Nhà thế chấp vay ngân hàng bị sập do bão: Các hợp đồng bảo hiểm đi kèm có tác dụng gì không?
BÀI LIÊN QUAN
Thẻ tín dụng mở dễ, đóng khó: Ngân hàng và người dùng đều quá “dễ dãi”Nắm giữ trái phiếu ngân hàng vẫn có rủi ro theo phân tích của chuyên giaVì sao ngân hàng khó thu hồi các khoản nợ xấu?
Cơn bão Yagi vừa quét qua đã để lại thiệt hại về tài sản không nhỏ đối với nhiều gia đình như nhà cửa, xe cộ... Với người dân sống ở chung cư, những thiệt hại thấy rõ như tường bị ngấm, sàn gỗ bung, vỡ cửa kính, trần bị bung,…Còn với nhà mặt đất thì tình trạng vỡ, tràn bể nước, bật cửa sổ, bay mái tôn, thậm chí là sập nhà đã diễn ra.
Trước những thiệt hại này, nhiều người dân đã thế chấp nhà để vay ngân hàng kèm mua bảo hiểm khoản vay đang băn khoăn liệu có được phía công ty bảo hiểm bồi thường hay không và cần phải làm gì?
Bà N.N.H, một cán bộ tại ngân hàng tư nhân ở Hà Nội cho rằng, căn cứ theo hợp đồng bảo hiểm giữa khách hàng và công ty bảo hiểm, phía công ty sẽ phải bồi thường cho khách hàng mua bảo hiểm khoản vay trong trường hợp bão Yagi gây thiệt hại cho nhà của họ.
Tuy nhiên, bà H cho biết: “Tôi chưa gặp trường hợp khách hàng nào vay ngân hàng có kèm mua bảo hiểm khoản vay với điều khoản liên quan đến thiệt hại do bão lũ, thiên tai. Hiện nay, bảo hiểm khoản vay mà khách hàng sẽ mua như “bảo hiểm nhân thọ” nên nếu người đứng vay bị mất khả năng lao động hay qua đời thì phía công ty bảo hiểm có trách nhiệm thanh toán khoản nợ cho khách hàng”.
Cũng theo bà H, một bảo hiểm thứ 2 được yêu cầu gần như bắt buộc với các khoản vay mua nhà là bảo hiểm cháy nổ. Do đó, trường hợp căn nhà thế chấp ngân hàng bị cháy, hư hại thì phía bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường tài sản.
Theo chia sẻ của một nhân viên công ty cho thuê tài chính, thông thường khi khách hàng thuê tài chính tại công ty để mua tài sản sẽ được yêu cầu mua bảo hiểm tài sản. Thế nhưng, trong một hợp đồng bảo hiểm sẽ có vô vàn điều khoản. Do đó, nếu khách hàng mua bảo hiểm mà không có điều khoản bồi thường trong những trường hợp như thiên tai, bão lũ thì khách hàng phải chịu thiệt hại; còn nếu mua thì khách hàng sẽ phải chịu thêm phí bảo hiểm.
Người này cũng cho biết thêm, đối với những tài sản như nhà xưởng, cơ sở kinh doanh, máy móc công trình,… khi khách hàng vay tiền để mua sẽ được công ty cho thuê tài chính yêu cầu mua bảo hiểm bắt buộc và phải chịu thanh toán phí bảo hiểm. Tuy nhiên, khi xảy ra tổn thất thì người được thừa hưởng bồi thường là bên cho vay (tức chủ tài sản thực sự), trừ trường hợp khách hàng đã tất toán khoản vay đó.
Đáng chú ý, có rất nhiều hình thức bảo hiểm đối với những công trình nhà xưởng, nhà cửa, máy móc,… trong đó, mức độ bảo hiểm cao nhất là bảo hiểm cho mọi rủi ro. Theo đó, khi xảy ra rủi ro, kể cả thiên tai bão lũ thì công ty bảo hiểm cũng sẽ phải bồi thường. Đáng nói là phí bảo hiểm sẽ rất cao.
Ở góc độ luật sư, ông Nguyễn Văn Vượng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, bão Yagi hay bão lụt, thiên tai nói chung gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của cá nhân, tổ chức là sự kiện khách quan, không thể lường trước và không có lỗi của con người. Vì vậy, không thể yêu cầu một người cụ thể bồi thường thiệt hại xảy ra được.
“Để xác định thiệt hại do bão Yagi có thuộc trường hợp được yêu cầu bảo hiểm hay không còn tuỳ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa công ty bảo hiểm với tổ chức, cá nhân cụ thể. Cần lưu ý rằng, bảo hiểm tài sản vay vốn ngân hàng không thuộc trường hợp bảo hiểm tài sản bắt buộc. Do đó, các thoả thuận về phạm vi bảo hiểm, các trường hợp loại trừ do các bên thoả thuận được ghi cụ thể trong hợp đồng” – ông Vượng phân tích.
Cũng theo ông Vượng, nếu trong hợp đồng bảo hiểm ghi nhận thiệt hại do thiên tai bão lũ thuộc trường hợp bảo hiểm thì các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoàn toàn có thể yêu cầu đơn vị bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực tế do bão Yagi gây ra.