Quý 1/2023, lợi nhuận của Vicostone chạm đáy sau 5 năm
BÀI LIÊN QUAN
Lợi nhuận đạt hai con số nhưng PAN không chia cổ tức năm thứ hai liên tiếp: Lý do là gì?ĐHĐCĐ TPBank: Mục tiêu lợi nhuận 8.700 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên trên 22.000 tỷ đồngĐHĐCĐ HDBank: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 13.197 tỷ đồngDoanhnhan.vn thông tin, CTCP Vicostone (Mã chứng khoán: VCS) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất của quý 1/2023. Theo đó, doanh thu thuần của Vicostone trong 3 tháng đầu năm là 1.034 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm 36%. Trong khi đó, biên lãi gộp cũng giảm từ 31% xuống còn 26%.
Đáng chú ý, chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp của Vicostone trong kỳ này đã ghi nhận mức tăng lần lượt là 19% và 4%. Ngoài ra, chi phí bán hàng của công ty đã giảm 42%, xuống chỉ còn 34 tỷ đồng, chủ yếu là do cắt giảm được chi phí dịch vụ mua ngoài.
Sau khi khấu trừ hết các loại chi phí, Vicostone ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 190 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 đã giảm 49%. Đồng thời, đây là mức thấp nhất kể từ quý 2/2017.
Phía công ty lý giải, kết quả kinh doanh trong quý 1/2023 giảm sút là do tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng khiến chi tiêu của các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp đều giảm. Ngoài ra, lãi suất vay vẫn đang ở mức cao và chi phí nguyên vật liệu tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực xây dựng và bất động sản.
Trước đó, Vicostone trong năm 2022 ghi nhận tổng doanh thu là 5.660 tỷ đồng, so với năm 2021 đã giảm 20%. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế giảm 34% so với năm liền trước và đạt 1.337 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên Vicostone ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng âm kể từ năm 2012.
Theo Vicostone, đặc thù của doanh nghiệp là ghi nhận doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu. Do đó, kết quả kinh doanh của công ty trong năm 2022 đã chịu tác động mạnh mẽ từ nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô trên toàn cầu như lạm phát, bất ổn chính trị, việc Trung Quốc áp dụng “Zero Covid” và cuộc khủng hoảng logistics từ cuối năm 2021…, đặc biệt ở những thị trường chính ở Bắc Mỹ và châu Âu.
Với những kết quả đạt được trong năm 2022, Vicostone đã thực hiện 2 đợt chi trả cổ tức cho năm này bằng tiền mặt, tổng tỷ lệ là 60%, tương đương với 6.000 đồng cho mỗi cổ phiếu. Thời gian thực hiện là tháng 6 và tháng 12 năm ngoái với tổng số tiền đã chi lên đến 960 tỷ đồng.
Mới đây, trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023, ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Vicostone cho biết, tình hình trong 2 quý đầu năm nay sẽ khác so với năm 2022. Cụ thể, ông Năng nhận định: “Năm ngoái, thời điểm đầu năm chúng ta còn thấy được sự lạc quan, nhưng đến 2 quý cuối năm lại đi xuống. Đến năm nay, dự báo ngược lại khi kết quả sẽ hồi phục vào nửa cuối năm mặc dù thị trường vẫn đang trong khủng hoảng".
Trong năm nay, Vicostone cũng đã đề ra 2 kịch bản kinh doanh. Trong đó, kịch bản thứ nhất công ty này đặt ra doanh thu hợp nhất là 5.891 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.325 tỷ đồng. Đối với kịch bản thứ hai, công ty đề ra kế hoạch doanh thu là 4.713 tỷ đồng cùng 1.060 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Được biết, kịch bản thứ hai đã được xuy sét dựa trên điều kiện của các yếu tố chính trị, kinh tế và xã hội tác động không thuận lợi lên hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Ông Hồ Xuân Năng cho rằng, tình hình kinh tế nói chung và thị trường xây dựng nói riêng vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Chưa kể, tại thị trường chính của Vicostone là Mỹ vẫn còn nhiều rủi ro về bất ổn nền kinh tế. Theo dự báo, 2023 sẽ là một năm đặc biệt khó khăn. Không chỉ Vicostone mà nhiều doanh nghiệp khác trong ngành và toàn thế giới cũng phải chấp nhận tình hình này.
Cũng tại thời điểm diễn ra ĐHĐCĐ, Chủ tịch Vicostone cho rằng, kịch bản kinh doanh thứ hai sẽ là kịch bản vừa với kết quả kinh doanh của quý 1 năm nay. Như vậy, với 225 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, công ty này đã hoàn thành được 21% mục tiêu lợi nhuận và doanh thu trong quý đầu năm.
Chiếm đến 40% tài sản là hàng tồn kho
Đối với tình hình tài chính, tính tại thời điểm ngày 31/3, tổng tài sản của Vicostone đạt 6.653 tỷ đồng, so với thời điểm đầu năm đã tăng nhẹ. Trong khi đó, khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ đã giảm 11%, xuống còn 983 tỷ đồng.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến 40%, trong cơ cấu tài sản của Vicostone chính là hàng tồn kho với khoảng 2.652 tỷ đồng, so với thời điểm đầu năm đã tăng 3%. Ngoài ra, công ty còn trích gần 17 tỷ đồng dự phòng giảm hàng tồn kho. Tính đến cuối kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn đạt khoảng 1.831 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 5%. Chỉ tính khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đã chiếm đến 1.829 tỷ đồng.
Đối với cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ vay của Vicostone tại thời điểm ngày 31/3 là 1.313 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản nợ vay ngắn hạn tại các ngân hàng và chiếm 20% nguồn vốn. Công ty này phải trả gần 14 tỷ đồng tiền lãi trong 3 tháng đầu năm nay. Vốn chủ sở hữu của Vicostone thời điểm cuối kỳ là 5.051 tỷ đồng, trong đó có 3.343 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.