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Tuy nhiên, việc Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) được tham gia nghiên cứu, lập quy hoạch 1/5.000 cho đô thị hai bên sông Hồng đã gây nhiều tranh cãi nên các dự án mới chỉ dừng lại ở đề xuất.
Năm 2020, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội thông báo Quy hoạch sông Hồng cũng đã được ký đồ án sơ bộ, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để gửi lên UBND thành phố xem xét, ký gửi xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Kể từ đó, trong các cuộc họp của HĐND và UBND Hà Nội đồ án về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nhiều lần được nhắc đến nhưng chưa có câu trả lời cụ thể. Khi khó khăn lớn nhất của các đề án từ trước đến nay đều liên quan vấn đề thoát lũ, chỉnh trị sông Hồng - dòng sông được coi là khởi nguồn sự sống cho cả khu vực bắc bộ.
Theo một số chuyên gia, muốn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng hay bất cứ dòng sông nào khác, phải làm quy hoạch thoát lũ. Với sông Hồng đoạn qua TP Hà Nội, phải đảm bảo an toàn chống lũ tần suất 500 năm (trong vòng 500 năm có thể xuất hiện trận lũ vượt bờ đê); bảo đảm chống được lũ tương ứng với mực nước sông Hồng tại trạm Long Biên là 13,4 m và thoát được lưu lượng tối thiểu 20.000 m3/s..
Đến ngày 25/3/2022, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND. Đây được coi như dấu mốc quan trọng cho ước vọng của Thủ đô nói riêng và hàng vạn hộ dân sinh sống ven sông tại 4 quận nội thành cũng đang thấp thỏm trong gần 30 năm qua, vì không biết khu vực nơi mình đang sống sẽ ra sao khi điều chỉnh được phê duyệt.
“Dải lụa xanh” giữa lòng Thủ đô
Phân khu đô thị sông Hồng trải dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở; thuộc địa giới hành chính của 13 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì.
Phân khu quy hoạch có diện tích gần 11.000 ha, trong đó sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông hơn 5.400 ha (50%). Phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... Ngoài ra, còn có đất các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học), công trình hạ tầng kỹ thuật...
Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 khoảng 300.000. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000.
Quy hoạch có 3 phân đoạn chính, được chia thành các phân khu R1-R2, R3-R4 và R5.
Khu vực R1-R2 (từ cầu Hồng Hà tới cầu Thăng Long) với quy mô dân số là khoảng 40.000 người, diện tích gần 550 ha. Khu vực này được quy hoạch khu vực phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tính tự nhiên trên cơ sở các làng xóm ven đô dần đô thị hóa và đất bãi, đất nông nghiệp (trồng rau, hoa màu, cây cảnh...) của Mê Linh, Đông Anh, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm.
Khu vực này được định hướng phát triển công viên chuyên đề với mô hình trang trại sinh thái và nông nghiệp đô thị phục vụ du lịch và các khu đa chức năng gắn với hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cụm cảng Chèm). Nơi đây cũng được quy hoạch để phát triển công viên chuyên đề với mô hình trang trại sinh thái và nông nghiệp đô thị phục vụ du lịch, các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển.
Khu vực R3-R4 (từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì) quy mô dân số trên 181.000 người, tổng diện tích khoảng 686 ha. Đây là khu vực có mật độ xây dựng dày đặc nhất trong toàn thể phân khu sông Hồng. Phía Bắc gồm làng xóm đô thị hóa thuộc huyện Đông Anh, quận Long Biên và khu đất bãi được nghiên cứu xây dựng. Khu bãi giữa đang được đề xuất làm công viên văn hóa du lịch. Phía Nam thuộc các quận nội đô như Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.
Do đó, khu vực R3 - R4 là khu vực trung tâm của phân khu đô thị sông Hồng. Được định hướng đa chức năng, với các công trình công cộng văn hóa, thương mại dịch vụ và không gian cảnh quan thúc đẩy tiện nghi giải trí của đô thị ở khu bãi giữa, trục không gian lịch sử liên kết khu vực hồ Tây - Cổ Loa.
Khu vực R5 (từ cầu Thanh Trì đến cầu Mễ Sở) dân số tại đây dự kiến là 77.800 người, diện tích 1.687 ha. Địa giới hành chính chủ yếu thuộc quận Hoàng Mai và Gia Lâm Đây, dân cư sinh sống tại đây chủ yếu làm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làng nghề.
Do đó, khu vực R5 sẽ là không gian sinh thái trọng tâm của phân khu đô thị sông Hồng, với các khu nông nghiệp trồng rau màu, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản cùng làng nông nghiệp truyền thống và công trình di tích lịch sử. Tại khu vực này, TP Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện bảo tồn và khôi phục các giá trị tự nhiên, văn hóa phục vụ du lịch và phát triển đa chức năng gắn với hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cảng Thanh Trì, Bát Tràng), làng nghề Bát Tràng.
6 bãi sông Hồng được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5% (khoảng 1.590 ha) gồm: Thượng Cát - Liên Mạc, Hoàng Mai - Thanh Trì, Chu Phan - Tráng Việt, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức. Riêng khu vực Tàm Xá - Xuân Canh được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 15% (khoảng 408 ha).
Trên sông Hồng, đoạn qua khu vực nghiên cứu sẽ có 12 cầu đường bộ và 6 cầu đường sắt kết nối các khu vực đô thị hai bên sông.
Đánh giá về đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng phân khu đô thị sông Hồng là trục cảnh quan quan trọng nhất thủ đô, là "dải lụa xanh" giữa trung tâm đô thị. Bởi diện tích đô thị sông Hồng trong tương lai để trồng cây xanh có thể lên tới 70%, 30% còn lại dành cho phát triển đô thị.
Ngoài ra có thể thấy đồ án này sẽ đưa thành phố quay mặt vào dòng sông, hướng người dân đô thị về phía dòng sông. Chúng ta không thể tiếp tục quay lưng vào dòng sông Hồng, đẩy tất cả rác thải ra phía bờ sông được nữa. Đã đến lúc thành phố cần tận dụng không gian dòng sông để phát triển.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất với quy hoạch sông Hồng hiện nay theo ông Đỗ Viết Chiến - tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - là bài toán tái định cư cho 20 vạn dân trong khu vực quy hoạch. Do đó, sau khi có quy hoạch chi tiết, Hà Nội có thể đấu thầu mời gọi doanh nghiệp đầu tư để xây dựng khu nhà ở thấp tầng kiểu nhà vườn với tỷ lệ đất cây xanh lớn hoặc không gian mở xanh dành cho những hoạt động ngoài trời. Đồng thời, kết hợp với các công trình công cộng, dịch vụ, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào phát triển kinh tế, tăng thu nhập.