"Năm nay lấy đủ lương là may lắm rồi, không dám mong thưởng Tết!"
BÀI LIÊN QUAN
Thưởng Tết Quý Mão 2023 của nhiều doanh nghiệp được “hé lộ”Doanh nghiệp cố gắng duy trì thưởng Tết cho người lao động dù gặp nhiều khó khănHai thái cực về thưởng Tết 2023: Nơi phấn khởi, nơi vẫn trông mongNợ lương phổ biến, không mong có thưởng Tết
Ông Nguyễn Văn Huynh, đại diện một công ty xây dựng cho biết từ đầu năm đến nay, các hoạt động kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn.
“Do nguồn cầu bất động sản ảm đạm nên các chủ đầu tư không thực hiện chào thầu, đấu thầu các gói thầu mới. Công ty chúng tôi cũng gặp khó trong việc tìm kiếm các hợp đồng thi công công trình gối đầu trong năm tới, trong khi các công trình đang thi công đã xong và sắp xong”, Huynh nói.
Về dòng tiền, Huynh cho biết có sự trì trệ do room tín dụng bị siết chặt, tính thanh khoản của các dự án kém, việc thanh toán của chủ đầu tư cho nhà thầu thi công cũng gặp nhiều khó khăn… Những điều này ảnh hưởng chung đến việc quay vòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cũng như vận hành bộ máy nội bộ.
“Việc ngưng đọng dòng tiền cũng gây khó khăn thanh toán cho các đối tác cung cấp vật tư, vật liệu cũng như nhân công dẫn đến khiếu kiện và việc công nhân đình công, bỏ việc gây thiệt hại cho công ty”, Huynh nói và cho biết việc nợ lương, chậm lương không phải bây giờ mới diễn ra mà đã diễn ra từ đầu năm, là tình trạng chung của các nhà thầu xây dựng trong năm nay.
Nghiêm trọng hơn, Huynh cho biết “làn sóng bỏ nghề” trong môi trường xây dựng cũng đang diễn ra, vì gần như đơn vị nào cũng nợ lương, rất nhiều người chán nản đã bỏ việc.
“Năm nay thì xác định lấy được đủ lương là tốt lắm rồi chứ không mong có thưởng hay tháng 13 nữa”, Huynh cho biết và chia sẻ rằng hiện tại doanh nghiệp đang cơ cấu lại bộ máy, sáp nhập phòng ban cũng như cắt giảm nhân sự để giảm thiểu tối đa chi phí.
Nhà thầu khó khăn cũng kéo theo hàng nghìn tổ đội xây dựng khó khăn. Chia sẻ với phóng viên, một số tổ đội xây dựng từ các địa phương cũng cho rằng tình hình năm nay khó khăn hơn nhiều.
Lê Văn Thanh mang theo một tổ thợ từ Thanh Hóa ra Hưng Yên làm thầu phụ cho một số công trình, tuy nhiên, Thanh cho biết năm nay việc thanh toán tiền diễn ra rất chậm, thậm chí còn bị nhà thầu trừ nhiều khoản tiền.
Ngoài ra, Thanh cho biết tổ thợ của mình chỉ 10-20 người nhưng để nhận được việc cũng phải thành lập công ty, kéo theo rất nhiều chi phí liên quan từ thuế, bảo hiểm….
“Để nuôi thợ và trang trải các chi phí này, chúng tôi có lúc phải vay lãi nóng bên ngoài với lãi suất cao, hoặc vay mượn từ người thân, bạn bè rất nhiều. Thậm chí nhiều lúc thợ ứng tiền nhưng không thể xoay sở được cho thợ, đành chấp nhận có lúc thợ “bỏ” mình”, Sơn nói.
Nhà thầu xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản
Theo khảo sát của Vietnam Reaport, trên 20% số dự án/hợp đồng của các nhà thầu xây dựng bị chậm tiến độ hoặc ảnh hưởng chi phí do đại dịch COVID-19; đồng thời biến động giá nguyên vật liệu tăng phi mã càng tạo thêm gánh nặng đối với doanh nghiệp.
