Ngày đầu tiên của năm 2023, khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam
BÀI LIÊN QUAN
Phê duyệt đầu tư hơn 19.500 tỷ đồng làm cao tốc Bảo Lộc - Liên KhươngChia 729km dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông thành 25 gói thầuHoàn thành 4 dự án thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông vào cuối năm 2022Rút ngắn một nửa thời gian chuẩn bị
Theo tuoitre.vn, tại họp báo thông tin về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ tổ chức lễ khởi công 12 dự án theo hình thức kết nối trực tuyến. Trong đó 3 điểm cầu chính tại Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hậu Giang và 9 điểm cầu tại các tỉnh khác, 2 điểm tại Hà Tĩnh, 2 điểm tại Phú Yên, 1 điểm tại Quảng Bình, 1 điểm tại Quảng Trị, 1 điểm tại Bình Định, 1 điểm tại Khánh Hòa, Cà Mau.
Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 với tổng chiều dài 729 km, chia thành 12 dự án thành phần, tổng mức đầu tư sơ bộ 146.990 tỷ đồng. Dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025, đưa vào khai thác và vận hành từ năm 2026.
Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết Bộ đã hoàn thành đủ điều kiện để khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Như vậy, kể từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đến khi khởi công là gần 1 năm, thời gian chuẩn bị đã rút ngắn được 1 một nửa so với việc thực hiện thủ tục theo trình tự thông thường.
"Đây là dự án liên kết nhiều nhất đến các tỉnh, thành phố trên cả nước, hành lang kinh tế quan trọng nhất trong các trục vận tải Bắc-Nam của nước ta”, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
Các đơn vị từ tư vấn, ban quản lý dự án, địa phương và nhân dân vùng dự án đã thực hiện khối lượng công việc khổng lồ để hoàn thành công tác chuẩn bị dự án. Cùng với đó là năng lực của các nhà thầu tham gia dự án. Việc triển khai dự án thể hiện sự quyết liệt của ngành giao thông vận tải đối với cao tốc Bắc Nam phía Đông theo phương châm thay đổi tư duy, cách làm để có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Ông Lê Quyết Tiến, quyền Cục trưởng Cục quản lý đầu tư xây cho biết, 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông đã chọn được các liên danh nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật. Các nhà thầu mạnh, có năng lực, kinh nghiệm được lựa chọn qua hình thức chỉ định thầu cơ bản. Đồng thời, các nhà thầu được nhận hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu xây lắp phải có uy tín trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông và có tình hình tài chính lành mạnh, không để nhà thầu yếu kém tham gia dự án.
Gỡ khó nguồn vật liệu xây dựng
Tại họp báo, những khó khăn liên quan đến nguồn vật liệu xây dựng dự án đặc biệt là cát, đắp đất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng được thông tin. Theo ông Nguyễn Tiến Minh, Cục phó Cục Đầu tư xây dựng, , Nghị quyết của Quốc hội cũng như Chính phủ cho phép sử dụng cơ chế đặc thù nâng công suất các mỏ tối đa lên 50% và khai thác các mỏ mới giao cho nhà thầu triển khai để giải quyết nguồn vật liệu cho các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nguồn cát và cả những địa phương không có nguồn vật liệu.
Đối với đoạn tuyến Hậu Giang - Cà Mau, dự kiến sẽ triển khai sử dụng cát biển đắp đường. Sau khi thử nghiệm sẽ có đánh giá để khoanh vùng cấp mỏ khai thác cát biển đưa vào sử dụng. Dự kiến cuối năm 2023 mới có đủ điều kiện để đánh giá về việc sử dụng cát biển thay thế vật liệu đắp đường. Trong thời gian trước mắt vẫn sử dụng cát sông khi thi công cao tốc. Ông Minh khẳng định, các cơ chế đặc thù được áp dụng hoàn toàn đáp ứng yêu cầu vật liệu thi công cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2.
Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn-Bộ Quốc phòng) cho biết, Binh đoàn 12 với vai trò là nhà thầu xây lắp của Quân đội đã tham gia 4 gói thầu của các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, gói thầu lớn nhất tại dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang.
Theo Đại tá Ngọc để đảm bảo tiến độ dự án, các yếu tố vật liệu rất quan trọng. Bởi riêng dự án Cần Thơ - Hậu Giang cần trữ lượng cát khoảng 18,5 triệu m3, tuy nhiên trữ lượng mỏ được cấp hiện rất hẹp. “Phải có sự quan tâm vào cuộc và chia sẻ của địa phương thì mới triển khai được. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải đã trực tiếp làm việc với 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng xác định trữ lượng tại 3 địa phương này”, ông Ngọc cho hay.
Nhà thầu, chủ đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với các tỉnh trong khu vực để xác định trữ lượng cát thực hiện dự án của địa phương. Kết quả cho thấy các địa phương đáp ứng được trữ lượng vật liệu nhưng lượng cấp phép cho các mỏ còn thấp. An Giang là một trong các địa phương khẳng định sẽ mở rộng cấp phép cho các mỏ để đáp ứng yêu cầu dự án.
Nhà thầu xây lắp của Quân đội cam kết tăng cường phối hợp với địa phương, ban quản lý dự án và Bộ Giao thông Vận tải để sớm có quyết định cấp phép mở rộng mỏ, đủ điều kiện sẽ thi công dự án ngay. Còn trước mắt, sẽ lấy nguồn vật liệu tại các mỏ của doanh nghiệp địa phương đang khai thác, sau đó chủ động khai thác các mỏ.
Một dự án khác thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được khánh thành vào ngày 31/12/2022 là cao tốc Cam Lộ - La Sơn tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong cùng ngày, 3 dự án thành phần sẽ thông xe kỹ thuật gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45; Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.