Lối đi nào cho thị trường bất động sản trong năm mới?
BÀI LIÊN QUAN
Một năm lao đao vì đầu tư vội vãTâm lý nhà đầu tư chờ giá bất động sản giảm nhiệt cuối năm“Cánh cửa ngày một hẹp” đối với những người mua nhà ở thựcNhìn lại những biến động năm qua
Theo đánh giá chung của các chuyên gia, thời gian qua thị trường bất động sản đã trải qua những biến động khôn lường, đón nhận nhiều yếu tố tiêu cực như nguồn cung nhà ở khan hiếm, giá nhà tăng cao, bong bóng bất động sản,…
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, từ những áp lực của lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng, giá nguyên vật liệu tăng cộng với nguồn cung nhà ở ít ỏi đã đẩy giá bất động sản lên cao bất thường như trong thời gian qua. Điều này đã làm vượt khả năng của nhiều người có nhu cầu mua nhà ở, dẫn đến thanh khoản yếu.
Đặc biệt là cơ cấu nguồn cung trên thị trường không hợp lý, dư thừa những sản phẩm hạng sang, phục vụ chủ yếu để đầu tư. Hiện nay, thị trường đang rất thiếu vắng nhà bình dân, nhà giá rẻ, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội… nên khi tình trạng thắt chặt tiền tệ diễn ra càng gây nhiều khó khăn trong việc cải thiện nguồn cung.
“Đầu năm 2022, dòng tiền hướng chủ yếu vào hoạt động đầu tư, đầu cơ do được bơm vào thị trường một cách ồ ạt, không kiểm soát. Điều này cũng tạo nên những cơn sốt đất, bong bóng bất động sản ở một số khu vực. Ngay lúc đó, ngân hàng Nhà nước “đột ngột” đạp phanh đã hạn chế lại hết mọi hoạt động của thị trường, khiến doanh thu các doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng”, ông Đính nhận định.
Ông Đính cho biết thêm, vấn đề tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như khách hàng còn hết sức khó khăn. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp không thuận lợi, tỷ lệ phát hành thành công rất nhỏ. Điều này dẫn đến nhiều dự án bất động sản đã phải tạm dừng hoạt động, xuất hiện nhiều hơn hiện tượng chào mời, chuyển nhượng dự án.
“Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bất động sản và kinh doanh dịch vụ bất động sản phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự”, ông Đính cho hay.
Cũng theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do hệ thống pháp luật còn nhiều điểm bất cập, chồng chéo, bộc lộ những dấu hiện không còn phù hợp, không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường. Điều này cũng góp phần tạo nên những điểm nghẽn trên thị trường bất động sản.
Hiện nay, nhiều dự án bất động sản đang gặp khó khăn trong quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án dẫn đến kéo dài thời gian, công tác giải phóng mặt bằng phức tạp. Nhiều dự án bị tạm dừng, không theo kịp tiến độ làm ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở.
Bên cạnh đó, các hoạt động của thị trường bất động sản còn nhiều thiếu sót, chưa minh bạch rõ ràng, chưa kiểm soát tốt các hoạt động của các sàn giao dịch, môi giới bất động sản dẫn đến tình trạng thị trường nhiễu loạn như trong thời gian qua.
Cần kê đúng "liều thuốc" cho thị trường bất động sản
Theo ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, nguồn vốn dành cho bất động sản rất quan trọng. Việc khơi thông dòng vốn là điều cần thiết tuy nhiên việc khơi thông như thế nào, giải pháp khơi thông ra sao thì cần phải bàn bạc.
“Chúng ta ví dòng vốn như dòng máu trong cơ thể. Khi cơ thể nghĩa là thị trường bất động sản gặp vấn đề về sức khỏe thì cần tìm ra phương pháp để chữa trị. Do đó, điều đầu tiên là cần có những đánh giá, chuẩn đoán bệnh tình cho chính xác thì mới có thể kê liều thuốc phù hợp với bệnh tình, để có thể vừa chữa được bệnh mà không gây ra tác dụng phụ nào khác”, ông Dũng ví von.
Do đó, theo ông Dũng, thị trường bất động sản đang rất cần những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn đã và đang diễn ra trên thị trường, nhưng điều quan trọng là cần phải đề ra những giải pháp có mức “liều lượng” ra sao.
Ông Dũng cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp và làm việc cùng với các địa phương, doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc hiện tại để đưa ra nhưng đánh giá chính xác, phù hợp với thực tiễn để đưa ra giải pháp cho thị trường bất động sản. Cụ thể:
Thứ nhất, cần phải đẩy nhanh hơn nữa và gia tăng nguồn cung bất động sản trên thị trường. Để tháo gỡ được những khó khăn như dự án được chấp thuận nhưng trong quá trình triển khai còn gặp khó khăn, vướng mắc về trình tự thủ tục pháp lý, thủ tục giải quyết của địa phương,… thì địa phương cùng với các bộ, ban ngành cần phải rà soát các danh mục dự án này. Giải quyết các vướng mắc của những dự án còn dang dở, nhanh chóng đưa dự án vào triển khai để gia tăng nguồn cung cho bất động sản.
Thứ hai, tiếp tục triển khai các dự án mới thông qua các hình thức đấu giá, đấu thầu dự án, giao đất để triển khai dự án mới.
Trong quá trình gia tăng nguồn cung bất động sản, cần có những giải pháp điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm bất động sản để phù hợp với nhu cầu của người dân thì mới tăng được tính thanh khoản bất động sản, khi ấy hoạt động của thị trường sẽ ổn định hơn.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân,… sao cho phù hợp với mức thu nhập bình quân của người dân hiện nay. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện đề án từ nay đến 2030, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Thứ ba, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh rất cần những giải pháp căn cơ lâu dài. Chú trọng đến việc hoàn thiện thể chế, các quy định pháp luật, hành lang pháp ý phù hợp với tình hình xã hội và tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định./.