Khảo sát cũng cho thấy hơn 70% số nhà thầu xây dựng cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng việc hạn chế dòng tiền trong giao dịch bất động sản; 60% nhà thầu bị ảnh hưởng do tâm lý thận trọng trong hoạt động đầu tư vào thị trường địa ốc.
Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cũng thực hiện khảo sát với trên 2.000 nhà thầu xây dựng cho thấy, quy mô vốn chủ yếu của doanh nghiệp là dưới 100 tỉ đồng. Do đó, quan hệ giữa nhà thầu và chủ đầu tư thường không bình đẳng, chỉ rất ít nhà thầu làm được công trình đòi hỏi chất lượng cao, thi công phức tạp mới có thể đàm phán, còn lại đa số khó kiếm được hợp đồng.
Do vốn nhỏ, hoạt động xây dựng ban đầu dựa trên vốn tạm ứng của chủ đầu tư (thường chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị gói thầu), sau là vốn vay, làm xong 1-2 tháng mới được quyết toán. Như vậy, nếu công trình tạm ngưng hoặc giãn tiến độ, nhà thầu sẽ dễ rơi vào trạng thái thiếu hụt tài chính.
Ngoài ra, gần như tất cả các nhà thầu xây dựng, từ doanh nghiệp nhỏ đến các tập đoàn lớn đều có nợ đọng, nhiều nhà thầu gặp tình trạng “nợ chồng nợ”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến người lao động, kiệt quệ sức khỏe doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Tấn Lực, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho hay việc thị trường bất động sản đóng băng dẫn các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đang tháo gỡ nhưng chưa có thêm tín hiệu mới. Điều này cũng kéo theo việc các doanh nghiệp xây dựng do đó dẫn đến tình trạng khó khăn.
Ông Lực cho biết một trong những khó khăn lớn nhất liên quan đến vấn đề tín dụng khi lãi suất hiện nay tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận, nhất là những tháng cuối năm cần phải đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, doanh nghiệp phải bỏ vào lượng tiền đầu tư vào lớn. Do đó doanh nghiệp gặp rất nhiều áp lực.
“Sau khi đại dịch COVID-19 mới qua, kinh tế chưa hồi phục, doanh nghiệp xây dựng vốn đã khó khăn từ đại dịch lại gặp tiếp những khó khăn từ thị trường bất động sản đóng băng. Nếu tình trạng này không được cải thiện thì sẽ có nhiều doanh nghiệp xây dựng rơi vào cảnh phá sản”, ông Lực nói.
Đơn giá lạc hậu, chưa làm đã biết lỗ
Chia sẻ về vấn đề đầu tư công, ông Lực cho hay các địa phương muốn phát triển thì phải lên kế hoạch đầu tư, vốn lại phân kỳ theo kế hoạch thì không bao giờ đi kịp tiến độ công trình.
“Muốn đẩy nhanh tiến độ thì doanh nghiệp phải đầu tư vốn vào, nhưng bỏ vốn vào thì doanh nghiệp hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề nguồn vốn. Chưa kể, nạn chiếm dụng vốn, nợ đọng cũng khiến các doanh nghiệp gặp thêm nhiều áp lực”, ông Lực nói bày tỏ “tha thiết mong Chính phủ tháo gỡ khó khăn về vấn đề tín dụng cho doanh nghiệp”.
Nói với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ, ngành xây dựng hiện đang tập trung giải ngân vốn đầu tư công và các công trình hạ tầng kỹ thuật đang là khối lượng công việc lớn nhất của các nhà thầu xây dựng hiện nay, bởi các công trình vốn ngoài ngân sách với vốn FDI đang chậm lại, rất ít. Tuy nhiên, công việc từ đầu tư công đang rất nhiều vướng mắc.
Ví dụ, về đầu tư công hạ tầng kỹ thuật, hồ sơ chuẩn bị của bên thiết kế, tư vấn thiếu sót, lủng củng, dẫn đến những phát sinh, mà việc thi công dự án vốn đầu tư công mà có phát sinh thì giải quyết rất vất vả.
