meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Những thương vụ chuyển nhượng tỷ đô "tạo nhiệt" cho thị trường bất động sản Việt Nam

Thứ hai, 27/03/2023-08:03
Theo các chuyên gia, khi doanh nghiệp bất động sản trong nước suy yếu sẽ là thời cơ để nhà đầu tư nước ngoài tiến hành M&A (mua bán, sáp nhập) để nắm phần lớn cổ phần doanh nghiệp hoặc các dự án với giá rẻ. Với biến động thị trường hiện nay, hoạt động M&A bất động sản được dự báo sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm, đặc biệt đến từ các đối tác ngoại.

Thị trường M&A đang nóng lên

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản xôn xao thông tin CapitaLand Group đang đàm phán mua lại dự án của Vinhomes, một “ông lớn” bất động sản tại Việt Nam. Nguồn tin của Reuters tiết lộ, CapitaLand Group đang đàm phán một thương vụ trị giá khoảng 1,5 tỷ USD với Vinhomes. Tập đoàn Singapore được cho là đang xem xét mua lại một phần dự án Ocean Park 3 của Vinhomes ở Hà Nội hoặc một dự án khác ở phía bắc TP Hải Phòng, giá trị thương vụ khoảng 1,5 tỷ USD.

Đến nay, cả Vinhomes và CapitaLand Development, một phần của CapitaLand Group đang có mặt và hoạt động tại Việt Nam đều chưa đưa ra thông tin xác thực. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận thành công, đây sẽ là một trong những thương vụ giao dịch bất động sản lớn nhất Đông Nam Á trong khoảng vài năm trở lại đây.


Thị trường bất động sản xôn xao thông tin CapitaLand Group đang đàm phán mua lại dự án của Vinhomes.
Thị trường bất động sản xôn xao thông tin CapitaLand Group đang đàm phán mua lại dự án của Vinhomes.

Dù chưa đưa ra thông tin chính thức liên quan đến thương vụ, nhưng CapitaLand đánh giá Việt Nam hiện là một trong những thị trường cốt lõi của doanh nghiệp này. "Chúng tôi liên tục đánh giá các cơ hội đầu tư để phát triển sự hiện diện của mình tại Việt Nam", đại diện CapitaLand chia sẻ.

Trong những năm qua, CapitaLand liên tục thâu tóm các quỹ đất lớn ở Bình Dương và TPHCM. Trong đó, CapitaLand hợp tác với Becamex IDC làm dự án phát triển Thành phố mới Bình Dương. Tập đoàn này sẽ tiếp nhận và phát triển quỹ đất từ Becamex IDC để xây dựng một dự án nhà ở quy mô lớn nhất của doanh nghiệp này tại Việt Nam.

CapitaLand cũng đang trong quá trình đàm phán một thương vụ khác trị giá 716 triệu USD để thâu tóm quỹ đất có vị trí khá đắc địa tại TP Thủ Đức, TPHCM. Dự án có quy mô 8 ha, với khoảng 1.100 căn hộ và shophouse. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cam kết đầu tư 1 tỷ USD để phát triển khu công nghiệp - logistics - đô thị ở Bắc Giang.

Trước đó, một ông lớn bất động sản khác cũng công bố biến động nhân sự cấp cao. Nguyên CEO Gamuda Land Việt Nam - ông Dennis Ng Teck Yow được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Novaland. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này bổ nhiệm CEO người nước ngoài. Dù hai bên chưa thông báo giao dịch cụ thể nào, nhưng sự mới này được cho là một phần trong quá trình tái cấu trúc của Novaland.

Được biết, dưới thời ông Dennis Ng Teck Yow, Gamuda Land từng thâu tóm nhiều quỹ đất lớn ở Việt Nam. Chỉ tính riêng năm 2022, Gamuda Land đã hoàn tất 2 thương vụ đình đám, gồm mua lại toàn bộ dự án Uni Galaxy ở Bình Dương từ Becamex TDC với giá gần 1.300 tỷ đồng và sáp nhập một công ty khác của Việt Nam để sở hữu dự án Elysian ở TP. Thủ Đức.


Thị trường M&A bất động sản đang dần nóng lên.
Thị trường M&A bất động sản đang dần nóng lên.

Ngoài ra, việc thu hút nguồn vốn ngoại vào bất động sản cũng diến biến khá tích cực. Một doanh nghiệp ngoại khác, là một “ông lớn” ngành bán lẻ lớn hàng đầu Thái Lan, đã hoạt động tại Việt Nam đã được 10 năm là Central Retail mới đây cũng công bố đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bất động sản Việt Nam để phát triển các dự án phức hợp, trung tâm thương mại.

