“Cánh cửa ngày một hẹp” đối với những người mua nhà ở thực
BÀI LIÊN QUAN
Liệu đất nghỉ dưỡng ven đô có "nhộn nhịp" trở lại vào dịp cuối năm nay?Biến động các kênh đầu tư, có tiền nên bỏ vào đâu?Môi giới bất động sản ồ ạt xuống đường chèo kéo khách do thị trường tiêu thụ ế ẩmĐau đầu bài toán đi tìm mua chung cư tầm trung
Quỹ đất sạch tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đều đang cạn kiệt. Trong khi các dự án xây dựng mới thì bị gián đoạn do còn vướng một số thủ tục pháp lý, hoặc tiềm lực nguồn vốn còn yếu. Nhiều người mua không đợi được dự án mới buộc phải chuyển hướng sang tìm những căn hộ đã hiện hữu, lâu đời.
Tuy nhiên, giá của các căn hộ cũ tại các khu trung tâm đều đang ở mức khá cao do nguồn cung các dự án mới đang bị hạn chế, chi phí đầu vào tại các dự án cũng tăng không ngừng từ giá đất đến giá nguyên vật liệu,… cho đến giá bán căn hộ sơ cấp đều đang tăng. Điều này dẫn đến việc người mua vừa phải mua giá nhà cao, vừa không có nhiều sự lựa chọn trong việc tìm mua được nhà như ý.
Theo khảo sát của PV, thị trường giá nhà ở Hà Nội dù cao nhưng vẫn thu hút được đông đảo khách hàng quan tâm, tập trung chủ yếu tại các căn hộ có diện tích từ 65 – 90 m2, mức giá thấp nhất rao động từ 29 triệu – 35 triệu đồng/m2. Thực tế là những căn hộ có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 hầu như đã biến mất, trong khi mức giá tại tất cả các phân khúc đều bị đẩy lên từ 3 – 5 triệu đồng/m2.
Hiện nay, giá của phân khúc trung cấp đã tăng tương đương phân khúc cao cấp cho dù chất lượng không mấy có sự thay đổi. Do đó, người mua nhà ở hiện nay đang phải bỏ ra số lượng tiền cao gấp nhiều lần so với dự trù tài chính của họ nếu muốn sở hữu chung cư tốt hoặc họ phải chấp nhận đánh đổi các tiện ích để mua nhà ở với mức giá thấp hơn.
Chán cảnh thuê nhà, gia đình chị Bích Liên (Hà Nội) dù đã tích góp gần 8 năm nhưng mới được khoảng 2 tỷ đồng và muốn mua một căn hộ tại Hà Nội để ổn định cuộc sống hơn. Nhưng tưởng chừng với mức tiền này, chị Liên có thể tìm mua được một căn nhà ưng ý, thế nhưng tìm "đỏ mắt” cũng chẳng được căn hộ nào, hay thậm chí căn nhà cũ nào trong ngõ sâu.
“Gần 9 tháng ròng rã, hai vợ chồng tôi đi tìm mua nhà mà đến giờ vẫn cảm thấy bất lực vì không thể chọn được căn hộ vừa ý tại khu vực gần trung tâm. Căn nào mà vừa túi tiền thì thời gian tồn tại cũng ngót nghét trên 10 năm, còn những dự án mới hơn thì cần phải dồn thêm ngân sách khá nhiều mà lại còn xa trung tâm, không thuận tiện cho việc đi làm của vợ chồng tôi cũng như việc đi học của các cháu”, chị Liên tâm sự.
Đồng cảnh ngộ, anh Lê Hiệp (Thanh Xuân, Hà Nội) dù đã biết trước giá nhà tại trung tâm tăng cao nên anh chuyển hướng tìm sang những dự án ven đô, cụ thể là huyện Hoài Đức nhưng giá nhà tại đây cũng cao ngất ngưởng khiến anh không khỏi choáng ngập.
“Tôi đã tính trước là tài chính của mình không đủ mua nhà ở trung tâm nên tìm sang các quận vùng ven. Nhưng dù đã về tận Hoài Đức, mà giá căn hộ tại đây cũng cao không kém gì trung tâm thành phố, có dự án lên tới trên 50 triệu đồng/m2. Còn một số căn hộ tại quận Nam Từ Liêm thì giờ phải gọi đây là khu vực nhà ở cao cấp bởi toàn các dự án bán với mức giá thấp nhất trong khoảng từ 40 – 50 triệu đồng/m2 trở lên,… hay như dự án mới mở bán tại Long Biên dạo gần đây cũng có mức giá từ 42 triệu đồng/m2 cho một căn hộ 70 m2".
