meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Nghịch lý nhà ở xã hội: Nơi xếp hàng dài chờ mua, nơi mở bán hàng chục lần không hết

Thứ hai, 05/06/2023-08:06
Vị trí xa trung tâm, hạ tầng chưa đồng bộ hoặc lo ngại tiến độ bàn giao dự án, năng lực chủ đầu tư… là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ế ẩm” khi mở bán nhà ở xã hội, dù phân khúc này đang rất thiếu nguồn cung, trong khi nhu cầu người dân rất lớn.

Nơi tranh nhau mua, nơi mở bán hàng chục lần không hết

Nhà ở xã hội là phân khúc bất động sản có nhu cầu rất lớn trong những năm qua, dù vậy, nguồn cung luôn thiếu trầm trọng. Những ngày cuối tháng 5, khoảng 1.300 chen chúc dưới thời tiết nóng nực để tham gia bốc thăm mua 149 căn nhà ở xã hội NHS Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, dù đây là dự án có mức giá 19,5 triệu đồng/m2. Thậm chí, dù 10 giờ sáng, phiên bốc thăm mua nhà mới bắt đầu nhưng từ tờ mờ sáng, rất nhiều người đã có mặt xếp hàng trong sự thấp thỏm mong chờ.

Đây là dự án nhà ở xã hội do liên danh chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS và Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 4 làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô sử dụng đất là hơn 2.726m2, quy mô dân số 560 người với 275 căn hộ.


Hàng nghìn người bốc thăm mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn
Hàng nghìn người bốc thăm mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn

Giá bán là hơn 19,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT) và phí bảo trì 371.869 đồng/m2 - mức giá bán lần đầu cao nhất tại Hà Nội tính đến thời điểm hiện nay. Để sở hữu căn hộ nhỏ nhất (diện tích 69,9 m2) tại dự án này, người mua cần bỏ ra khoảng 1,39 tỉ đồng.

Trước đó, vào năm 2010, nhiều người cũng từng xếp hàng nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông). Đơn vị bán hàng cũng phải tổ chức bốc thăm để lựa chọn bởi người có nhu cầu mua căn hộ quá nhiều.

Tuy nhiên, dù nhu cầu đối với nhà ở xã hội rất lớn, nhưng không phải dự án nhà ở xã hội nào cũng nhận được sự chú ý lớn như vậy. Thậm chí, một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội phải chịu sự thờ ơ của khách hàng khi mở bán hàng chục lần vẫn ế ẩm.

Ví dụ, dự án AZ Thăng Long (Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư ế ẩm nhiều năm, mở bán đến lần thứ 26 nhưng vẫn chưa hết. Từ lần mở bán đầu tiên của dự án này vào năm 2015, đến nay gần 10 năm trôi qua với 26 lần mở bán cũng chỉ bán được 869 căn và 235 căn cho thuê, còn 42 căn chưa bán được.


Dự án nhà ở xã hội AZ Thăng Long có tới 26 lần mở bán
Dự án nhà ở xã hội AZ Thăng Long có tới 26 lần mở bán

Được biết, dự án có tổng số 1.496 căn hộ, trong đó có 264 căn thương mại; 911 căn nhà ở xã hội để bán và 321 căn để cho thuê. Giá bán căn hộ tại dự án này chỉ 14 triệu đồng/m2, rẻ hơn khá nhiều dự án mở bán gần đây. Giá cho thuê là khoảng 61.000 đồng/m2/tháng (chưa bao gồm VAT).

Hay một trường hợp khác là dự án khu nhà ở xã hội Bamboo Garden do Tập đoàn CEO làm chủ đầu tư tại huyện Quốc Oai. Với 432 căn, trong đó có 346 căn để bán và 86 căn cho thuê và giá bán căn hộ tại dự án này chỉ gần 10 triệu đồng/m2 nhưng dự án này cũng phải trải qua 23 lần mở bán mới hết.

Nguyên nhân vì sao?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 – một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các dự án nhà ở xã hội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới nghịch lý nơi thì tranh nhau mua, nơi thì mở bán hàng chục lần không hết. Trong đó, mỗi dự án “ế ẩm” lại có các nguyên nhân khác nhau.

Theo ông Quê, thông thường có 2 đối tượng mua dự án nhà ở xã hội là công nhân khu công nghiệp và người dân ở các khu đô thị. Khi người dân hoặc công nhân đông thì nhu cầu nhà ở xã hội nhiều, thì việc bán nhà sẽ nhanh và ngược lại.

“Nay tôi có đi Bắc Giang, đến một khu công nghiệp có hàng trăm nghìn công nhân. Tôi có xem một dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 10.000 căn hộ, trong đó giai đoạn 1 có hơn 2.000 căn và họ đã bán được khoảng 50%”, ông Quê nói.

Còn đối với các dự án “ế ẩm”, ông Quê chia sẻ, ở Hà Nội có một số dự án có thời gian bán hàng khá dài. Với dự án của Tập đoàn CEO ở Quốc Oai, lý do là khoảng cách địa lý từ dự án đến trung tâm (BigC chẳng hạn) đã rơi vào 20km. Dù tiện ích và chất lượng xây dựng tốt nhưng dự án này phải mở bán gần 30 lần mới hết. Lý do của sự ế ẩm này là khoảng cách nơi ở và đi làm quá xa, nên người mua không mặn mà.

Còn đối với dự án AZ Thăng Long, ông Quê cho hay, đây là dự án có vị trí thuận lợi hơn, nếu lấy Cầu Giấy làm trung tâm đến dự án thì chỉ khoảng gần 10km. Tuy nhiên, dự án này bán chậm không phải do vị trí dự án mà do tiến độ thi công cũng như năng lực của chủ đầu tư. Việc không bán được hàng chủ yếu là lo ngại của người dân về tiến độ bàn giao.


Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Còn với một số dự án ở các địa phương, ông Quê cũng nêu rằng, ở một số “thủ phủ” công nghiệp như Bắc Ninh, Bình Dương chẳng hạn, nhà ở xã hội bán cho người dân thì trôi chảy, nhưng xây bán cho công nhân thường bị “ế”. Nhu cầu của công nhân là rất lớn nhưng tài chính của họ eo hẹp và tuổi lao động của công nhân khu công nghiệp cũng khá ngắn. Do đó, họ cân nhắc việc gắn bó với công việc ở đây hay chuyển công việc khác, hoặc về quê nên ít chọn mua nhà.

“Chúng ta cũng đang vướng một vấn đề là nhà ở xã hội cho công nhân khác với nhà ở xã hội cho người dân. Điều này xảy ra tình trạng người dân ở xung quanh khu vực đó có nhu cầu nhưng không được mua, mà chỉ công nhân mới được mua. Đây cũng là một lý do khiến việc một số dự án nhà ở xã hội không bán được”, ông Quê nói.

Ngoài ra, theo ông Quê, ở một số địa phương khác, chung cư vẫn còn là điều xa lạ trong sự lựa chọn của người dân, vì người dân vẫn thích ở nhà đất hơn. Thêm nữa, giá đất ở nhiều địa phương này còn rẻ, trong khi chi phí xây dựng chung cư cũng khá cao. Ví dụ Quy Nhơn chẳng hạn, đây là địa phương có dân số trong thành phố không nhiều nhưng lại có nhiều dự án nhà ở xã hội mọc lên, dẫn đến thừa nguồn cung. Một số doanh nghiệp mở bán nhiều năm vẫn không bán hết.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng chia sẻ, nhu cầu của người dân về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng có sự khác nhau về khu vực. Ví dụ các dự án nhà ở xã hội ở Quốc Oai thì chỉ có những người làm việc ở gần khu vực đó sẽ mua, còn người phải làm việc ở trung tâm thì không mua vì xa xôi. Hơn nữa, hạ tầng giao thông một số khu vực chưa đồng bộ, đi lại chưa thuận tiện và các tiện ích chưa đầy đủ nên khách hàng chưa lựa chọn. Nếu những yếu tố này được hoàn thiện thì các dự án sẽ thu hút.

Thanh Long
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Một số dự án treo bất ngờ được thoát "khai tử" nhờ Hà Nội tung "phao cứu sinh"

Gặp khó với "danh phận", Condotel cắt lỗ cả tỉ đồng nhưng thanh khoản vẫn mất hút

Quy định cấm bán bảo hiểm "gắn" dịch vụ ngân hàng: Doanh nghiệp bảo hiểm muốn có hướng dẫn cụ thể

Thương mại điện tử bùng nổ, nhà phố cho thuê đìu hiu, ế ẩm

Kỳ điều hành ngày 4/7: Giá xăng dự báo tăng lần thứ 4 liên tiếp

Chung cư mở mới tại Hà Nội đã có giá vượt 80 triệu đồng/m2

Ninh Bình - Hải Phòng "bắt tay" phát triển cao tốc mới trị giá 7.000 tỷ đồng

Loạt cảnh báo từ Ngân hàng Nhà nước cần biết, trong đó có hạn chế sử dụng wifi công cộng khi giao dịch

Tin mới cập nhật

Một số dự án treo bất ngờ được thoát "khai tử" nhờ Hà Nội tung "phao cứu sinh"

12 giờ trước

Quy định cấm bán bảo hiểm "gắn" dịch vụ ngân hàng: Doanh nghiệp bảo hiểm muốn có hướng dẫn cụ thể

12 giờ trước

Gặp khó với "danh phận", Condotel cắt lỗ cả tỉ đồng nhưng thanh khoản vẫn mất hút

12 giờ trước

Tập đoàn Foxconn tiếp tục rót thêm 551 triệu USD đầu tư phát triển công nghệ tại Việt Nam

12 giờ trước

Thương mại điện tử bùng nổ, nhà phố cho thuê đìu hiu, ế ẩm

1 ngày trước