meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Những dự án sắp triển khai làm thay đổi diện mạo giao thông Đồng bằng sông Hồng 

Chủ nhật, 25/06/2023-12:06
Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các công tác chuẩn bị để đến năm 2030 hoàn thành và khởi công đồng loạt nhiều dự án đường bộ, đường sắt tại khu vực Đồng bằng sông Hồng. 

Dự án hạ tầng được ưu tiên triển khai 

Theo Vneconomy, mới đây, Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng Đồng bằng sông Hồng theo hướng hiện đại, đồng bộ. Ưu tiên phát triển các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cảng hàng không, cảng biển gắn với phát triển các hành lang kinh tế vùng, tạo đột phá, phát triển nhanh và bền vững. 

Trong giai đoạn đến năm 2025, về đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn chỉnh công tác chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến. Đối với dự án đường Vành đai 5 Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long sẽ huy động nguồn vốn để tiếp tục đầu tư. Hoàn thành cải tạo nâng cấp tuyến Quốc lộ 4B qua Lạng Sơn; huy động nguồn lực cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ trong vùng như Quốc lộ 21C đoạn Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính, Quốc lộ 4B đoạn qua Quảng Ninh.


 
 

Về đường sắt, từ nay đến năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải tập trung khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt với tuyến đường sắt liên vận đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đối với một số ga trên tuyến đường sắt hiện có như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn, tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân hoàn thành đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng), tuyến vành đai phía Đông - Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi). Đáng chú ý, trong giai đoạn này, Bộ Giao thông vận tải sẽ hoàn thành chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống để tăng cường năng lực vận tải trên sông Hồng. 

Về đường hàng không, khai thác hiệu quả các cảng hàng không Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn. 


Sơ đồ tuyến dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Sơ đồ tuyến dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Trong giai đoạn đến năm 2030, về đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đầu tư hoàn thành đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội, các tuyến cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến. Mở rộng đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình. Cải tạo và nâng cấp một số tuyến quốc lộ theo quy hoạch. 

Về đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đầu tư tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân. Đồng thời, huy động vốn để đầu tư các tuyến đường sắt tuyến vành đai phía Đông - Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi), đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng); chuẩn bị đầu tư tuyến Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Về đường thủy, cải tạo các tuyến thủy nội địa Hải Phòng, Quảng Ninh về Hà Nội, Việt Trì (Phú Thọ), Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình; tuyến Vạn Gia - Ka Long, nạo vét luồng tại các điểm nghẽn hạ tầng trên sông Hồng. 

Về đường hàng không, nghiên cứu, xác định vị trí, các chỉ tiêu quy hoạch cảng hàng không quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô, khu vực phía Bắc. 


Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với các địa phương, cơ quan có liên quan để triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng và mở rộng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai. Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc; hoàn thành nâng cấp mở rộng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn theo quy hoạch.

Áp dụng công nghệ mới 

Để đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ ưu tiên cân đối và bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng; thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn cho vay ưu đãi từ các nhà tài trợ quốc tế; huy động nguồn vốn ngân sách đầu tư cảng biển, cảng hàng không, trung tâm logistics, cảng cạn gắn với đầu mối vận tải lớn.

Vận tải vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ từng bước tái cơ cấu thị phần, trong đó ưu tiên phát triển thành phần các phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ. 

Tích cực đổi mới công nghệ xếp dỡ hàng tại các đầu mối vận tải, áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng logistics. 


Cảng biển Hải Phòng được xếp là cảng biển loại đặc biệt.
Cảng biển Hải Phòng được xếp là cảng biển loại đặc biệt.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phương tiện chở container trên đường sắt, đường thủy nội địa; tại các đầu mối tập kết hàng hóa cần nâng cao năng lực xếp dỡ container. Thực hiện đổi mới, hiện đại hóa các phương thức vận tải, thiết bị xếp dỡ và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, điều hành hoạt động vận tải và chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện giao thông theo lộ trình tại Quyết định số 876/2022 của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, trong 15 năm qua (2005 - 2020), diện mạo hệ thống giao thông của vùng Đồng bằng sông Hồng đã có sự thay đổi rõ rệt, hàng loạt công trình quan trọng được đầu tư đưa vào khai thác. Đường bộ: đã đưa vào khai thác 9 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 576 km; 25 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 2.133 km. Đường sắt: đã và đang cải tạo, nâng cấp duy trì khai thác 6 tuyến đường sắt quốc gia. Hàng hải: đã đầu tư để hình thành 4 cảng biển Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh; cảng Hải Phòng là cảng cửa ngõ quốc tế. Đường thủy nội địa: đang khai thác 37 tuyến đường thủy nội địa và đưa vào khai thác có hiệu quả tuyến vận tải thủy ven biển, vận tải từ bờ ra đảo.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

ĐBQH lo ngại “cơn sóng sốt đất” nếu thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại

Bảng giá đất làm chi phí chuyển đổi một nền đất từ 200-300 triệu lên 1-2 tỷ đồng

Chung cư hạng sang, siêu sang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng nguồn cung

Đất nền Thanh Oai trước thềm đấu giá: Người bán người mua đều dè dặt, giao dịch nhỏ giọt

Tận dụng triệt để quỹ đất để gia tăng nguồn cung nhà ở

Chủ đầu tư “đua” tung ưu đãi nhưng vẫn không dễ bán hàng

Thống đốc NHNN: Chưa tăng giải ngân cho vay nhà ở xã hội trong ngắn hạn

Người bán nhà cần cẩn trọng với chiêu trò “có khách cọc ngay” của môi giới

Tin mới cập nhật

Bảng giá đất làm chi phí chuyển đổi một nền đất từ 200-300 triệu lên 1-2 tỷ đồng

8 giờ trước

ĐBQH lo ngại “cơn sóng sốt đất” nếu thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại

8 giờ trước

Chung cư hạng sang, siêu sang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng nguồn cung

1 ngày trước

Thống đốc NHNN: Chưa tăng giải ngân cho vay nhà ở xã hội trong ngắn hạn

1 ngày trước

Đất nền Thanh Oai trước thềm đấu giá: Người bán người mua đều dè dặt, giao dịch nhỏ giọt

1 ngày trước