“Chủ đầu tư cũng sợ trách nhiệm nên họ ngại ký các phát sinh, dẫn đến việc quyết toán chậm hẳn lại”, ông Hiệp nói.
Ông Hiệp cho rằng các nhà thầu xây dựng là lực lượng cuối cùng sử dụng vốn đầu tư công, vì vậy nếu các nhà thầu thực hiện được khối lượng lớn tức giải ngân sẽ nhanh. Tuy nhiên, hệ thống đơn giá định mức của Việt Nam đang áp dụng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, không đầy đủ và lạc hậu, không phù hợp thực tế khiến các nhà thầu quá thua thiệt.
Chia sẻ cụ thể hơn, ông Hiệp cho biết đối với các công tác đã có trong định mức của Bộ Xây dựng nhưng khi áp dụng đơn giá đầu vào, nhân công, máy của địa phương để lập dự toán công trình thì quá thấp so với thực tế doanh nghiệp phải chi trả.
“Đơn giá ca máy thậm chí chúng ta dùng của Nga ngày xưa nên rất lạc hậu. Do đó, nhiều đơn vị thị công mới chuẩn bị nhận gói thầu đã thấy lỗ rồi, nhưng vì không có việc làm nên họ buộc phải nhận, dù nhận làm rất khó khăn. Chưa kể còn phải để lại phí bảo trì, bảo hành, việc chỉ định thầu còn phải giảm giá 5%...”, ông Hiệp nêu.
Ông Hiệp cũng nêu ví dụ, công tác đắp nền đường đơn giá là 16.000đ/m3 thực tế phải thuê khoán là 30.000đ/m3; công tác đắp cấp phối đá dăm theo định mức dự toán là 35.000đ/m3 giá thực tế thi công là 120.000đ/m3; công tác đóng cọc bê công cốt thép theo định mức là 55.000đ/m3 giá thi công thực tế tế là 150.000đ/m3.
Đặc biệt, ông Hiệp cũng cho rằng đơn giá nhân công cũng hết sức bất hợp lý do các thông số thanh toán dựa trên hệ thống tiền lương cơ bản 2019, thậm chí tới đây còn tăng lương nên cho đến nay đơn giá nhân công sai lệch rất lớn so với thực tế.
Cụ thể, đơn giá nhân công 3.5/7 nhóm 2 là 235.000đ/công trong khi đơn giá thuê khoán hiện nay khoảng 450.000- 600.000đ/ngày hoặc đơn giá lương kỹ sư bậc 2 là 6 triệu đồng/tháng trong khi thực tế khoảng 20 triệu. Sắp tới nếu hệ thống tiền lương được cải tiến thì việc thay đổi đơn giá tiền lương cho công trường càng cần gấp rút hơn!
Ngoài ra, ông Hiệp cũng cho biết một số công tác chưa có trong định mức. Ví dụ: công tác lắp đặt cáp treo cầu dây văng, cầu dây võng, công tác gia công lắp đặt vòm cầu thếp, khoan cọc qua hang động casteur, rút cừ ngầm trong nước…Nguyên nhân do trước đây chúng ta còn lạc hậu trong công nghệ xây dựng nên chưa có các định mức này.
Về giá cả vật liệu, ông Bùi Tấn Lực cũng cho rằng cần phải thông báo giá kịp thời hơn để điều chỉnh cho phù hợp. Một số công trình cần chuyển sang kêu gọi mời thầu có điều chỉnh giá, còn nếu cứ đấu thầu như trước đây mà không có điều chỉnh giá thì doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ nặng nề khi giá cả biển động mạnh.
Theo ông Bùi Tấn Lực, ngoài giá cả, tín dụng, vấn đề chính sách cũng có nhiều bất cập, cần phải tháo gỡ cho doanh nghiệp. Ví dụ, trong đầu tư công, thủ tục rất rườm rà, thời gian hoàn thiện hồ sơ chiếm 2/3 thời gian.
