Năng lực nghề nghiệp là gì? Làm cách nào để cải thiện năng lực nghề nghiệp?
BÀI LIÊN QUAN
Bệnh nghề nghiệp là gì? Những bệnh nào thì được hưởng trợ cấpNgành nghề tiếng Anh là gì? Những mẫu câu trong tiếng Anh về nghề nghiệpCá tính là gì? Cá tính ảnh hưởng như thế nào đến nghề nghiệp của bạn?Năng lực nghề nghiệp là gì?
Năng lực nghề nghiệp là khả năng hoàn thành công việc được giao. Trong đó, năng lực nghề nghiệp được thể hiện thông qua khả năng áp dụng kiến thức, kỹ năng của cá nhân vào công việc, tốc độ xử lý công việc, hiệu quả công việc và cách xử lý khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra.
Những người có năng lực nghề nghiệp cao thường được các công ty, doanh nghiệp trọng dụng, được đồng nghiệp ngưỡng mộ, có sự nghiệp thành công và thăng tiến nhanh chóng. Năng lực càng cao càng chứng tỏ bạn phù hợp với công việc. Tuy vậy, không phải ngành nghề nào cũng có một tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp giống nhau. Tùy theo đặc thù công việc, các công ty sẽ đòi hỏi ứng viên đáp ứng những năng lực khác nhau.
Ví dụ những người có đầu óc sáng tạo, trí tưởng tượng bay bổng, khả năng cảm thụ màu sắc tốt thường làm trong những ngành có thiên hướng nghệ thuật như họa sĩ, biên kịch. Trong khi đó những công việc như kế toán, nhân viên xuất nhập khẩu lại đòi hỏi ứng viên có khả năng tính toán số liệu chuẩn xác, lập danh sách thống kê bảng biểu…
Trong quá trình học tập, các trường lớp hay khóa học chỉ cung cấp cho bạn kiến thức nền tảng. Vậy nên, để có đủ năng lực làm việc, bạn cần tự trang bị các kỹ năng cần thiết liên quan tới ngành nghề bạn đang theo đuổi, thông qua việc trực tiếp tham gia vào các công việc thực tế, tự học hỏi từ những người có kinh nghiệm trong ngành, biết rút ra bài học cho bản thân sau khi gặp phải những mặt hạn chế, lỗi sai trong quá trình làm việc.
Năng lực nghề nghiệp sẽ chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Năng lực cá nhân có thể đi theo hướng chuyên nghiệp hơn nếu bạn chăm chỉ rèn luyện, học hỏi và cũng có thể giảm sút trầm trọng nếu bạn quá tự tin với trình độ hiện tại của bản thân mà không cải thiện kỹ năng, bổ sung kiến thức.
Năng lực nghề nghiệp cũng không bắt buộc bạn phải học trong trường lớp chính quy. Hiện nay, có rất nhiều sinh viên ra trường nhưng lại chọn những công việc khác hoàn toàn với những kiến thức mà họ được đào tạo. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng tới việc đánh giá năng lực của họ cao hay thấp. Chỉ cần có niềm đam mê, biết trau dồi học hỏi, bạn vẫn hoàn toàn có thể theo đuổi ngành nghề mà bạn yêu thích.
Phân loại năng lực nghề nghiệp cơ bản
Năng lực nghề nghiệp cơ bản được phân chia thành 4 năng lực chính, bao gồm:
- Năng lực nhận thức: Trong công việc, năng lực nhận thức thể hiện qua cách mà bạn tư duy xử lý vấn đề, sức sáng tạo cũng như khả năng quan sát, bao quát công việc.
- Năng lực chuyên môn: Bao gồm mức độ kiến thức chuyên môn mà bạn đạt được, những kỹ năng bổ trợ có liên quan tới quá trình xử lý công việc. Năng lực chuyên môn càng cao, bạn càng có khả năng giải quyết vấn để nhanh gọn và đạt được hiệu quả công việc tốt.
- Năng lực tổ chức - quản lý: Đây là kỹ năng giúp bạn sắp xếp và giải quyết công việc theo trình tự hợp lý, hạn chế lãng phí thời gian, hoàn thành công việc một cách khoa học. Nếu bạn là cấp lãnh đạo, thì đây lại càng làm một năng lực quan trọng không thể thiếu, vì khi đó bạn mới có thể quản lý công việc ở mức bao quát nhất, phân bố công việc cho các cá nhân, phòng ban một cách hợp lý.
- Năng lực giao tiếp - lãnh đạo: Đây được coi là một tố chất quan trọng giúp bạn thăng tiến trên con đường công danh, sự nghiệp.
Tầm quan trọng của năng lực nghề nghiệp
Trong bất kỳ ngành nghề hay lĩnh vực nào thì năng lực nghề nghiệp cũng đóng một vai trò quan trọng, quyết định bạn có phù hợp với công việc đó hay không, bạn có thể thăng tiến trong tương lai hay không. Nếu bạn không đủ năng lực, bạn sẽ không thể nào hoàn thành công việc, thậm chí có thể mang lại những tổn thất đến cho doanh nghiệp. Đồng nghĩa là bạn sẽ mãi dậm chân tại chỗ mà không có một bước phát triển nào trong sự nghiệp của mình.
