Nhà đầu tư chuyên nghiệp vẫn "hốt bạc" dù khó lướt sóng BĐS: Mua lúc bình lặng, bán khi nóng sốt
BÀI LIÊN QUAN
Nhà đầu tư nắm giữ những cổ phiếu nào có thể "thảnh thơi" ngắm danh mục xanh tím giữa thị trường đỏ lửa?Thị trường lao dốc, nhà đầu tư nên hành động thế nào để tránh "mua đỉnh bán đáy"?"Ảo tưởng" giá đất tăng, nhà đầu tư "mua dễ bán khó"Nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn "hốt bạc" khi nắm được sóng của thị trường
Theo Nhịp sống kinh tế, đầu tư lướt sóng thường là sân chơi của giới đầu cơ và cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm, tài chính cũng như kỹ năng trên thị trường bất động sản. Tuy sân chơi này hiện đã khó khăn hơn, nhưng không có nghĩa là biến mất hẳn. Theo đó, nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn "hốt bạc" khi nắm được sóng của thị trường ở một vài khu vực.
Chia sẻ về vấn đề này, mới đây, nhóm đầu tư của anh Trung bán mảnh đất hơn 2.000m2 tại một xã của tỉnh Đồng Nai với mức chênh 600 triệu đồng so với giá mua vào hồi cuối tháng 3/2022. Như vậy, chỉ trong chưa đầy 1 tháng, mảnh đất vườn này đã bán ra và hưởng chênh lệch khá tốt.
Được biết, thời điểm anh Trung mua mảnh đất này có mức giá thấp hơn so với mặt bằng chung khu vực, lại có vị trí mặt tiền đẹp, nên khi ra hàng đã có khá nhiều nhà đầu tư hỏi mua lại. Anh Trung cho biết, ban đầu anh mua với dự định để đó lâu dài, nhưng có thanh khoản, nhiều nhà đầu tư hỏi mua lại với mức chênh khá tốt trong vòng 1 tháng nên đã quyết định đẩy hàng, rồi tái đầu tư mảnh khác.
Trước đó, vào tháng 1/2022, anh Tùng (sống tại TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cũng từng lời 300 triệu đồng trong vòng 4 ngày đầu tư theo dạng "lướt sóng". Với kinh nghiệm hơn 7 năm trong đầu tư bất động sản, bên cạnh việc đầu tư dài hạn, anh Tùng sẽ linh động kiếm những mảnh đất "ngon", giá mềm để lướt sóng.
Mua vào mảnh đất vườn tại Bình Thuận với giá 700 triệu đồng, sau 4 ngày rao bán, đã có nhà đầu tư chốt giá 2 tỷ đồng. Anh Tùng cho biết, thực tế hiện nay lướt sóng không còn dễ dàng nữa, tùy từng khu vực, sản phẩm hoặc thị trường mà nhà đầu tư mới ra hàng nhanh được. Có những mảnh đất, dự tính ban đầu lướt sóng nhưng mãi không ra hàng được, nhà đầu tư cũng đành phải "ôm hàng". Nhưng nếu có nguồn tài chính tốt thì việc ôm hàng chờ thời điểm cũng không phải là vấn đề.
Dưới góc độ là nhà đầu tư chuyên mua nhà cũ để cải tạo lại, anh Khiêm, sống tại quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) cũng kiếm tiền từ thị trường ngách này. Đã hơn 4 năm gắn bó với hình thức đầu tư này, dòng tiền trăm triệu sau 1-2 tháng đã mang về thu nhập ổn định cho anh Khiêm. Không những vậy, anh Khiêm còn phân bổ tiền vào kênh đầu tư đất nền tỉnh, mua lúc bình lặng, bán khi nóng sốt, cũng mang lại khoản tiền rủng rỉnh cho nhà đầu tư này.
Mua lúc bình lặng, bán khi nóng sốt
Theo ghi nhận cho thấy, khi thị trường bất động sản biến động, nhóm nhà đầu tư F0 và người có nhu cầu ở thực là những người chịu nhiều rủi ro, nhất là khi mặt bằng giá liên tục tăng. Trong khi nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp lại là những người được hưởng lợi nhiều. Đây cũng chính là đối tượng hiểu biết về thị trường, có kỹ năng vào - ra dòng tiền, đương nhiên không phải hoàn toàn thắng đậm trong tất cả các thương vụ đầu tư.
Thống kê cho thấy, nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp hiện đang gia tăng nhanh cả về số lượng cũng như khối lượng tài sản nắm giữ. Nhóm này có thế mạnh về tài chính, pháp lý, luôn hoạt động với tôn chỉ "mua khi bình lặng, bán khi nóng sốt". Nhiều nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia khuấy động thị trường để hưởng lợi từ chính điều này.
Giá nhà đất hiện nay liên tục được đẩy lên cao. Trong bối cảnh đó, giới đầu tư, đầu cơ chuyên nghiệp luôn thể hiện độ lọc lõi với các thương vụ lướt sóng kiếm bạc tỷ, trong khi người mua nhà ở thực lại gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm chốn an cư. Đồng thời, những nhà đầu tư F0 tham gia thị trường lúc biến động cũng rất dễ gặp rủi ro khi chưa có nhiều kinh nghiệm "đón sóng". Thực tế, trong các cơn sốt đất, nhà đầu tư F0 chính là những người lao vào gần đỉnh cơn sốt, ôm hàng cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, mặc dù tài chính của họ không phải thế yếu.
Mặt khác, các chuyên gia bất động sản đánh giá, hiện nay đang có hiện tượng một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đổ vào bất động sản để tìm cơ hội đầu tư cũng như tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do đại dịch thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn ở mức cao. Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Ở một vài thời điểm, dòng tiền tạm đổ vào chứng khoán, và đến nay dòng tiền lại tiếp tục trở lại kênh BĐS.
Một năm qua, dù dịch bệnh ảnh hưởng, nhưng giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng cao, dòng tiền liên tục đổ vào thị trường này, thậm chí lợi nhuận từ các kênh đầu tư khác cũng được hiện thực hóa bằng bất động sản, qua đó để thấy, tâm lý nhà đầu tư luôn tin tưởng vào bất động sản. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân, ngay cả các doanh nghiệp, khi có lợi nhuận họ cũng chuyển hướng sang đầu tư, phát triển bất động sản, có thể nói đây là một kênh đầu tư "vua", sinh lời an toàn và bền vững.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia trong ngành vẫn khuyên nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản trong thời điểm này, bởi nhu cầu tuy vẫn có, nhưng không nói trước được diễn biến kinh tế vĩ mô, nên vẫn có rủi ro đi kèm.
Với bất động sản, nhà đầu tư cần lựa chọn các dự án có tính pháp lý đầy đủ, hạ tầng hoàn thiện cũng như định hướng kế hoạch đầu tư trung và dài hạn.
"Nên hạn chế vay mượn – tránh chôn vốn. Thị trường trầm lắng thì đất nền thuộc nhóm sẽ chững lại nhanh nhất. Tính pháp lý của đất nền ở một số khu vực vẫn chưa rõ ràng khiến nhà đầu tư dễ gặp rủi ro", một chuyên gia trong ngành dành lời khuyên.