Phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục là "điểm sáng" của thị trường
BÀI LIÊN QUAN
Bình Dương như “hổ mọc thêm cánh” khi sắp có thêm 2 khu công nghiệp mới rộng 2.000 haCty Vsip 1: Thông Tin về Công Ty Vsip 1Gần 2.400 tỷ đồng đầu tư vào dự án khu công nghiệp mới tại Hòa BìnhBất động sản công nghiệp trở thành xu hướng đầu tư mới
Mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 với quy mô toàn thế giới, hầu hết các ngành nghề đều chịu những thiệt hại sâu sắc. Thế nhưng, một xu hướng đầu tư đang dần được hình thành và có thể sẽ bùng nổ trong thời gian sắp tới, đó chính là sự xuất hiện của các vốn đầu tư ở trong nước cũng như là vốn ngoại vào các khu chế xuất và các khu công nghiệp. Đây có thể coi là một dấu hiệu rất tích cực cho lĩnh vực bất động sản nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Trong những năm gần đây, bên cạnh bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp cũng được đánh giá là 1 phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường Việt Nam.
Có ba lý do để giải thích cho xu thế này: Thứ nhất sự ổn định về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam từ 6.5 đến 6.8%, tăng tương đối đều đều trong nhiều năm. Thứ hai là tốc độ đô thị hóa cũng tương đối lớn, hệ thống giao thông phát triển, đặc biệt là lực lượng lao động dồi dào với giá nhân công tương đối rẻ so với các nước trong khu vực. Thứ ba, Việt Nam được xem như là một trong những nước có thể chế chính trị ổn định nhất trên thế giới tại thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang được coi là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư có thể xúc tiến nhanh việc tìm kiếm cơ hội tại các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm chế xuất… Trước đây, Trung Quốc là cái nôi và nhà máy của thế giới, nhưng những năm gần đây, xu hướng đang dần được dịch chuyển về phía các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Bình luận về vấn đề này, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, hiện nay Việt Nam đang có rất nhiều yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong việc tìm kiếm địa điểm tại các khu công nghiệp để đầu tư, có nhiều nhóm nhà đầu tư muốn kinh doanh theo quy mô lớn để trở thành chủ đầu tư của cả khu công nghiệp, với nhu cầu tìm những quỹ đất từ 500 đến 1000 hecta. Một bộ phận khác là các nhà sản xuất họ muốn đầu tư mở rộng diện tích nhà xưởng...
Bên cạnh các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, các thành phố vệ tinh cũng đang được các nhà đầu tư chú trọng quan tâm, như Long An, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên…. Những địa phương này có vị trí thuận lợi, nguồn lực & nhân công dồi dào, cơ sở hạ tầng và giao thông thuận lợi cho việc vận chuyển, kho bãi lưu trữ và logistics tới các thành phố lớn.
Nhiều dự án nghìn tỷ
Nhiều dự án khu công nghiệp đang được đầu tư xây dựng tại các địa phương trên cả nước như Hòa Bình, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Đồng Tháp, Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn…, phân khúc bất động sản này đang thú hút giới đầu tư bất động sản trong và ngoài nước tham gia.
Có thể kể đến, dự án khu công nghiệp HDTC Bá Thiện đang được xem dự án duy nhất trên cả nước được tư vấn nước ngoài thiết kế và xây dựng như một quần thể khu đô thị hiện đại bậc nhất khu vực. Giá cho thuê dự báo khoảng 200 USD/m2.
Khu Công nghiệp HDTC Bá Thiện (xã Thiện Kế và Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) có quy mô 247,36 ha, tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC), doanh nghiệp có 30% vốn Nhà nước.
Điển hình là dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nhuận Trạch có tổng diện tích sau khi được bổ sung là hơn 213 ha tại 2 xã Nhuận Trạch và Cư Yên (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.400 tỷ đồng do Công ty TNHH Hòa Phú - Hòa Bình làm chủ đầu tư, trong đó vốn góp của Hòa Phú - Hòa Bình là 366 tỷ đồng (tương đương 15% tổng vốn đầu tư của Dự án và bằng đúng vốn điều lệ công ty này đăng ký thay đổi vào tháng 8/2021), phần còn lại là vốn huy động.
Mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định chủ trương đầu tư. Trong trường hợp 13,68 ha không được bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất, chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp của tỉnh Hòa Bình, thì UBND tỉnh này phải thực hiện điều chỉnh giảm quy mô Dự án xuống còn 200 ha.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng (tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Theo Quyết định số 128/QĐ-TTg do Phó thủ tướng Lê Văn Thành ký, Dự án có quy mô lên tới 248,9 ha, tổng vốn đầu tư trên 768 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày 24/1/2022. Nhà đầu tư Dự án là Công ty TNHH một thành viên Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai.
Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI), công ty con của Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt, đang triển khai mở rộng đầu tư các dự án khu công nghiệp tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp), với tổng diện tích 2.000 ha. Cụ thể, hôm 16/2, công ty này vừa được UBND tỉnh Đồng Tháp chính thức chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư 3 dự án khu công nghiệp tại huyện Cao Lãnh, gồm: Cao Lãnh, Cao Lãnh II và Cao Lãnh III, với tổng mức đầu tư hơn 14.720 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty Phát Đạt đang định hướng phát triển những cụm công nghiệp đô thị dịch vụ có quy mô 1.000 - 6.000 ha tại các địa phương đã có sẵn hạ tầng và lợi thế để phát triển khu công nghiệp như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp…
Sau thời gian “đóng băng” trong quý III và quý IV/2021 vì dịch Covid-19, nguồn cung mới bất động sản công nghiệp được dự báo tăng lên đáng kể trong năm nay. Theo dự báo của Colliers Việt Nam, TP.HCM sẽ có thêm 5 dự án mới tham gia thị trường, cung cấp hơn 4.200 ha vào quỹ đất công nghiệp. Trong đó, 4 khu công nghiệp tọa lạc tại huyện Bình Chánh, bao gồm: Lê Minh Xuân giai đoạn II (319 ha), Lê Minh Xuân mở rộng (110 ha), Vĩnh Lộc I giai đoạn III (200 ha) và Phong Phú (148 ha).
Tương tự, nguồn cung mới của thị trường bất động sản công nghiệp Hà Nội cũng được dồn sang năm 2022 và 2023, với các dự án tiêu biểu như: Khu công nghiệp Quang Minh II (266 ha), Khu công nghiệp Thanh Mỹ - Xuân Sơn (108 ha), Khu công nghiệp Sóc Sơn (306 ha, Khu công nghiệp Sóc Sơn II (204 ha), Khu công nghiệp HANSSIP giai đoạn II (300 ha) và Khu công nghiệp Phùng Xá (84 ha).