Liệu ước mơ nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp có thành hiện thực?
BÀI LIÊN QUAN
"Bắt mạch" thị trường bất động sản vùng ven TP. HCM năm Nhâm DầnVề quê vợ đón Tết, nhà đầu tư chốt luôn lô đất nông nghiệp 3.000m2 chỉ với giá 600 triệu đồngGiá đất nền tại Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu vượt mốc 50 triệu đồng/m2Giá bất động sản tại những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận mức tăng mạnh sau đại dịch. Trong khi đó, nguồn cung của phân khúc nhà giá rẻ (hạng C) trong 2-3 năm qua gần như biến mất. Ước mơ nhà giá rẻ dành cho người thu nhập thấp liệu có thành hiện thực?
Đỏ mắt tìm kiếm nhà giá rẻ
Trong giai đoạn hiện nay, căn hộ chung cư được coi là phân khúc rẻ nhất để người có thu nhập thấp có thể sở hữu. Tuy nhiên lâu nay, trừ những dự án chung cư cũ, xuống cấp, cách xa trung tâm... thì trong 3 năm trở lại đây hầu như không có dự án căn hộ thương mại nào mở bán tại TP. Hồ Chí Minh có giá dưới 25 triệu đồng/m2. Điều đáng nói, dự án nhà ở thương mại bình thường cũng hiếm được mở bán do vướng vấn đề về pháp lý. Đó cũng chính là lý do khiến giá căn hộ dự án sau cứ cao hơn giá dự án căn hộ trước do chủ đầu tư không thể hạ giá và chi phí cứ thế bị đội lên cao.
Theo thống kê mới nhất từ Công ty DKRA Việt Nam, năm 2021, tính cả hai vùng phụ cận là Bình Dương và Đồng Nai thì thị trường căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh chỉ có 41 dự án mở bán (tương đương khoảng 21.138 căn), con số này chỉ bằng 70% so với năm 2020. Lượng tiêu thụ chỉ là 17.122 căn, bằng 81% nguồn cung mới và chỉ bằng 65% so với năm trước đó. Tình riêng tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung cũng như lượng tiêu thụ đều giảm mạnh so với năm 2020 trở về trước. Được biết, đây là mức thấp nhất kể từ 2015 đến nay. Trong khi đó, thị trường lại xuất hiện thêm phân khúc căn hộ hạng sang, có giá đến hơn 400 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, DKRA cũng dự báo năm 2022 nguồn cung có thể sẽ tăng nhẹ so với năm 2021, với sự ra mắt của khoảng 30.000 căn hộ, nhưng chủ yếu vẫn là ở phân khúc hạng A và B, trong khi đó nguồn cung căn hộ hạng C vẫn tiếp tục khan hiếm.
Vừa qua, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra nhiều lo ngại ngay khi kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm vượt xa mức giá bán căn hộ hiện tại trong khu vực. Bởi hiện nay, những căn hộ có mức giá 30 triệu đồng/m2 đã kiếm không ra, nên giá đất trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể tác động tiêu cực, lan tỏa đến tất cả phân khúc thị trường bất động sản, gây trở ngại vô cùng lớn cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà, trước tiên là mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, "nhà ở thương mại giá phù hợp". Đồng thời, ông Lê Hoàng Châu cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có các chính sách, cơ chế đến tài chính, lãi suất có người mua nhà cũng như người triển khai dự án.
Lóe lên tia hy vọng
Bộ Xây dựng vừa qua cũng đã kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ơ cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất... Vấn đề còn lại là triển khai và người dân thì chờ nhà giá thấp để mua.
Trong những ngày đầu năm Nhâm Dần mới đây, 3 doanh nghiệp lớn gồm: Tập đoàn Hưng Thịnh, Đồng Tâm Group, Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành đã phát triển sáng kiến nhà ở vừa túi tiền, chất lượng đảm bảo dành cho người có nhu cầu phổ thông. Giá dự kiến là dưới 25 triệu đồng/m2 tại TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai, Long An, Bình Dương,... là dưới 20 triệu đồng/m2. Ba doanh nghiệp này dự kiến sẽ cho ra mắt trước khoảng 100.000 căn hộ. Ngay sau khi ý tưởng này được công bố, nhất nhiều người, đặc biệt là người dân tại TP. Hồ Chí Minh rất đồng tình và chờ đợi.
Được biết, sáng kiến này được khởi xướng bởi ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group và ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành. Bên cạnh đó, lãnh đạo các tập đoàn này cũng mong cơ quan nhà nước các cấp cùng chung tay thực hiện để giúp những người nghèo có nhà ở.
Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh cho hay, sau đại dịch Covid-19, đời sống người dân đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là công nhân, người lao động phổ thông,... Bài toán nhà ở giá rẻ càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự chung tay với tinh thần quyết liệt, quyết tâm của doanh nghiệp cũng như các bên liên quan tìm lời giải.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng nếu không có những doanh nghiệp có tâm, hợp sức lại để triển khai nhà ở giá rẻ và lãnh đạo thành phố, cơ quan chức năng không có chính sách hỗ trợ thì sẽ không bao giờ TP. HCM có nhà ở với giá dưới 25 triệu đồng/m2.
Cần xác định lại khung gia của các nhóm căn hộ
Chia sẻ về vấn đề nhà giá rẻ, ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, năm 2022 chính là thời điểm phù hợp để định vị lại thị trường bất động sản, đưa thị trường phát triển tương xứng với tầm vóc quốc gia, bắt kịp xu hướng cùng các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore, Thái Lan,...
Ngoài ra, trong quá trình nâng cấp, định vị lại cũng cần lưu ý điều chỉnh các tiêu chí giá mới trong phân cấp loại hình căn hộ sao cho phù hợp với sự vận động của thị trường. Cụ thể, khung giá phù hợp để xác định nhóm căn hộ hạng C là dưới 35 triệu đồng/m2, căn hộ hạng B trong khoảng từ trên 35 - 60 triệu đồng/m2, căn hộ hạng A từ trên 60 - 100 triệu đồng/m2 và căn hộ hạng sang là từ trên 100 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, cũng theo ông Lâm, nhà nước cần quan tâm hơn đến việc ban hành các chương trình nhà ở quốc gia mang tính chất lâu dài như nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động,… phải gắn liền với vấn đề tài chính cho người mua nhà lần đầu. Có như vậy thì ước mơ nhà giá rẻ của người dân mới sớm trở thành thành hiện thực.