“Thủ tục triển khai có khi phải qua nửa năm 2023 mới xong thiết kế dự án, rồi mới triển khai đấu thầu. Sau đó rơi vào mùa mưa, doanh nghiệp không thể thi công được. Mà không thi không được thì không nhận được vốn của ngân sách, doanh nghiệp rất khó khăn. Do đó, cần rút ngắn thời gian về thủ tục hành chính, để công trình được triển khai sớm”, ông Lực nói.
Nhanh chóng điều chỉnh đơn giá, ban hành cơ chế tổng thầu
Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng về việc cần khẩn trương xây dựng bổ sung và điều chỉnh lại hệ thống đơn giá định mức xây dựng hiện nay. Vừa qua Bộ Xây dựng đã có công văn giao Viện thiết kế xây dựng phối hợp với Hiệp hội tổ chức triển khai việc này.
Tuy nhiên theo quy định tại Nghị đinh 10/2021 ngày 9/2/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, các định mức này cần được lập mới trình cơ quan chuyên môn thẩm định, phê duyệt làm cơ sở xác định giá xây dựng công trình và khi triển khai áp dụng cần kiểm chứng trong thực tế để điều chỉnh bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống định mức theo quy định.
Vì vậy có thể thấy rõ việc lập mới và điều chỉnh được hệ thống định mức hiện nay sẽ mất rất nhiều thời gian (có thể hàng năm) nên trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế, dự toán và thi công hiện nay sẽ rất khó ban hành kịp để có thể điều chỉnh được. Thực tế, các định mức xây dựng hiện nay được ban hành theo hình thức Thông tư, không phải là các quyết định như trước đây vì vậy trình tự ban hành một Thông tư sẽ càng lâu hơn.
“Từ việc thiếu hụt một số định mức, đơn giá, một số thì bất cập so với thực tế do các địa phương công bố đơn giá) nên các nhà thầu đang rất khó khăn. Có nhà thầu như Vinaconex vừa bắt đầu triển khai gói thầu cao tốc Mai Sơn – Quế Lộ khi so sánh đơn giá gói thầu được duyệt và chi phí thực tế phải triển khai đã thấy chắc sẽ phải lỗ khoảng 40% nhưng không làm thì không có việc cho cán bộ nhân viên”, ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, hiện nay theo quy định chỉ định thầu – các gói thấu được chỉ định ở giai đoạn 2 đều phải tiết kiệm cắt giảm 5% so với dự toán gói thầu! Đây cũng sẽ là một khó khăn nữa cho các nhà thầu trong việc tính toán chi phí vì bản thân các đơn giá định mức đã thấp và thiếu hụt như vậy nay lại tiết kiệm thêm 5% sẽ là khó chồng thêm khó.
“Chính vì những lý do trên nên một số công ty xây dựng xác định là không tham gia nhận thầu các công trình vốn đầu tư công vì tâm lý e ngại này mặc dù công việc giờ cũng rất khó khăn. Để đẩy mạnh việc giải ngân đầu tư công, bên cạnh các chỉ đạo của Chính phủ về chuẩn bị ngân sách, giải phóng mặt bằng, chúng tôi cho rằng cần có biện pháp giải quyết rốt ráo để đầu ra của vốn ngân sách ở các dự án đầu tư công được lưu thông nhanh chóng”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Cụ thể, cần nhanh chóng điều chỉnh và bổ sung hệ thống đơn giá định mức hiện nay. Cụ thể cần có kế hoạch rà soát phân loại các đơn giá, định mức để có kế hoạch bổ sung ngay trong quý 1/2023 cho kịp triển khai các dự án hiện nay. Bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng cho các gói hạ tầng.
Ngoài ra, có quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các Ban Quản lý dự án, Chủ đầu tư để xử lý việc điều chỉnh, giải quyết các việc phát sinh, điều chỉnh các gói thầu song song với việc tập trung cải thiện chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế, dự toán của các gói thầu. Đồng thời, cần nghiên cứu ban hành cơ chế tổng thầu, cơ chế liên danh, cơ chế xét thầu phù hợp cho các gói thầu xây dựng hạ tầng lớn sắp đến (sân bay Long Thành) để tập hợp được sức mạnh của các nhà thầu Việt Nam.