Trong vòng hai tháng đầu năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính có gần 397 triệu USD vốn ngoại đổ vào ngành bất động sản, đóng góp 12,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Với con số này, bất động sản là lĩnh vực thu hút FDI lớn thứ hai.

Hoạt động M&A bất động sản sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm?

Về hoạt động M&A liên của các doanh nghiệp nước ngoài và nguồn vốn ngoại rót vào thị trường bất động sản Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, khi doanh nghiệp bất động sản trong nước suy yếu sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tiến hành M&A, nắm phần lớn cổ phần hoặc thâu tóm các dự án với giá rẻ.

Với biến động thị trường hiện nay, khối lượng thương vụ M&A dự án đến từ các doanh nghiệp ngoại có thể sẽ tăng mạnh trong năm 2023. Nhiều quỹ đầu tư bên ngoài đã và đang chuẩn bị sẵn tiền chờ thời cơ thâu tóm các dự án này khi nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn, buộc phải bán.

Theo bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, khối ngoại sẽ dẫn dắt thị trường M&A bất động sản trong thời gian tới. Và các nhà đầu tư châu Á sẽ đóng góp tỷ trọng giao dịch lớn. “Đây là thời điểm thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài, có tiềm lực tiếp cận quỹ đất quy mô lớn, vị trí đắc địa mà trước đây khó tiếp cận do các chủ đất trong nước đang dần cơ cấu lại dòng vốn và tài sản”, bà nhấn mạnh.


Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam
Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam

Nói về chiến lược của các nhà đầu tư nước ngoài, bà Trang Bùi cho rằng họ thường tìm hiểu, khảo sát và chọn lọc kỹ lưỡng từ ban đầu, sau đó bắt tay với các đối tác nội địa để tận dụng các lợi thế về quỹ đất và am hiểu pháp lý địa phương. Thông thường, các nhà đầu tư ngoại sẽ chọn sẵn một phân khúc bất động sản là lợi thế, nơi mà họ đã có sẵn kiến thức và kinh nghiệm, để bắt đầu đầu tư vào thị trường Việt Nam. Sau một thời gian kiểm nghiệm, họ sẽ bắt đầu đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, điều này không có nghĩa là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ồ ạt tham gia M&A một cách dễ dàng. Những biến động vĩ mô thời gian gần đây và năm 2023 liên quan đến các vấn đề về áp lực lạm phát, tăng lãi suất, pháp lý dự án… sẽ khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng, và quan sát tình hình thị trường kỹ lưỡng hơn.

Đại diện Colliers dự báo thị trường sẽ bắt đầu ổn định khoảng từ giữa năm 2023 khi tình hình lãi suất chắc chắn hơn. Tuy còn nhiều bất ổn, nhưng thị trường vẫn có một lượng vốn lớn đang chờ đợi cơ hội để đầu tư.

Đồng quan điểm, TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đang quan sát thị trường, chờ đợi thời cơ chín muồi rồi mới “nhảy” vào. Tất cả các phân khúc trên thị trường đều có những ưu thế để có thể chuyển nhượng.

Nếu biên độ lợi nhuận hấp dẫn so với các chi phí tài chính và rủi ro lạm phát thì Việt Nam vẫn là nơi thu hút nhà đầu tư ngoại tham gia. Những nhà đầu tư nước ngoài “nhòm ngó” bất động sản Việt Nam chủ yếu trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Nhật Bản,…

Thanh Thư
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

TS. Nguyễn Văn Đính: Thị trường bất động sản sắp bước vào chu kỳ “thật” hơn

Người Hà Nội ưu tiên chung cư, TP.HCM chọn nhà riêng

Bất động sản bất ngờ dẫn đầu lợi nhuận của quý IV/2024

Chuyên gia dự báo, đầu tư căn hộ cho thuê sẽ tiếp tục tăng trưởng

Thị trường chung cư cuối năm: Môi giới liên tục mời bán giá cao nhưng chủ yếu "hỏi để đấy"

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn "nằm im" trong cuộc đua phục hồi

Cho vay mua nhà dự kiến sẽ tăng trưởng 15% trong năm 2025

Hà Nội: Năm 2025 nguồn cung căn hộ bất ngờ giảm nhẹ

Tin mới cập nhật

Amazon gây sức ép cho các đối tác bán hàng trên Temu

17 giờ trước

Nga bắt đầu sử dụng bitcoin trong giao dịch quốc tế

17 giờ trước

“Độc lạ” TP.HCM: Căn hộ giá mềm bị khách hàng "ngó lơ"

17 giờ trước

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: "Nói bảng giá đất mới làm tăng giá bất động sản là hơi oan"

17 giờ trước

TS. Nguyễn Văn Đính: Thị trường bất động sản sắp bước vào chu kỳ “thật” hơn

17 giờ trước