Loạt "ông lớn" ngoại đổ bộ vào Việt Nam, phân khúc BĐS này kỳ vọng "hốt bạc"
BÀI LIÊN QUAN
Đầu tư hậu "sốt đất": Xây sẵn nhà để bán liệu có còn "hốt bạc"?Nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn "hốt bạc" dù khó lướt sóng BĐS: Mua lúc bình lặng, bán khi nóng sốtNhiều người "hốt bạc" nhờ xuống tiền vào đất quêGiá thuê đất khu công nghiệp tiếp tục tăng
Theo Nhịp sống kinh tế, mới đây, tại hội thảo Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam năm 2022 hầu hết các diễn giả đều cho rằng tiềm năng phát triển bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Trong đó, hai phân khúc chính được khai thác bao gồm cho thuê đất và cho thuê nhà xưởng xây sẵn.
Các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng mặt bằng giá cho thuê sẽ tiếp tục tăng, bởi nhu cầu vẫn đang tăng trong khi nguồn cung có phần hạn chế. Theo một cách tự nhiên, chi phí đền bù cũng như tiền thuê đất phải nộp tăng hàng năm cũng góp phần đẩy mặt bằng giá cho thuê tăng. Trong bối cảnh đó, VDSC tin rằng những chủ đầu tư bất động sản khu công nghiệp có sẵn quỹ đất đã đền bù giải phóng mặt bằng cũng như nộp tiền sử dụng đất sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, nhờ chi phí thấp trong khi giá thuê ngày càng tăng.
Thêm vào đó, tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn rất lớn, với tỷ lệ thâm nhập thấp và tăng trưởng cao. Hiện tại, tỷ lệ thâm nhập của thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ chỉ đạt mức 5,5%, tương đương mức của Trung Quốc cách đây 10 năm. Do đó, chuyên gia đánh giá cao những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có định hướng phát triển mảng nhà xưởng xây sẵn và có sẵn quỹ đất ở các khu vực lân cận thành thị.
Số liệu từ CBRE cho thấy, giá thuê bình quân tại các khu vực tăng lần lượt là 13%, 15% và 21% trong quý 4/2021. Còn tại các dự án khu công nghiệp trong phạm vi 1 giờ di chuyển tới trung tâm thành phố có mức giá thuê tăng từ 17% tới 32%. Tương tự, việc thiếu hụt nguồn cung cũng xảy ra ở khu vực miền Bắc.
Làn sóng FDI mới bùng nổ
Từ đầu năm đến nay, bất động sản khu công nghiệp đã đón các nhà đầu tư ngoại đổ bộ thị trường. Cụ thể, thương hiệu trang sức Pandora đã ký biên bản ghi nhớ về việc xây cơ sở chế tác trang sức mới tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP) ở tỉnh Bình Dương. Hay như Tập đoàn Framas của Đức đã thuê một khu nhà xưởng xây sẵn rộng 20.000m2 tại dự án KTG Industrial Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai). Ngoài ra, Tập đoàn Fuchs, đại gia dầu nhớt của Đức, cuối quý I vừa qua cũng công bố mở rộng hoạt động tại Việt Nam với động thái thuê khu đất rộng 20.000m2 tại Khu công nghiệp chuyên dụng Phú Mỹ 3 (PM3 SIP) ở Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng nhà máy mới.
Khu vực miền Trung cũng trở thành điểm đến hút nhiều nhà đầu tư mới như Arevo Inc. đến từ Mỹ, United States Enterprises hay Trung tâm Nghiên cứu phát triển và sản xuất Fujikin...
Trong khi đó, miền Bắc tiếp tục hút dòng vốn từ các nhà đầu tư Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản - những "tay chơi" tham gia vào thị trường từ rất sớm và không ngừng mở rộng quy mô tại các thủ phủ công nghiệp phía Bắc.
Theo các chuyên gia đánh giá, làn sóng FDI mới đang đổ bộ vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay, khi nước ta đang trở lại trạng thái "bình thường mới" và kiểm soát được Covid-19. Điều này đã mở ra cơ hội phát triển cho các thủ phủ công nghiệp trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, VDSC cho rằng, khả năng thu hút vốn FDI vẫn duy trì và sự phát triển của thương mại điện tử thúc đẩy nhu cầu thuê đất và nhà xưởng xây sẵn.
Chia sẻ với báo chí mới đây, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, nguồn vốn FDI mới đổ bộ vào khu công nghiệp Việt Nam năm 2022 đang có xu hướng phát triển theo hai nhánh. Thứ nhất là các ngành sản xuất và thứ hai là hậu cần phụ trợ, có nghĩa là bất động sản công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, logistics.
Theo bà Trang, với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư gốc Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore... và cả nhóm nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu u lần lượt xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, nhóm nhà đầu tư cập bến thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 đang có xu hướng tìm kiếm bất động sản hậu cần chất lượng ngày càng cao hơn.
Bên cạnh đó, CEO Cushman & Wakefield nhận định, thị trường logistics Việt Nam tuy vẫn còn đang trong giai đoạn đầu phát triển nhưng có nhiều tiềm năng phát triển vượt bậc trong vòng 5-10 năm nữa khi Chính phủ đẩy mạnh đầu tư hạ tầng. Cùng với đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu với thu nhập khả dụng tăng cao cùng sự lan tỏa mạnh mẽ của thương mại điện tử sẽ là những xung lực thúc đẩy thị trường logistics phát triển.
Theo Tiêu điểm ngành Công nghiệp Việt Nam quý 1/2022 do Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam thực hiện, điểm tích cực ghi nhận trong tháng 3/2022 là sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 9,2% trong tháng 2. Bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch, đây là tháng thứ năm liên tiếp sản lượng công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng dương.
Theo đánh giá của ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế cùng chiến dịch tiêm chủng thành công của Việt Nam thời gian qua đã tạo cơ sở vững chắc cho các doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào sự phục hồi của thị trường Việt Nam.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường, ông John Campbell khẳng định trong thời gian gần đây, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong những năm qua trong việc khuyến khích các công ty chuyển đến Việt Nam, đặc biệt là trong nhóm ngành có giá trị gia tăng cao. Việt Nam cũng đưa ra ưu đãi về thuế cho các công ty công nghệ hoặc R&D, năng lượng tái tạo và nông nghiệp thông minh.