meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng: Chuyên gia góp ý hậu quy hoạch

Thứ năm, 14/04/2022-06:04
Sau hàng chục năm chờ đợi, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt và bàn giao cho 13 quận huyện. Đề án đã nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là với quy mô khổng lồ như vậy, vấn đề quy hoạch sẽ được xử lý như thế nào?

Đây là một trong hai phân khu cuối cùng nhằm triển khai quy hoạch chung Thủ đô (phân khu sông Hồng và phân khu sông Đuống), đồng thời có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, đặt nền móng cho việc thành phố sẽ hướng mặt vào dòng sông để phát triển thay vì “quay lưng" ra sông Hồng như lâu nay.

Người dân vừa mừng vừa lo


Sau hàng chục năm chờ đợi, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt và bàn giao cho 13 quận huyện. Ảnh TTXVN
Sau hàng chục năm chờ đợi, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt và bàn giao cho 13 quận huyện. Ảnh TTXVN

Vùng đất bãi bồi ven sông Hồng được tính từ đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở chạy qua 13 quận, huyện của Hà Nội có diện tích khoảng 5.000 ha. Đây là quỹ đất vô cùng lớn để Hà Nội nhưng từ nhiều năm nay chưa được khai thác.

Dọc hai bên bờ sông Hồng đoạn qua Hà Nội là những bờ cỏ lau và những diện tích rau màu. Tại những đoạn gần khu dân cư, đất bãi bồi sông Hồng khá ô nhiễm. Tại nhiều khu đất bãi bồi sông Hồng thuộc quận: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Long Biên, Gia Lâm xuất hiện những đống vật liệu xây dựng, rác thải hình thành từ nạn đổ trộm trong nhiều năm qua.

Cùng với đó, cạnh những khu vực này là những xóm nghèo hoặc khu ở của những người dân lao động tự do ngoại tỉnh, mưu sinh tại các khu vực chợ Long Biên và các vùng lân cận. Cuộc sống của không ít người dân ở đây tạm bợ trong những căn nhà nổi, nhà tự lắp ghép tự phát, lấn chiếm mặt nước của khu vực bãi sông Hồng. Song, cũng có không ít gia đình đã được chính quyền địa phương cấp đất ở cạnh bờ sông Hồng sinh sống qua nhiều năm, nhiều đời.

Chia sẻ về việc quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt, bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổ trưởng Tổ dân phố số 1 phường Phúc Xá (Ba Đình) cho biết, khi nghe tin thành phố công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, người dân ở đây nửa mừng nửa lo. Số thì mong muốn được chính quyền cải tạo khu đất bãi ven sông thành công viên du lịch, văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng. Nhưng cũng có nhiều người ở Tổ 1 bày tỏ tâm tư, sẽ phải di chuyển đi nơi khác nếu chính quyền lấy đất để xây công trình.

"Tinh thần chung là người dân chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của thành phố về quy hoạch bãi sông Hồng, để khu vực này khoác "áo mới" không còn nhếch nhác nữa. Thế nhưng, mong muốn sớm có một thông tin cụ thể về quy hoạch sử dụng đất để chủ động hơn trong việc xây dựng và kiếm tìm sinh kế", bà Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ.

Trả lời về chỉnh trang, tái thiết các khu vực dân cư, định hướng bảo tồn và di dời các khu dân cư hiện có ngoài đê sông Hồng, Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho hay, dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 vào khoảng 300.000 người. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000 người, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000 người.


Ảnh: minh họa
Ảnh: minh họa

Đồ án quy hoạch xác định, quản lý khu vực dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ theo quy định. Không để phát sinh thêm về số khu, diện tích, số hộ dân ngoài bãi sông. Xây dựng kế hoạch và lộ trình di dời các khu vực dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, mất an toàn khi có lũ lớn. Các hộ dân vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi ảnh hưởng về đê điều. Khu vực đang bị sạt lở theo quy định và lộ trình giãn dân đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt tại khu vực.

Số liệu thống kê cho thấy, trong phạm vi quy hoạch hai bên sông Hồng hiện có khoảng 243.670 người (khoảng 66.195 hộ).  Các đồ án quy hoạch phân khu đã xác định rõ các yếu tố hạ tầng cơ bản để cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ theo Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình. Bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai sông.

Theo đó, tại các khu dân cư được tồn tại sẽ được bố trí quỹ đất 5% diện tích để phục vụ nhu cầu di dân, dãn dân, tái định cư tại chỗ. Việc chỉnh trang, tái thiết đô thị trên nguyên tắc ưu tiên các công trình hạ tầng xã hội, cây xanh vườn hoa, sân chơi thể dục thể thao, công cộng đô thị, thương mại dịch vụ; công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bãi đỗ xe (phục vụ dân cư khu vực, mật độ xây dựng thấp, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy định hiện hành).

Nên góp đất và điều chỉnh lại đất đai

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 định hướng không gian xanh hai bên sông Hồng sẽ là các không gian mở, tạo không gian giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cho người dân đô thị, phát huy cảnh quan sinh thái nông nghiệp phục vụ sản xuất và du lịch.

Đối với khu vực đất ở hiện có cũng được cải tạo nâng cao chất lượng không gian, bổ sung tăng cường hệ thống hạ tầng xã hội như sân chơi, giáo dục, y tế, văn hóa, dành quỹ đất tổ chức không gian vườn hoa, cây xanh.. và hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường.


