Nhà đầu tư “ít vốn” đổ xô về các vùng quê mua đất phân lô giá rẻ
BÀI LIÊN QUAN
Vợ chồng bán hủ tiếu vay 200 triệu mua đất, một năm lãi nửa tỷ: Không ai sinh ra đã giàu, buôn đất là phải máu!Bất chấp "bóng ma" Covid, nhiều "ông lớn" ngành BĐS vẫn đặt mục tiêu đầy tham vọng trong năm 2022Hợp thức hóa nhà đất là gì? Các thủ tục hợp thức hóa năm 2022Mua đất phân lô chờ tăng giá
Sau dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, thị trường bất động sản tại nhiều tỉnh thành bắt đầu sôi động trở lại. Khi dịch Covid-19 kéo dài, lạm phát gia tăng thì đầu tư đất nền vẫn là biện pháp “giữ tiền” hữu hiệu được nhiều người lựa chọn. Không chỉ tập trung ở thành phố, nhiều mảnh đất thuộc phân khúc giá rẻ dưới hình thức đất phân lô, bán nền ở các vùng quê đang được chào bán rầm rộ cho những nhà đầu tư “ít vốn”.
Trong vai một khách hàng đang có nhu cầu mua đất, chúng tôi được giới thiệu đi xem hàng trăm lô đất ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), diện tích dao động từ 70 – 100m2 với mức giá hấp dẫn từ 200 – 500 triệu đồng. Theo tìm hiểu, khu đất này trước kia được một doanh nghiệp bất động sản mua lại, sau đó san lấp mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng rồi phân lô bán cho khách.
Cũng tại huyện Thường Xuân, chúng tôi được giới thiệu một lô đất có diện tích 4000 m2 trong đó có 1600 m2 đất thổ cư đang được người dân rao bán với giá 300 triệu đồng/sào. Có thể thấy cùng một vị trí nhưng đất phân lô bán được giá cao hơn hẳn và được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng vì có thể sinh lời từ một khoản tiền tích góp nhỏ.
Chị Lại Thanh Hà (giáo viên một trường THPT ở huyện Nông Cống) chia sẻ, hai vợ chồng chị đều là công viên chức nhà nước. Vừa rồi do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tiền lương, thưởng bị cắt giảm đáng kể. “Tích cóp chục năm mới để được ra 200 triệu đồng, gửi tiết kiệm thì lãi suất thấp, tiền trượt giá từng ngày, thấy một số đồng nghiệp mua đất phân lô lên giá nên tôi cũng đi tìm hiểu thị trường. Hai vợ chồng tôi tính mua một mảnh đất khoảng 200 – 250 triệu đồng sau này có lãi thì bán đi”, chị Hà tâm sự.
Đánh vào tâm lý của những khách hàng như chị Hà, nhiều chủ đầu tư đã đi trước đón sóng từ hình thức phân lô, bán nền.
Tình trạng trên cũng diễn ra nhiều ở các huyện miền núi khó khăn Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong của tỉnh Nghệ An. Qua khảo sát, ở các vị trí được rao bán mỗi lô 100-120 m2 với giá vài trăm triệu đồng đến các trục đường lớn liên xa, liên huyện khá xa, hiện trạng dân cư còn thưa thớt. Tuy nhiên, qua lời giới thiệu của môi giới, thì khu vực này đang có nhiều dự án chuẩn bị xây dựng nên trong tương lai giá trị bất động sản có thể tăng cao gấp 2, 3 lần.
Cần xem xét kĩ tính pháp lý của dự án
Tốc độ đô thị hóa và sự dịch chuyển của các khu công nghiệp trong thời gian gần đây khiến giá đất thuộc nhiều vùng quê tăng cao đến bất ngờ. Nhiều lao động sau một thời gian ra thành phố làm việc thường mang tiền tích góp về quê mua đất, cùng với đó, tầng lớp trung lưu ở địa phương đang tìm kênh đầu tư an toàn cho nguồn tiền nhàn rỗi hậu Covid-19 đã tạo nên một thị trường sôi động.
Bên cạnh những lô đất gần khu công nghiệp có giá tăng nhanh trong thời gian gần đây, thì giá đất nền trong thôn, xóm ở những địa phương đặc biệt khó khăn cũng tăng chóng mặt. Đơn cử như ở huyện Vũ Quang - Hà Tĩnh, những mảnh đất bám đường liên thôn, liên xã năm 2019 được rao bán với giá vài trăm nghìn/m2 đầu năm 2022 đã ở ngưỡng 2 – 4 triệu đồng/m2. Vì vậy, phân lô bán nền nhằm chia nhỏ giá trị sản phẩm là hình thức phù hợp với những khách hàng ít vốn.
“Sau gần chục năm làm lụng, tích góp, vợ chồng tôi mua tiết kiệm được 5 cây vàng. Tuy nhiên tôi thấy vàng đang xuống giá trong khi gửi ngân hàng lãi suất cũng giảm. Thế nên vợ chồng tôi quyết định bán vàng đi mua đầu tư một lô đất tầm 250 triệu đồng. Nếu ăn may như môi giới bất động sản nói cuối năm có thể tăng gấp đôi. Hoặc kể cả không tăng mạnh thì biên độ lợi nhuận cũng cao hơn giữ vàng hoặc gửi tiết kiệm ở thời điểm này”, anh Nguyễn Hoàng Anh (36 tuổi, một viên chức đang công tác tại huyện Vũ Quang) bày tỏ.
Bàn về câu chuyện trên, chuyên gia kinh tế La Văn Thái cho rằng: “Quỹ đất ở các vùng nông thôn, ven thành phố vẫn còn nhiều. Nhiều dự án phân lô được mở bán khi hệ thống cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, hạ tầng xung quanh phát triển chưa tương xứng nên hầu hết các giao dịch mua – bán hiện nay chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu tư thứ cấp với nhau. Trong khi đó với mật độ dân số hiện này và nhu cầu về nhà ở của người dân chưa tăng cao dẫn đến việc chênh giá, giá cao hơn so với mặt bằng chung”.
Theo ông Thái, trước, trong hay sau thời điểm dịch Covid-19 thì bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn và ổn định. Đất nông thôn vẫn mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư, tuy nhiên cần thời gian và lộ trình phù hợp. Nếu giá trị bất động sản vùng quê bỗng dưng tăng nhanh bất thường trong vòng 1 năm mà không có bất kì thay đổi nào về hạ tầng thì nên xem xét lại vì rất có thể đây là chiêu trò thổi giá của "cò" đất.
Chưa kể, khi mua đất phân lô, khách hàng cũng nên xem xét kĩ tính pháp lý của dự án và lựa chọn chủ đầu tư uy tín. Để tránh tình trạng đất sốt ảo thì nhà đầu tư nên mua những lô đất gần trung tâm, nằm trên trục đường lớn hoặc thuộc khu dân cư đông đúc, sầm uất và sắp đi vào sử dụng thì tiềm năng sinh lời sẽ cao hơn.
Nhiều chuyên gia lĩnh vực bất động sản cũng khuyến cáo các nhà đầu tư nên thận trọng khi mua đất phân lô giá rẻ tại các vùng quê bởi rất nhiều vị trí là đất nông nghiệp, đất rừng, đất trồng cây lâu năm chứ không phải là đất ở nên việc đầu tư sinh lời rất khó.