Lĩnh vực bất động sản có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nền kinh tế
BÀI LIÊN QUAN
TS Lê Xuân Nghĩa nhận định: Sẽ không có "món quà" nào cho tín dụng bất động sản trong năm 2023Tiếp cận tín dụng bất động sản: Còn lắm gian nan“Thông” tín dụng bất động sản: Cần ưu tiên nguồn vốn cho nhà ở xã hộiTỷ trọng vay bất động sản từ 19 - 21%
Theo kinhtedothi.vn, Hội nghị Tín dụng bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào sáng ngày 8/2, với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Xây dựng, các hiệp hội bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng thương mại.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, vốn tín dụng vẫn là nguồn vốn tài trợ cho bên cung và bên cầu của thị trường bất động sản. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản năm 2022 cao hơn tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. Báo cáo của các tổ chức tín dụng cho biết, tính đến cuối năm 2022 dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 24,3% so với cuối năm 2021. Trong những năm qua, tỷ trọng cho vay bất động sản luôn cao nhất trong nền kinh tế, chiếm từ 19% đến 21%.
Tín dụng vào bất động sản chủ yếu tập trung vào nhu cầu tiêu dùng, tự sử dụng với tỷ trọng 68,7% tổng dư nợ, tăng 31,1% trong năm qua; tín dụng vào kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 31,3%, tăng 11,5%. Chia theo phân khúc, dư nợ tín dụng cho nhu cầu nhà ở chiếm 62,2%, quyền sử dụng đất chiếm 20,7%, khu công nghiệp và khu chế xuất 2,7%, nhà ở xã hội 0,7% và các lĩnh vực khác là 13,7%.
Theo ông Đào Minh Tú, năm 2022, thậm chí có những doanh nghiệp bất động sản tăng tín dụng tới hơn 300%, có những tập đoàn tín dụng tăng 68-70% trong khi tín dụng bình quân chung toàn nền kinh tế chỉ tăng 13-14%.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Một số doanh nghiệp, Hiệp hội nói Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng bất động sản, nhưng tôi khẳng định lại, Hiệp hội nói Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản hay tuyên bố nào chặt tín dụng bất động sản. Hiệp hội nói Ngân hàng Nhà nước chỉ ban hành văn bản chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số phân khúc có rủi ro cao trong bất động sản, có tính đầu cơ, các dự án lớn có nguy cơ dẫn tới bong bóng, có thể dẫn tới rủi ro an toàn hệ thống”.
Bên cạnh đó, tín dụng bất động sản dành cho người mua nhà được Ngân hàng Nhà nước xem bình đẳng như những lĩnh vực khác trong nền kinh tế, không có hạn chế nào.
Quan hệ cộng sinh
Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng là mối quan hệ cộng sinh, do đó Phó Thống đốc khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ lắng nghe các giải pháp khơi thông vốn cho thị trường bất động sản trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và tháo gỡ khó khăn cho cả 2 bên.
Trong thời gian qua, lĩnh vực bất động sản đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, vấn đề pháp lý làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Nội tại thị trường bất động sản phát sinh một số vấn đề bất cập như mất cân bằng cung cầu, cơ cấu sản phẩm trên thị trường không hợp lý, thiếu nhà ở phục vụ công nhân, nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người dân. Mặc dù cơ cấu vốn huy động của doanh nghiệp bất động sản từ nhiều nguồn khác nhau, song năm 2022, việc huy động vốn của doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán và bất động sản gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn từ tiền trả trước của người mua nhà.
Những khó khăn của thị trường bất động sản ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng tín dụng và tài sản của các ngân hàng cũng như ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Do đó, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường bất động sản và tín dụng bất động sản, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững.
Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô; điều hành chính sách lãi suất hợp lý, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân và doanh nghiệp; điều hành chính sách tín dụng hợp lý, năm 2022 đã nới tín dụng thêm 1,5 - 2%.
Triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở như dành 3.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi với tín dụng nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn và chỉ đạo các tổ chức tín dụng để 2% tiền gửi tại Ngân hàng chính sách xã hội (đạt khoảng 104.000 tỷ đồng), điều này giúp Ngân hàng chính sách có nguồn để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó có ưu đãi nhà ở xã hội.
Trong năm 2023, Phó Thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động ngay từ đầu năm để có biện pháp phù hợp.
Đồng thời, chuẩn bị các phương án sẵn sàng đón nhận tác động đột xuất từ nền kinh tế thế giới và khó khăn trong nước để có chính sách linh hoạt, phù hợp để xác định và điều hành tỷ giá, lãi suất, lượng tiền cung ứng nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế trong đó có lĩnh vực bất động sản. Nguồn vốn tín dụng sẽ được tập trung vào các dự án, phương án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, các dự án có khả năng hoàn thành, sớm đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, trả nợ vay đầy đủ và đúng hạn, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở.