Phát triển quỹ nhà ở xã hội sẽ tạo “cú hích” lớn cho thị trường địa ốc
Về xu thế bất động sản trong giai đoạn tới, giới chuyên gia cho rằng, kể từ quý I/2024 sẽ có một “cú hích” lớn cho thị trường. Bởi lúc này lãi suất đã giảm đáng kể, độ “ngấm” của các chính sách cũng tốt hơn.
Tuy nhiên, với bài toán “vừa thiếu, vừa thừa” nhà ở hiện nay, để giải quyết hiệu quả thì một số chuyên gia kinh tế - tài chính đã đề xuất Chính phủ lập quỹ cho vay mua nhà ở giá rẻ, quỹ phát triển nhà ở xã hội. Có thể thấy, đây đều là chính sách kinh tế nhân văn, giúp phát triển kinh tế thị trường và tác động tích cực với an sinh xã hội.
Nhiều cơ hội mới
Tại Diễn đàn “Bất động sản mùa thu lần thứ nhất: Dự báo thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản và khuyến nghị đầu tư” diễn ra ngày 28/9, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - TS Cấn Văn Lực cho rằng, cơ hội hiện đã nhiều hơn thách thức vì thị trường BĐS đã vượt qua được thách thức lớn nhất.
Thứ hai là thị trường BĐS đang phục hồi khá tốt, dù so với thời “hoàng kim” thì thị trường hiện mới chỉ phục hồi được khoảng 20 - 30%. Tiếp đó là thị trường BĐS trong thời gian qua đã có kịch bản tốt hơn. Kéo theo một “cú hích” lớn sẽ bắt đầu vào quý I/2024. Lúc này lãi suất đã và đang giảm, độ “ngấm” của chính sách cũng tốt hơn, nhất là với mức độ tường minh khi 4 luật được Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới đây.
Bên cạnh đó, ông Lực cho rằng, những vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến xây dựng trong năm 2023, về cơ bản đã và đang được xử lý. Vì vậy, ở thời điểm này ghi nhận sự phục hồi kinh tế và vĩ mô của Việt Nam cũng như thế giới sẽ rõ nét hơn.
“Với các thông tin trên, đầu năm 2024 sẽ là thời điểm thuận lợi để các nhà đầu tư đưa ra quyết định, bởi lãi suất giảm và giá bất động sản được điều hoà hợp lý” - Vị chuyên gia nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế tài chính - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, trong giai đoạn này, thị trường BĐS đang có những động lực để phục hồi.
Thứ nhất là với sự vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ban, ngành đã chỉ đạo sâu sát nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn trên thị trường BĐS. Qua đó đã giải quyết được những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn.
Hai là, ông Thịnh đánh giá thị trường BĐS tiếp tục quá trình tái cấu trúc ở các phân khúc, nhất là với nhà ở cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng. Hiện các chủ đầu tư đang cân nhắc và tập trung nguồn lực phát triển các dự án khả thi để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, thúc đẩy dòng tiền trở lại.
Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Điều này góp phần thúc đẩy quá trình tái cấu trúc thị trường, đổi mới hoạt động, tăng cường năng lực của thị trường nhanh nhất.
Ông Thịnh nhấn mạnh: “Minh chứng là từ cuối năm 2022 đến nay, chúng ta đã có hơn 400 dự án NOXH được triển khai. Vì thế, cơ hội để phục hồi thị trường rất lớn. Tuy nhiên, sự thay đổi tương đối rõ rệt của thị trường chỉ xảy ra vào cuối quý I và đầu quý II/2024 khi lượng nhà ở xã hội được bán ra thị trường nhiều hơn”.
Quyết liệt đẩy mạnh phát triển
Qua đó, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo các chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát khó khăn trên địa bàn và phối hợp vớ bộ, ban, ngành để sớm giải quyết.
Đồng thời, các chủ đầu tư phải duy trì việc đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc và thực hiện phát triển NOXH đã được đăng ký. Khi gặp khó khăn cần chủ động trao đổi, trình bày với cơ quan quản lý. Nhà đầu tư cần xem xét và chuẩn bị nguồn lực đón thời điểm lãi suất xuống thấp, nếu phù hợp thì nên tham gia thị trường ngay.
Trong khi TS Cấn Văn Lực bày tỏ mong muốn Chính phủ phát triển mạnh vào quỹ phát triển nhà ở xã hội. Bởi đây mới là chính sách kinh tế nhân văn, giúp phát triển kinh tế thị trường và đem tới tác động lớn với an sinh xã hội.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, có 2 vấn đề cần tập trung xử lý trên thị trường BĐS. Trước hết là vấn đề quản lý, bởi theo ông, đất hiện nay chưa đến nỗi thiếu, tiền cũng không thiếu, ngân sách còn nhiều nên không thể thiếu nhà ở dẫn tới thị trường trầm lắng.
“Thứ hai, tôi đồng ý với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ rằng khủng hoảng của thị trường bất động sản là khủng hoảng phân khúc. Hiện, phân khúc thiếu nhất là nhà ở giá rẻ nên cần bổ sung thêm nhiều nguồn cung để thị trường được phát triển dựa trên giá trị thực. Tôi cho rằng nên tập trung vào phân khúc này vì đây mới là ‘tử huyệt’ để thị trường bất động sản đi lên” - Ông Nghĩa chia sẻ..
Ngoài ra, vị chuyên gia đồng tình với quan điểm cần phải có quỹ cho vay nhà ở hoặc quỹ tín thác nhà ở. Ông đặt vấn đề, nếu ngân hàng hiện đang “thừa tiền” thì có thể phát hành trái phiếu Chính phủ để ngân hàng mua, sau đó thành lập quỹ cho vay mua nhà ở giá rẻ, cho người mua nhà vay trực tiếp.
Ông Nghĩa nói thêm: “Đặc biệt là không để các nhà phát triển BĐS giá rẻ bị thiệt thòi tài chính so với nhà phát triển BĐS thương mại. Ví dụ quy định lợi nhuận chỉ 15%, nhà phát triển phải xác định ai là đối tượng chính sách để cho mua, nếu sai phải chịu trách nhiệm hình sự là không hợp lý. Vì nhiều trách nhiệm đổ lên đầu như vậy nên chủ đầu tư mới không muốn làm”.