Nghịch lý Nhà ở xã hội Hà Nội: Nơi tranh nhau mua, nơi rao bán chục năm vẫn ế
Theo Vietnamnet, ngày 20/5, có thể thấy hàng chục nghìn người xếp hàng dưới cái nắng gắt của Hà Nội từ sáng sớm tại Nhà thi đấu quận Cầu Giấy để chờ đợi được bốc thăm quyền mua nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Dự án này có chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS (đại diện Liên danh chủ đầu tư Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS và Công ty CP Đầu tư và xây dựng số 4)
Kể từ khi có thông báo, dự án nhà ở xã hội này đã thu hút hàng nghìn hồ sơ đăng ký mua. Dù đây là dự án nhà ở xã hội có mức giá dự kiến cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội, hơn 19,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT) cộng thêm phí bảo trì hơn 371.000 đồng/m2.
Để sở hữu căn nhỏ nhất với diện tích 69,9m2 ở đây thì người mua phải chi ra số tiền khoảng 1,39 tỷ đồng, còn căn lớn nhất diện tích 76,8 m2 là 1,52 tỷ đồng. Đối với những người thuê nhà, mỗi tháng sẽ phải bỏ ra khoảng 7 triệu đồng vì mức giá cho thuê dự kiến là 99.081 đồng/tháng/m2 (đã bao gồm VAT và chi phí bảo trì).
Người dân đang đua nhau nộp hồ sơ để mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn khiến việc bốc thăm nhận quyền mua căn hộ có tỷ lệ “chọi” còn khốc liệt hơn cả thi đại học. Chỉ có 149 hồ sơ trong tổng 1.300 hồ sơ được chọn theo hình thức bốc thăm, tỉ lệ chọi gần 1/9. Như vậy, sẽ có 1.151 hồ sơ “bị loại”, không có quyền mua căn hộ.
26 lần mở bán vẫn chưa hết hàng
Trái với tình cảnh sôi động ở trên, thì thị trường vẫn còn những dự án nhà ở xã hội quá “ế ẩm”, khi mở bán tới lần thứ 26 vẫn còn hàng tồn. Đơn cử như dự án Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Đây là dự án của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long. Ở lần mở bán gần nhất và ký hợp đồng đã là lần thứ 26, trong suốt 4 tháng qua, dự án vẫn còn 42 căn hộ chưa mở bán và 86 căn hộ chưa được thuê.
AZ Thăng Long có quy mô 1.496 căn hộ, trong đó gồm 264 căn bán thương mại; 911 căn nhà ở xã hội để bán và 321 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê.
Dự án này có tên thương mại là Bright City, vốn là một dự án nhà ở thương mại, nhưng trong suốt quá trình triển khai, dự án đã nhiều lần “đắp chiếu”. Để giải cứu dự án, chủ đầu tư đã xin chuyển sang làm dự án nhà ở xã hội vào năm 2014 để được hưởng các ưu đãi, nhất là gói vay tín dụng 30.000 tỷ đồng. AZ Thăng Long bao gồm 4 tòa chung cư A1.1, A1.2, A2 và A3.
Kể từ lần mở bán đầu tiên vào năm 2015 tới nay, dự án này mới bán được 869 căn nhà xã hội và 235 căn nhà cho thuê. Điều đáng nói là giá bán của căn hộ nhà ở xã hội tại đây chỉ hơn 14 triệu đồng/m2 (chưa gồm thuế VAT và 2% phí bảo trì). Giá thuê dự kiến hơn 61.000 đồng/m2/tháng (chưa gồm thuế VAT).
Một dự án nhà ở xã hội khác là Bamboo Garden thuộc khu đô thị Sunny Garden City ở Quốc Oai (Hà Nội) có chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn CEO cũng phải mở bán tới 20 lần.
Khu nhà ở xã hội này vốn là dự án thương mại nhưng được doanh nghiệp xin chuyển đổi thành NOXH vào năm 2014. Dù Bamboo Garden được bán vào thời điểm gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng đang triển khai nhưng trái với tình cảnh khách hàng tranh nhau mua thì dự án lại không nhận được sự quan tâm của người dân.
Hơn 400 căn hộ của dự án trầy trật mở bán tới lần thứ 19 vẫn còn cả trăm căn hộ ế và tiếp tục phải mở bán tới lần thứ 20. Giá bán căn nhà ở xã hội tại đây chỉ 9.960.000 đồng/m2 (gồm thuế VAT và phí bảo trì). Còn giá cho thuê là 48.000 đồng/m2/tháng (gồm thuế VAT và phí bảo trì).
Nghịch lý đến từ đâu?
Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - Ông Nguyễn Chí Thanh cho biết, vấn đề kiên quyết đầu tiên vẫn là “vị trí”. Theo vị này, dự án khu vực Trung Văn gần với trung tâm Hà Nội. Người dân có mức thu nhập trung bình trong thành phố rất đông. Với bối cảnh giá nhà hiện nay đều trên 30 triệu đồng/m2 thì để mua một căn nhà ở xã hội là ước mơ của nhiều người. Vì vậy, NHS Trung Văn rất thu hút khách mua.
“Còn với dự án tại Quốc Oai, Hoài Đức… thì khá xa trung tâm, người dân khó có thể từ khu vực đó để đi làm ở trung tâm. Quá xa và bất tiện về phương tiện giao thông thì chắc chắn người dân sẽ ít chọn. Với các dự án cách nội thành thì phải 5 - 10 năm nữa, khi Hà Nội phát triển giao thông công cộng tốt hơn, đường vành đai 4 hoàn thiện… sẽ hot trở lại” - Ông Thanh phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia, ngoài việc phát triển hạ tầng, phương tiện giao thông công cộng thì cần phát triển những dự án nhà ở xã hội với quy mô lớn từ 50 - 100ha trở lên.
Những dự án được quy hoạch gắn với các trục giao thông chính của thành phố như tàu điện trên cao, tàu điện ngầm và đáp ứng đủ các tiện ích siêu thị, trường học, bệnh viện… thì chắc chắn người dân có thu nhập trung bình sẽ đến ở đông hơn.