Vậy nên, trước khi lựa chọn theo đuổi một công việc nào đó, hãy chắc chắn bạn có đủ năng lực nghề nghiệp cơ bản của ngành nghề đó.
Năng lực nghề nghiệp nên được bồi dưỡng từ lúc nào?
Năng lực nghề nghiệp giúp một người định hướng được công việc mà họ sẽ theo đuổi và gắn bó trong tương lai. Vậy nên, xác định khả năng trong một lĩnh vực nào đó càng sớm sẽ giúp bạn không bị mất phương hướng trong việc lựa chọn nghề nghiệp, tránh tốn thời gian và công sức.
Các bậc cha mẹ có thể tìm hiểu và phát hiện những khả năng nổi trội của con cái từ đó định hướng nghề nghiệp cho trẻ trong độ tuổi từ trước 11 tuổi cho đến 18 tuổi, trong đó được chia ra làm 3 giai đoạn chính:
- Trước 11 tuổi: Đây là khoảng thời gian mà các bé thường tò mò tìm hiểu về thế giới xung quanh. Các bé trong độ tuổi này thường đưa cho bố mẹ rất nhiều câu hỏi về mọi thứ, mọi vấn đề trong cuộc sống. Bố mẹ cần đưa ra được câu trả lời dễ hiểu, dễ hình dung nhất vì nhận thức của các con trong thời kỳ này còn hạn chế. Đây chính là thời điểm tuyệt vời để bồi dưỡng niềm đam mê cho con.
- Từ 11 đến 17 tuổi: Trong giai đoạn này, bố mẹ hãy dành thời gian lắng nghe con cái để biết trẻ thích gì, có khả năng gì nổi trội, phù hợp với lĩnh vực nào. Nếu được, các bậc phụ huynh hãy tạo cơ hội cho con trải nghiệm trong môi trường nghề nghiệp thực tế, để con có thể hình dung ra công việc mà con sẽ tiếp xúc sau này.
- Từ 17 đến 18 tuổi: Đây là thời điểm các con đứng trước quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời: học đại học, cao đẳng, trường nghề để tiếp tục theo học kiến thức chuyên môn, lấy bằng cấp hay trực tiếp tham gia vào công việc, tự tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Trong giai đoạn này, bố mẹ đừng áp đặt mong muốn của bản thân, ép con phải theo học ngành nghề mà con không muốn. Hành động đó có thể khiến con bỏ lỡ đi cơ hội phát triển bản thân của mình.
Cách cải thiện, rèn luyện năng lực tùy thuộc từng ngành nghề
Mỗi ngành nghề lại có phương pháp rèn luyện năng lực chuyên môn khác nhau. Dưới đây là một số ngành nghề đang nhận được nhiều sự quan tâm và cách giúp bạn cải thiện năng lực phù hợp với từng ngành.
Ngành giáo dục
Mang trên vai trách nhiệm cao cả là "trồng người", ươm mầm tài năng và phát triển thế hệ trẻ, giúp các em trở thành công dân có ích cho xã hội, những thầy cô giáo luôn phải đảm bảo mình có năng lực nghiệp vụ cao.
Đầu tiên, giáo viên phải là người có nền tảng chuyên môn vững chắc theo đúng môn học mà họ đảm nhiệm, có vậy mới có thể truyền tải kiến thức một cách chính xác nhất đến cho học viên. Bên cạnh đó, họ cũng phải luôn làm mới bản thân và cập nhật những thông tin cũng như những kỹ năng nghề nghiệp cần có để phù hợp với phương pháp giảng dạy mới, duy trì hứng thú của học sinh với việc tiếp nhận kiến thức.
Ngành công nghệ thông tin
Trong xã hội hiện nay, ngành công nghệ thông tin hay còn gọi là IT đang trở thành “vùng đất hứa”, thu hút một lượng lớn lực lượng lao động muốn tham gia, đồng nghĩa với đó là tính cạnh tranh trong nghề cũng rất cao. Để trở thành một kỹ sư IT, bạn phải có khả năng chuyên môn vượt trội, chịu được áp lực và có khả năng thích ứng nhanh trước những thay đổi và phát triển chóng mặt của ngành công nghệ thông tin.
Hãy đảm bảo bạn luôn cập nhật được những xu hướng công nghệ mới nhất, không để mình trở thành kẻ lạc hậu trong ngành. Không chỉ chú trọng rèn luyện kiến thức chuyên môn, bạn nên dành thời gian đầu tư học ngoại ngữ để đọc các tài luyện chuyên môn, các phần mềm chuyên dụng vì đa số chúng đều được viết hoặc mã hóa bằng ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh.
Tóm lại, bạn chỉ có thể gặt hái được thành công trong ngành nghề mình đang theo đuổi bằng cách sở hữu năng lực nghề nghiệp cao. Mong rằng, các thông tin trong bài đã phần nào giúp bạn tự đánh giá năng lực của bản thân, từ đó áp dụng được chúng vào công việc. Chúc bạn thành công!