Việc chia vùng quy hoạch của phân khu đô thị sông Hồng theo Quyết định 1045/QĐ-UBND sẽ được chia thành 3 phân khu
Việc chia vùng quy hoạch của phân khu đô thị sông Hồng theo Quyết định 1045/QĐ-UBND sẽ được chia thành 3 phân khu

Đánh giá việc quy hoạch phân khu đô thị được duyệt là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết từng khu vực chức năng, lập dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên (Hà Nội cho biết để hiện thực quy hoạch cần có sự quyết tâm để giải quyết các thách thức về nguồn lực đầu tư, về ứng dụng khoa học công nghệ, cũng như vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc xác lập cơ chế, chính sách. Từ đó tạo thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư xây dựng không gian công cộng trên cơ sở liên kết với vùng, khu vực để phát huy giá trị vùng đất bãi.

Cũng nhìn nhận ở khía cạnh thực hiện hóa được quy hoạch sông Hồng là việc làm khó, đòi hỏi phải có sự quyết tâm rất lớn từ cấp Trung ương, bộ ngành, thành phố và quận huyện nên theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cho khu vực sông Hồng, nhất là trong việc xây dựng công viên, cải tạo nhà ở, xây dựng công trình công cộng. Khi triển khai cụ thể hóa quy hoạch, thành phố cũng nên tham khảo các dự án đã đề xuất trong nhiều năm qua và kinh nghiệm quốc tế trong đầu tư, khai thác các bãi sông.

Được biết, việc chia vùng quy hoạch của phân khu đô thị sông Hồng theo Quyết định 1045/QĐ-UBND sẽ được chia thành 3 phân khu. Theo đó, phân khu 1 từ cầu sông Hồng đến cầu Thăng Long có chức năng bảo đảm môi trường; phân khu 2 từ cầu Thăng Long tới cầu Thanh Trì làm khu dân cư gắn với các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và phân khu 3 từ cầu Thanh Trì tới cầu Mễ Sở lại có chức năng bảo đảm môi trường. Mỗi phân khu đều có các số liệu, chỉ tiêu về đất đai, con người, hoạt động kinh tế cụ thể.


GS. Đặng Hùng Võ
GS. Đặng Hùng Võ

Trao đổi về việc quy hoạch 3 phân khu này, GS. Đặng Hùng Võ cho biết việc quy hoạch phân khu như vậy là hợp lý, nhưng bước tiếp theo cần đặt ra là phải làm gì, làm như thế nào để thực thi được quy hoạch khi hiện trạng sử dụng đất quá phức tạp trên bãi sông này. Bởi hiện trạng sử dụng đất sẽ quyết định tới tính khả thi của quy hoạch.

Hiện nay, từ thực tiễn cuộc sống trên bãi sông Hồng, những con số trên bản quy hoạch phân khu không diễn tả được hết phức tạp trong sử dụng đất bãi sông bấy lâu nay. Bằng cách nào để đưa được hiện trạng sử dụng đất về như mong muốn của quy hoạch nếu không tính toán kỹ sẽ là bất khả thi. Như cách thường làm ở ta là dựa vào quyền thu hồi đất của Nhà nước sẽ càng làm cho câu chuyện thực thi quy hoạch phức tạp hơn.

Lấy dẫn chứng từ các nước phát triển, ông Võ thông tin, người ta sử dụng cơ chế “góp đất và điều chỉnh lại đất đai”. Mỗi một người đang sử dụng đất có trách nhiệm góp một phần đất trên nguyên tắc phần đất góp tỷ lệ thuận với giá trị đất đai tăng thêm do đô thị hóa mang lại. Ở ta cũng có thể xem xét tỷ lệ góp đất căn cứ cả vào tình trạng pháp lý của thửa đất và hoàn cảnh tài chính của người đang sử dụng đất. Phương án góp đất và phương án điều chỉnh lại đất phải được công khai, minh bạch, được sự ủng hộ của đại đa số cư dân sử dụng đất.

“Phương thức “góp đất và điều chỉnh lại đất đai” đã được Washington - tổng thống đầu tiên của Mỹ áp dụng để kêu gọi góp đất xây dựng thủ đô. Từ đó, phương thức này được áp dụng ở rất nhiều nơi thay thế cho cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đã đầu tư thử nghiệm giải pháp này để nâng cấp một khu phố nghèo tại TP Sóc Trăng. Kinh nghiệm này cũng nên áp dụng rộng rãi trong đô thị hóa và Hà Nội có thể tiếp tục thử nghiệm cho thực thi quy hoạch TP sông Hồng”, ông Võ nhận định.

HÀ TRANG
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Người dân sẽ được giao đất mà không phải qua đấu giá

Thêm giải pháp duy trì nguồn cung nhà bình dân

Sàn thương mại điện tử xuất hóa đơn giúp minh bạch quản lý thuế, chống gian lận

Chung cư giá dưới 25 triệu đồng/m2 “biến mất”: Đề xuất ưu tiên mở rộng loại đất làm nhà ở bình dân

Xu hướng tái sử dụng đồ cũ hoặc “săn” hàng giảm giá để tiết kiệm chi tiêu trong mùa Giáng sinh

Mức giá cho thuê NOXH tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai chênh lệch như thế nào?

Vì sao khó giảm lãi suất cho vay mua NOXH?

Khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” vì dự án bất động sản vướng pháp lý

Tin mới cập nhật

Vợ chồng 9X chi 30 tỷ xây biệt thự hiện đại kết hợp phong cách nội thất Japandi

13 giờ trước

Từng chỉ sống với 72 nghìn mỗi ngày, làm việc 100 giờ/tuần với 3 công việc: Nhiều năm sau "lội ngược dòng" thành doanh nhân thành đạt, nắm giữ khối tài sản tỷ đô

13 giờ trước

Thêm giải pháp duy trì nguồn cung nhà bình dân

13 giờ trước

Người dân sẽ được giao đất mà không phải qua đấu giá

13 giờ trước

Cô Mười Garden Villa: Sự giao thoa của hơi thở hiện đại và dáng dấp kiến trúc nông thôn vùng Tây Nam Bộ

1 ngày trước