Khan cung, giá nhà phố, biệt thự, villa ven Sài Gòn tăng 15-20% chỉ trong vài tháng
BÀI LIÊN QUAN
Loạt "ông lớn" ngoại đổ bộ vào Việt Nam, phân khúc BĐS này kỳ vọng "hốt bạc""Bắt mạch" thị trường BĐS năm 2022: Sau cơn sốt đất nền, phân khúc nào sẽ đem tiền về cho nhà đầu tư?Hậu Covid-19, đây vẫn là phân khúc BĐS giúp nhà đầu tư "hái ra tiền" trong dài hạnMặt bằng giá tăng cao
Theo Nhịp sống kinh tế, sau thời gian dài thiếu hụt nguồn cung khiến thanh khoản giảm nhiệt, bất động sản liền thổ tại các tỉnh vùng ven đang có dấu hiệu lấy lại sức nóng nhờ các sản phẩm mới mở bán trở lại. Tuy nhiên, nhu cầu mua cao cũng khiến giá loại hình này tăng mạnh trong thời gian qua.
Theo ghi nhận, tại thời điểm này, trên thị trường tỉnh ven Sài Gòn chỉ có một số dự án rục rịch ra hàng, gây chú ý. Tuy nhiên, số lượng khá nhỏ giọt so với những năm trước. Chẳng hạn như tại Tân Uyên, Bình Dương, Tập đoàn bất động sản An Gia đang ra mắt 99 căn thuộc dòng sản phẩm villa, nhà phố tại khu biệt lập The Standard (Tân Phước Khánh 10).
Tại Đồng Nai, các căn biệt thự, nhà phố tại dự án Izumi City với quy mô 170ha cũng đang rục rịch ra thị trường giai đoạn 2. Được biết, giá đã tăng ít nhất 10-15% so với giai đoạn 1.
Tại Long An, Nam Long Group đang chào bán các căn Grand villa ven sông tại dự án Waterpoint 355ha với mức giá từ 23 tỷ đồng/căn. Thắng Lợi Group cũng có kế hoạch giới thiệu ra thị trường 300 căn nhà phố thương mại thuộc dự án The Diamond City. Hay, Tập đoàn Trần Anh Group cũng sắp ra mắt hơn 2.000 căn nhà phố, biệt thự tại các tỉnh như An Giang, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương.
Với lượng hàng ít ỏi, cùng với nhu cầu tăng nhịp sau Tết đã khiến mặt bằng giá phân khúc này tăng nhanh.
Theo báo cáo mới nhất tháng 5/2022 của DKRA Việt Nam, giá bán sơ cấp nhà phố biệt thự tại khu ven Sài Gòn đã ghi nhận mức tăng từ 15-20% so với giai đoạn mở bán trước đó, mỗi giai đoạn cách nhau 4-5 tháng. Trong đó, nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu,... tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm hỗ trợ dòng tiền cho khách hàng. Giao dịch chủ yếu tập trung vào những dự án đã bàn giao nhà và có hạ tầng kết nối đồng bộ.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Vietnam cho rằng, việc siết chặt dòng vốn vào hoạt động kinh doanh bất động sản khiến nguồn cung khan hiếm, giá bán tăng cao dẫn tới làm hạn chế cơ hội tiếp cận nhà ở của khách hàng, đặc biệt là những người có nhu cầu ở thực tại TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, quỹ đất tại TP. Hồ Chí Minh đang ngày càng khan hiếm cũng như giá bán ngày một tăng đã khiến một lượng lớn khách hàng chuyển sự quan tâm sang các thị trường tỉnh giáp ranh - nơi có nguồn cung đa dạng và mức giá bán còn thấp
Không chỉ giá nhà phố, biệt thự tại TP. Hồ Chí Minh tăng mà tại thị trường tỉnh, phân khúc này giá cũng biến động liên tục. Chẳng hạn, khu vực Bình Dương có giá biệt thự, nhà phố tại loạt dự án mới triển khai ghi nhận tăng 8-10%, ở mức 60-93 triệu/m2 so với giai đoạn cuối năm 2021. Tại Long An cũng ghi nhận nhiều dự án biệt thự, nhà phố điều chỉnh giá bán tăng trung bình 7-10%, trung bình 43-60 triệu/m2. Riêng tại Đồng Nai, thị trường tập trung nguồn cung biệt thự, nhà phố chính có giá biến động từ 10-12%, trung bình khoảng 60-143 triệu/m2.
