Người dân vẫn khó mua nhà ở xã hội dù có nhiều ưu đãi
BÀI LIÊN QUAN
Sau hơn 1 tháng, gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội chưa giải ngân đồng nàoĐề xuất gói vay lãi suất dưới 3%/năm cho công nhân mua nhà ở xã hộiLương 7 triệu/tháng, bao lâu mua được nhà ở xã hội?Tập trung nguồn lực phát triển
Ngày 19/5 vừa qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 phê duyệt đề án của Bộ Xây dựng.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đã đặt ra quan điểm và mục tiêu cụ thể. Đó là phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ ở các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030, hoàn thành 634.000 căn, đồng thời giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội cụ thể cho các địa phương theo từng giai đoạn.
Trước đó, hồi đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 486 về mức lãi suất cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở, với lãi suất chỉ 4,8%/năm.
Cụ thể, mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội (NOXH), xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở là 4,8%/năm. Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10.5-31.12.2024.
Theo Báo cáo vừa được Bộ xây dựng công bố, tính đến ngày 18/5/2023, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 19.516 căn và đang tiếp tục triển khai thêm 294 dự án với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn. Hiện tại, Chính phủ cũng đưa ra nhiều ưu đãi về nguồn vốn cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu mua nhà ở giá rẻ của người dân.
Khó mua nhà ở xã hội
Sau nhiều năm tích góp, đầu tháng 4 vừa qua, anh Lê Hoàng Thế Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đã quyết định nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội tại Hà Nội. Ngoài việc khâu làm hồ sơ phức tạp, anh còn bị choáng ngợp với số lượng hồ sơ đăng ký với chủ đầu tư trước đó.
“Sau khi đọc được thông tin mở bán dự án nhà ở xã hội này ở trên báo, tôi đã đi nộp hồ sơ ngay. Tuy nhiên, trước đó đã có rất nhiều người nộp hồ sơ đăng ký. Với tỷ lệ chọi cao như vậy, tôi nghĩ khả năng mình có thể mua được một căn nhà trong khu vực này rất thấp”, anh Thế Anh chia sẻ.
Có thể thấy, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi dành cho người mua nhà ở xã hội nhưng trên thực tế, người mua nhà vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận phân khúc này.
Theo bà Trang Bùi – Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, để được mua nhà ở xã hội, người mua cần nằm trong diện ưu đãi, kèm thêm thỏa mãn một số điều kiện về thu nhập, diện hộ gia đình. Kể từ khi được luật hóa từ năm 2005, những quy định về người sở hữu cũng như nhà phát triển được cấp phép đã có nhiều thay đổi. Một số chính sách ưu đãi nhà ở xã hội từ năm 2013 vẫn giữ nguyên cho đến nay là miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, giảm 50% thuế GTGT và TNDN, được hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ.
Các điều luật về nhà ở xã hội cũng đã được thay đổi một số điểm quan trọng để phù hợp với nhu cầu người dân cũng như giúp khuyến khích chủ đầu tư xây dựng loại tài sản này. Từ năm 2023, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha (hoặc 2 ha) trở lên tại các đô thị loại 3 (hoặc loại 1) không còn phải dành 20% diện tích đất ở trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội như trước. Các chủ đầu tư thương mại sẽ không còn chịu trách nhiệm về việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội hoặc đóng góp để phát triển nhà ở xã hội.
Dù luật dành cho nhà phát triển đã có nhiều thay đổi nhưng về phía người mua nhà ở xã hội vẫn còn nhiều khó khăn bất cập. Trong quá trình đăng ký mua nhà, người mua phải chờ bốc thăm và nộp nhiều loại giấy tờ chứng minh đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Quy trình kéo dài và phức tạp này khiến việc tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó khăn đối với những người dân có nhu cầu thực sự và cấp bách về nhà ở. Kiểm tra lý lịch cũng là một điểm đang quan tâm vì đã có trường hợp các chủ đầu tư bán các đơn vị nhà ở xã hội cho những người không thuộc danh sách đủ điều kiện.
Nhu cầu về nhà ở rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản cũng như tăng trưởng kinh tế. Đối với các chủ đầu tư dự định tham gia vào lĩnh vực này trong thời gian tới, việc cân bằng giữa giá bán, chất lượng công trình và các yếu tố bền vững là vô cùng quan trọng. Điều quan trọng đối với các nhà phát triển là tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiên cứu khả thi trước khi bắt đầu dự án.
“Nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy nhà ở giá rẻ là rất đáng khen ngợi. Quỹ đất sẵn có, kết nối cơ sở hạ tầng, chính sách tốt hơn và cơ cấu tài chính là những điều cần thiết để tạo lực đẩy cho phân khúc này phát triển trong thập kỷ tới”, bà Trang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia của Cushman & Wakefield Việt Nam còn đưa ra dự báo, năm 2023, thị trường Hà Nội dự kiến sẽ chào đón 6.117 căn nhà ở xã hội tại 11 dự án. Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến xây dựng thêm 3.800 căn tại 6 dự án, theo số liệu từ đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.