Lao đao vì vay nợ mua nhà
BÀI LIÊN QUAN
Lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu “nóng” lên TS. Cấn Văn Lực: Lãi suất không thể và không nên tăng nhanh, mạnh trong thời gian tới bởi sẽ “đè ép” doanh nghiệpLãi suất tăng nhanh chỉ trong thời gian gian ngắn
Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục đưa ra mức niêm yết lãi suất huy động ở mức rất cao. Trong đó, MSB và Techcombank là 8%/năm; Bắc Á là 8,3%/năm; Nam Á Bank, NCB và VietABank là 8,4%/năm; Kienlongbank là 8,6%/năm; ABBank là 8,8%/năm; SCB là 8,9%/năm, …
Nếu như người gửi tiết kiệm phấn khởi bởi lãi suất liên tục tăng thì bộ phận người có nhu cầu vay vốn dùng để sản xuất - kinh doanh lại rơi vào cảnh khó khăn, bởi một khi lãi suất gửi tăng thì có nghĩa lãi suất của các khoản vay cũng được điều chỉnh theo mức tăng của lãi suất huy động.
Với mức lãi suất huy động tăng cao như hiện nay, rất khó để tìm được một đơn vị cho vay mua nhà có lãi suất dưới mức 10%/năm. Bởi các khoản vay phục vụ cho việc mua nhà sẽ được tính theo lãi suất cơ sở cộng biên độ 3 - 5%/năm.
“Dở khóc, dở cười” chuyện đi mua nhà
Năm 2022, giá nhà tại Hà Nội tăng kỷ lục, nhiều nơi tăng đến 30-40% giá trị. Hầu hết người dân đều rơi vào trạng thái hoang mang khi cầm 2-3 tỷ đồng nhưng khó để mua được căn hộ ưng ý.Lãi suất leo thang, người mua nhà như "ngồi trên đống lửa"
Hiện nay, nhiều người mua nhà trả góp đang phải chịu mức lãi vay nằm ngoài dự kiến. Chính vì thế mà họ phải cân đo, đong đếm lại chi tiêu ở trong gia đình, thậm chí họ có thể đứng trước lựa chọn bán nhà.Theo đó, mức phí chi trả lãi suất của những khoản dư nợ vay cũng sẽ tăng vọt gây khó khăn cho số lượng lớn người vay nợ, nhất là với những người mua nhà đã hết thời gian ưu đãi lãi suất. Anh Lữ Thanh Đồng (Hà Nội) chia sẻ, năm 2021, gia đình anh vay 1,5 tỷ đồng để mua một căn hộ có diện tích hơn 60m2 ở Chung cư Vinhomes Smart City với mức lãi suất ưu đãi trong vòng 1 năm. Nhưng đến nay khi thời gian ưu đãi kết thúc, gia đình anh đang gồng gánh mức lãi suất thả nổi của thị trường với biên độ 3%/năm, tương đương khoảng 12%/năm.
“Quyết định mua nhà đúng thời điểm dịch Covid-19, với mức lãi suất khá thấp nằm trong khả năng chi trả. Nhưng hiện tại, sau khi ngân hàng điều chỉnh mức lãi suất, thay vì trả cả tiền lãi và gốc phải trả hàng tháng khoảng 17-18 triệu đồng/tháng thì chúng tôi đang phải trả khoản tiền lên tới 25-27 triệu đồng/tháng. Số tiền này khiến cuộc sống của gia đình tôi bị xáo trộn hoàn toàn và sẽ còn khó khăn hơn khi chỉ vợ tôi sắp đến ngày dự sinh”, anh Đồng nói.
