Mặt bằng bán lẻ TP Hồ Chí Minh hút khách thuê quốc tế
BÀI LIÊN QUAN
Bản tin BĐS 17/10/2022: Giá thuê mặt bằng bán lẻ khu trung tâm Hà Nội tăng mạnhHà Nội: Mặt bằng bán lẻ khu trung tâm tăng giá mạnh Thương hiệu bán lẻ Nhật Hàn "săn" mặt bằng tại TP HCM, chiếm tới gần ½ diện tíchSức hút của mặt bằng bán lẻ vùng trung tâm
Báo cáo thị trường của Savills Việt Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, 44% diện tích mặt bằng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh được lấp đầy bởi các thương hiệu thời trang, dịch vụ ăn uống. Nhiều trung tâm thương mại hoạt động lâu năm như Diamond Plaza, Hùng Vương Plaza đang được cải tạo lại để phục vụ nhu cầu của khách thuê.
Cũng trong khoảng thời gian này, nguồn cung mặt bằng bán lẻ TP Hồ Chí Minh có xu hướng dịch chuyển ra ngoài vùng trung tâm. Tỷ lệ lấp đầy nguồn cung đạt 92%, giữ ổn định so với quý trước nhưng giảm -2% theo năm. Dự báo, đến năm 2025, thành phố sẽ có thêm 27 dự án mới, cung cấp ra thị trường khoảng 398.000 m2 mặt bằng mới.
Báo cáo thị trường của CBRE Việt Nam cũng cho thấy, trong quý III/2022, những thương hiệu thời trang, dịch vụ ăn uống chiếm 87% số lượng khách thuê mặt bằng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh. Trong đó, ngành ăn uống liên tục dẫn đầu số lượng khách hàng hỏi thuê từ đầu năm đến nay.
Cũng theo CBRE Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh trong quý vừa qua cũng có nhiều diễn biến tích cực. Cụ thể, các trung tâm thương mại nằm trong trung tâm thành phố luôn có tỷ lệ lắp đầu cao trên 90%. Còn mặt bằng bán lẻ, trung tâm mua sắm ở khu vực ngoài trung tâm thành phố cũng tăng lần lượt là 89%, 94%.
Theo ghi nhận của phóng viên, bắt đầu từ quý II/2022, một loạt “ông lớn” đang hoạt động trong ngành bán lẻ đã liên tục khai trương thêm các cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh. Đơn cử, tháng 4 vừa qua, thương hiệu thời trang Uniqlo đã khai trương thêm một cửa hàng tại Saigon Centre. Tiếp đến, một nhà bán lẻ quốc tế được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng là Muji cũng mới khai trương thêm một cửa hàng ở Crescent Mall, quận 7.
Đặc biệt, “ông lớn” bán lẻ AEON cũng đang có kế hoạch mở rộng cửa hàng vào cuối năm 2025. Theo đó, thương hiệu này sẽ mở rộng chuỗi bán lẻ có quy mô nhỏ, tăng từ 6 lên 16 trung tâm thương mại trong tương lai.
Lượng khách hàng tăng cao khiến giá chào thuê mặt bằng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh liên tục lập đỉnh. Những mặt bằng bán lẻ dạng nhà phố nguyên căn ở quận 1, quận 2, quận Bình Thạnh đang được chào thuê với mức giá 17.000-18.000 USD một tháng. Mức giá này đã tăng khoảng 15% so với thời điểm đầu năm nay.
Một số mặt bằng thuộc dạng nhà phố, nguyên căn nằm ở phường Bến Nghé, quận 1 cũng đang có xu hướng tăng giá so với hai quý đầu năm 2022. Mặc dù, hiện tại lượng khách hỏi thuê mặt bằng kinh doanh đang tăng cao nhưng do có những đặc thù riêng nên loại hình nhà phố ở đây vẫn kén khách thuê, tỷ lệ lấp đầy chưa cao.
Các trung tâm thương mại thuộc khu vực đất vàng của thành phố TP Hồ Chí Minh với mức giá đang dao động ở mức 130-150 USD/m2/tháng đang được nhiều khách hàng tìm thuê săn đón, Còn ở những trung tâm thương mại nằm ở khu vực rìa thành phố thì lại rơi vào tình trạng ế ẩm, giá cho thuê chỉ khoảng 40 USD/m2/tháng nhưng vẫn không có khách hàng quan tâm.
Rào cản từ tình trạng lạm phát
Đưa ra nhận định về thị trường mặt bằng bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, bắt đầu từ tháng 10/2021, Việt Nam đã nới lỏng các lệnh giãn cách xã hội. Đến tháng 3/2022, các lĩnh vực kinh tế của nước ta đã hoạt động bình thường trở lại, các hoạt động giao thương tương đối thuận lợi.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, các hương hiệu quốc tế lớn đã tham gia vào thị trường Việt Nam và đang tìm kiếm các mặt bằng. Cho nên, thị trường mặt bằng bán lẻ ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nhà Trang có những khởi sắc rất rõ rệt.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chịu nhiều hệ lụy của đại dịch Covid-19. Khi hoạt động trở lại, họ vẫn chưa kịp bắt nhịp với tốc độ phát triển của nền kinh tế. Cho nên, thị trường mặt bằng bán lẻ cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều. Điển hình, ở TP Hồ Chí Minh, trong thời gian vừa qua, một số mặt bằng nằm các các con phố lớn như Lê Lợi, Đồng Khởi, Phan Xích Long,... bị bỏ trống rất nhiều vì tình hình kinh doanh của các đơn vị bán lẻ gặp khó khăn.
Theo ông Khương, điểm sáng của thị trường hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh và đều có chiến lược thuê mặt bằng trong thời gian dài hạn. Đây là một động lực phát triển cho thị trường bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn trên cả nước trong thời gian tới.
Còn theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam, nhờ sự quan tâm của các nhà bán lẻ quốc tế, thị trường mặt bằng bán lẻ sẽ khởi sắc trong thời gian tới. Dự báo giá chào thuê ở những khu vực trung tâm sẽ tiếp tục đà tăng mạnh. Tuy nhiên, lạm phát sẽ khiến nhiều người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và đà tăng trưởng sẽ không cao như kỳ vọng.
Các chuyên gia của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam dự báo, từ nay đến hết năm 2022, trước áp lực của tình hình lạm phát trên thế giới, xu hướng tăng lãi suất và chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu, thị trường mặt bằng bán lẻ sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng giá. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng bán lẻ vẫn ở mức cao nhờ sự xuất hiện của các thương hiệu quốc tế. Và các trung tâm thương mại đang được vận hành bởi các thương hiệu lớn như Vincom, Lotte, AEON Mall, Central Group,... sẽ có tỷ lệ lấp đầy cao.