Với các giao dịch thứ cấp, giá rao bán biệt thự tại nhiều khu vực tăng gần 25-30%, tập trung chủ yếu tại những dự án đã bàn giao nhà, pháp lý hoàn thiện cũng như hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi, nhất là những sản phẩm triển khai trong các khu đô thị quy mô lớn.
Đại diện DKRA Việt Nam cho biết, chi phí nguyên vật liệu tăng cùng việc siết tín dụng đã tiếp tục đẩy mặt bằng giá sơ cấp tăng lên. Mặt khác, ngược với giá tăng thì nguồn cung nhà phố, biệt thự tiếp tục sụt giảm. Chỉ những dự án đã được hình thành trước đó mở bán giai đoạn tiếp với mức tiêu thụ khá khả quan. Đơn vị này cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ tiêu thụ chung toàn thị trường liền thổ phục hồi tốt trong tháng 5/2022, chiếm khoảng 63% số lượng căn mở bán.
Những khu vực đang dẫn đầu nhu cầu thị trường hiện nay là Bình Dương và Đồng Nai. Nhu cầu tập trung chủ yếu vào các dự án quy hoạch khép kín, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu ở thực của giới chuyên gia, kỹ sư cấp cao.
Đòn bẩy tới từ hạ tầng, quy hoạch
Hiện nay, tại những khu vực có hạ tầng kết nối tốt, có thông tin quy hoạch đang tạo sức bật về thanh khoản cho các dự án bất động sản.
Chẳng hạn như khu vực Tân Uyên, Bình Dương, cùng với đề án thành lập thành phố năm 2023, nơi đây đang ráo riết triển khai các công trình hạ tầng giao thông quan trọng có thể kể đến như đại lộ Uyên Hưng - Thủ Dầu Một, đại lộ Nam Tân Uyên, Vành đai 3, Vành Đai 4, cầu Bạch Đằng 2. Cùng với đó là nâng cấp đường ĐT 747B, đường ĐT 746, Tân Phước Khánh 10, đường LKV13. Nhiều yếu tố cộng hưởng từ quy hoạch phát triển chiến lược, hệ thống tiện ích đầy đủ cho đến đầu tư nâng cấp hạ tầng đã khiến thị trường bất động sản Tân Uyên có nhiều dấu hiệu tăng nhiệt trong những tháng đầu năm.
Hay tại Đồng Nai, vừa qua, số tiền 2.600 tỷ đồng sẽ được tỉnh này đưa vào nhằm giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua địa bàn tỉnh. Được biết, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài gần 54km được Thủ tướng đồng ý đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Giai đoạn 1 sẽ triển khai làm 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư 17,837 tỷ đồng. Dự án dự định khởi công vào năm 2023 và hoàn thành vào năm 2015. Cùng với dự án vành đai 3 thúc đẩy triển khai, đã khiến thị trường bất động sản ghi nhận dấu hiệu tích cực, thu hút nhiều nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, thông tin về hạ tầng, quy hoạch là những yếu tố đòn bẩy "đắt giá" tác động rõ nét đến giá cũng như thanh khoản của thị trường bất động sản. Đây cũng là tiền đề kéo nhu cầu ở thực về cho bất động sản tọa lạc tại khu vực.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự tăng giá BĐS. Thực tế cho thấy, những con đường hay những cây cầu cứ mở đến đâu thì giá nhà đất xung quanh đều tăng đến đó. Thậm chí tăng gấp ba giá trị so với thời điểm những tuyến đường chưa kết nối, các cây cầu chưa được bắc qua sông.