Không chỉ anh Đồng mà còn rất nhiều người cùng chung hoàn cảnh, ngoài áp lực xăng và các khoản phí khác tăng giá, hầu như mọi khoản thu của họ sẽ chỉ đủ để chi trả tiền nhà. Thực tế cho thấy, so với đầu năm 2022, lãi suất cho vay cá nhân tại một số ngân hàng thương mại đang có xu hướng tăng từ 2 - 4%/năm. Với mức tăng này, ngân hàng sẽ phải chi trả mức lãi suất 12 - 13%/năm. Dù đã được dự báo từ trước, nhưng với đà tăng như hiện tại, hầu hết người vay nợ đều phải sống theo kiểu “thắt lưng buộc bụng” để xoay xở trả nợ ngân hàng.
“Tôi đang chịu đủ mọi loại áp lực từ tiền bạc, nhất là các từ khoản nợ vay mua nhà. 2 tháng gần đây, các thành viên trong gia đình tôi đều phải tiết kiệm tối đa các chi phí mới đủ gánh lãi. Nhưng nếu tình hình lãi suất vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới thì e rằng chúng tôi sẽ phải bán nhà để tất toán khoản vay”, chị Hoài Hương - người đã vay gần gần 2 tỷ đồng để mua nhà vào hồi đầu năm 2022.
Người giàu cũng khổ
Không chỉ nhân viên văn phòng, những người có thu nhập trung bình lao đao trong nợ nần mà ngay cả những người làm nghề kinh doanh có thu nhập ổn cũng không tránh khỏi túng khó.
Anh Quang, kinh doanh hàng đồ điện tại ngoại thành Hà Nội cho biết, các năm trước, nhờ tình hình kinh tế thuận lợi, hoạt động kinh doanh của anh đều đặn thu về mỗi tháng gần 200 triệu đồng. Trừ hết các khoản phí phục vụ sinh hoạt gia đình, tái đầu tư kinh doanh và khoản phí tích lũy tương lai, mỗi tháng anh chi thêm gần 50 triệu để trả góp cho khoản vay khoản vay 4 tỷ đầu tư mua nhà. Nhưng đến nay, lãi suất tăng khiến mức chi trả hàng tháng cho ngôi nhà kia tăng thêm hơn 20 triệu. Cục diện hiện tại, buộc anh Quang phải dùng đến tiền tích lũy và cả vốn lưu động từ hoạt động kinh doanh để chi trả. Thế nhưng, do lãi suất tăng nhanh, khiến khả năng tài chính của gia đình anh khó gồng gánh khoản vay này.
Với dự tính sau khi về nước sẽ sinh sống tại Hà Nội, vợ chồng chị Thơ (Hà Tĩnh) đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản vay 3 tỷ đồng để mua nhà. Trước đây, khi đồng Yên Nhật còn được giá, công việc thuận lợi, anh chị được xếp vào “top” những người có thu nhập ổn. Lúc này số tiền 30 triệu đồng mỗi tháng chi trả cho ngân hàng không còn là vấn đề, nhưng đến nay, khi đồng Yên giảm, lãi suất tăng, cộng thêm số tiền cho các con học trường quốc tế và rất nhiều chi phí khác khiến cuộc sống gia đình chị Thơ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Thời điểm trước, các ngân hàng tung ra hàng loạt các gói vay ưu đãi lãi suất cho người mua nhà. Nhưng đến nay, khi nguồn vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản bị hạn chế, thời gian ưu đãi của các gói tín dụng cũng kết thúc. Rất nhiều người vay nợ rơi vào cảnh lao đao do số tiền chi trả cho ngân hàng hàng tháng quá cao, đồng thời cơ hội vay mua nhà với nhiều người cũng bị thu hẹp. Dự báo trong thời gian tới, tình trạng này sẽ còn nghiêm trọng bởi một khi lãi suất huy động vốn tăng thì lãi vay cũng sẽ tăng lên.
Lãi suất tăng sẽ có hiệu quả trong việc giảm sức ép tỷ giá, giúp kiểm soát lạm phát tốt hơn. Song, nếu tốc độ lãi suất tăng nhanh như hiện tại lại đe dọa tình hình tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Và đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và ảnh hưởng nhiều nhất chính là người dân và các doanh nghiệp.