Anh Hiệp chia sẻ thêm, trước áp lực tăng giá “chóng mặt” của các chung cư hiện nay thì buộc mức dự trù tài chính của người dân phải tăng lên theo, điều này đồng nghĩa phải chấp nhận áp lực lớn hơn để trả nợ. “Điều này thực sự là quá khó so với những người làm văn phòng có mức lương từ 10 – 20 triệu đồng/tháng như chúng tôi. Các dự án từ cũ cho đến mới thi nhau đẩy giá nhà tăng, tình trạng này nếu kéo dài khéo tôi buộc phải đi thuê nhà suốt đời mất thôi".
Cuối năm 2023, các chuyên gia dự báo sẽ có thêm nguồn cung các dự án mới, tuy nhiên đa số nguồn cung mới này lại đến từ các phân khúc cao cấp, hạng sang trong khi nhà ở giá rẻ, tầm trung đáp ứng như cầu ở thực của người dân thì rất ít ỏi.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay có khoảng 6000 căn, tỷ lệ bán được chưa bằng ¼ so với năm 2018 – 2019. Tình trạng lệch nguồn cung đang tiếp tục diễn ra khi nhiều căn hộ hạng B nhiều hơn căn hộ hạng C.
“Giá nhà chung cư vẫn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Hiện nay, các đơn vị đầu tư và phát triển dự án ngày càng đề cao yếu tố về chất chất lượng, chú trọng về vị trí, điều kiện bàn giao thuận lợi và được đầu tưu bài bản về tiện ích dịch vụ. Đây là những yếu tố góp phần làm tăng giá chào bán của căn hộ trong thời gian tới”, bà Hằng cho biết.
Đâu là giải pháp cho những người muốn mua nhà ở?
Theo ông Hoàng Quốc Tuấn, đại diện văn phòng bất động sản quận Long Biên, trong mức tài chính trong khoảng 2 tỷ đồng quay đầu, người mua có thể lựa chọn những dự án tập trung chú trọng vào xây dựng cơ bản, chấp nhận những hạn chế về tiện ích, dịch vụ đi kèm cũng như chất lượng quản lý vận hành. Các sản phẩm này sẽ nằm tập trung tại các khu vực như Hà Đông, Long Biên, Thanh Trì hay dọc đại lộ Thăng Long.
“Hiện nay, đã vào thời điểm cuối năm cho nên các chủ đầu tư đều mạnh tay đưa ra các chính sách ưu đãi, chiết khấu lớn cho người mua. Đây xem là cơ hội mua nhà của các căn hộ gia đình trẻ, có mức ngân sách thấp có thể săn tìm các ưu đãi này từ các dự án đang xây dựng hoặc sắp mở bán trong bối cảnh giá bất động sản không ngừng tăng. Tuy nhiên, người mua cũng nên lựa chọn những chủ đầu tư uy tín, những dự án có pháp lý hoàn chỉnh, quy hoạch bài bản, xây dựng đúng tiến độ để đảm bảo an toàn trước khi xuống tiền”, ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cho biết thêm, nếu vẫn muốn tìm kiếm các căn hộ nội đô thì khách hàng có thể tìm kiếm các chung cư cũ tại thị trường thứ cấp, những căn hộ này thường có thời gian sử dụng trên 10 năm như khu vực Hoàng Mai, Linh Đàm. Hoặc các khu tập thể cũ nội đô chưa xuống cấp quá trầm trọng, vẫn còn ở được sẽ rất thuận tiện cho việc đi lại.
Tuy nhiên đối với loại hình này, người dân nên tìm hiểu kỹ thêm thông tin về căn hộ mình định mua tránh bị đẩy giá lên cao quá, cẩn trọng kiểm tra chất lượng nhà ở kỹ càng trước khi quyết định. Do các khu chung cư này đều đã tồn tại lâu, thường là những khu đã xuống cấp, chất lượng cuộc sống không được đảm bảo, hạ tầng kỹ thuật yếu kém, an toàn phòng cháy chữa cháy không được trang bị,...
Bên cạnh đó, các chuyên gia khác cũng khuyến cáo nhà đầu tư nên cẩn thận trước khi mua chung cư cũ theo hướng đầu tư lợi dụng vào chính sách, đợi chờ được “đổi đời”. Bởi mai này, nếu như cơ chế chính sách thay đổi sẽ gây nhiều rủi ro, thiệt hại cho người mua.
Ngoài ra, Hà Nội đang có xu hướng chuyển dịch sang các khu vực vùng ven đô thị để giảm áp lực hạ tầng cho vùng trung tâm. Người mua có thể cân nhắc các dự án tại các khu vực này bởi hầu hết các dự án ở khu vực vùng ven thường đầy đủ tiện ích tích hợp, giao thông thuận tiện không kém gì vùng nội đô./.