Khách sạn tại Đà Nẵng – món hời đang giảm giá
BÀI LIÊN QUAN
Đà Nẵng: Cận cảnh những bất động sản trăm tỉ nằm im chưa thể khai thácĐà Nẵng: Nguồn cung mới từ các căn hộ hạng sang hơn 100 triệu/m2Dòng tiền đầu tư dần quay trở lại thị trường bất động sản Đà Nẵng10 người mua đất thì 9 người có hộ khẩu Hà Nội
- Lô này 30 tỉ, xây lên khách sạn là đẹp, hoặc anh lấy luôn cái khách sạn kia, 60 tỉ, giá đó là giá còn giảm rồi đó, 2 năm dịch không kinh doanh được chủ muốn bán chứ trước tầm 80 tỉ đó
- Ông nghĩ tôi là người có tiền à?
- Anh lại đùa em rồi. Mấy ông mà nhìn già già, ăn vận đơn giản quần ngố dép tông kiểu đi du lịch, đi với 1 cô không biết là vợ hay bồ mà trẻ trẻ xinh xinh, lại nói giọng Hà Nội như anh thì đích thị vô đây tìm mua đất, mua khách sạn rồi, chứ mấy ai đi du lịch tầm này. Nguyên phố này, 10 cái khách sạn thì đến 9 cái chủ là người Hà Nội, mà ông chủ cái khách sạn to nhất ở đây đầu ít tóc y như anh vậy đó. Ổng mua cái đó gần 200 tỉ, trả tiền đứt một lần luôn không thèm mặc cả 1 xu...
Đây là nội dung câu chuyện của tôi sau khi đặt chân xuống sân bay, nhận phòng khách sạn rồi thong thả ra quán cafe ngồi hóng gió biển tại Đà Nẵng. Một anh có vẻ là môi giới bán chuyên, nói hơi nhiều lập tức bắt chuyện, chỉ ngay vào lô đất hiếm hoi còn chưa xây dựng trên một con phố nằm tại quận Sơn Trà. Đúng tính chất thành phố du lịch biển, cả phố san sát các khách sạn.
Sau 2 năm kể từ ngày Covid-19 xuất hiện, có thể cảm nhận rõ ảnh hưởng của đại dịch đến du lịch Đà Nẵng. Nhiều khách sạn còn đóng cửa, một số khách sạn khác đã mở cửa nhưng chỉ lác đác khách du lịch. Vợ tôi đã đặt khách sạn sát ngày lên đường nhưng hỏi ở đâu cũng còn phòng, và giá phòng thì giảm rất nhiều so với trước đây. Một phòng khách sạn đẹp, view biển chỉ có giá 800 nghìn đồng 1 đêm so với mức giá 1,8 triệu đồng trước kia. Khách sạn cắt giảm chi phí hoạt động tối đa đến nỗi không có trà, cafe sẵn trong phòng, và nước uống thì tính giá 10 nghìn đồng 1 chai chứ không có sẵn nước như trước nữa.
Chưa vào mùa hè cao điểm du lịch, “mấy ai đi du lịch tầm này” quả là câu nói cũng có phần đúng của anh chàng môi giới kia. Quán cafe có vài bàn, và người ta chủ yếu nói về bất động sản, cụ thể hơn nữa là mua bán các khách sạn. Ngay sảnh khách sạn nơi tôi lưu trú, 2 bộ bàn ghế được kê, và khách ngồi nói toàn chuyện mua bán nhà đất. Một thương vụ đặt cọc mua đất diễn ra, với người mua là một phụ nữ trung niên “ôm cục tiền” theo đúng nghĩa từ Hà Nội vào để mua đất.
Từ nhiều năm nay, Đà Nẵng với ưu thế là thành phố phát triển, đời sống cao, môi trường tốt trở thành điểm đến hấp dẫn cho cả những người muốn thay đổi môi trường sống và những nhà đầu tư. “Đất Đà Nẵng vài năm nay đi ngang, không lên giá nữa. Sốt đất ở khắp nơi nhưng đất Đà Nẵng không tăng giá nữa, vì đã tăng từ nhiều năm trước rồi. Giá đất đắt nhất là ở trục Võ Nguyên Giáp, đất ở mặt đường Võ Nguyên Giáp rơi vào khoảng 200 triệu – 250 triệu/1 mét vuông. Ở “tuyến 2”, mặt sau, tức các con đường song song với biển là 150-200 triệu/1 mét vuông. Trong các quận trung tâm, qua cầu, mặt đường lớn là khoảng 80- 100 triệu/1 mét, nhà trong kiệt (ngõ) ô tô đỗ thì 30-50-70 triệu/1 mét tùy vị trí. Nhà ở các quận trung tâm Đà Nẵng thì ổn định giá, không lên xuống là bao, người Hà Nội vào mua nhiều lắm”, Trung Trần – một môi giới bất động sản cung cấp thông tin. Hiện tại, khác các địa phương khác, đất Đà Nẵng không sốt nóng sốt lạnh mà ổn định, trong khi chung cư lại lên giá. Chị Hoài – 1 nhà thiết kế áo dài cho biết căn chung cư 110m lúc mua và bàn giao nhà cách đây 2 năm trị giá 3 tỉ đồng, giờ đang có giá bán rơi vào khoảng 5 tỉ đồng. Hồng Anh – 1 nữ ca sĩ thì vừa cùng cả gia đình chuyển vào Đà Nẵng sinh sống đã mua 1 mảnh đất gần biển giá đúng tròn 10 tỉ đồng.
“Bắt đáy” món hời đang giảm giá
Các nhà đầu tư từ Hà Nội đã không còn vào Đà Nẵng để mua đất kiểu đầu tư nữa, mà giờ chỉ tập trung vào 1 phân khúc nhỏ, một “món hàng”, đó là các khách sạn. Đặc điểm của các bất động sản này là có giá trị cao, đã được xây dựng hoàn thiện, mới hoàn toàn hoặc đã đưa vào kinh doanh và còn mới. Người sở hữu, kinh doanh khách sạn thông thường sẽ có đầu tư ban đầu lớn nhưng lâu dài. Trước đây, sẽ rất ít các bất động sản dạng này được bán, nhưng 2 năm dịch đã thay đổi tất cả. Dịch bệnh khiến dòng tiền bị ngưng bất ngờ, “về 0 chỉ sau một đêm”, và nhiều nhà đầu tư, nhiều chủ khách sạn đã gặp cơn ác mộng lớn nhất của cuộc đời, mang tên Covid-19.
“Tớ nhiều lúc đã có dấu hiệu trầm cảm, không còn cách nào khác, phải bán khách sạn, cắt lỗ, thu tiền về trả nợ ngân hàng rồi tính cách khác thôi, xót xa lắm”, đó là tâm sự của chị Hạnh – người sở hữu một khách sạn tại Đà Nẵng. 3 năm trước, vợ chồng chị dồn hết vốn liếng mua 1 khách sạn tại Đà Nẵng. Tổng giá trị khách sạn là 50 tỉ, với 20 tỉ là tiền vay ngân hàng. Năm đầu, kinh doanh rất tốt, khách sạn luôn đầy kín phòng. Nhưng dịp lễ lớn, lễ hội pháo hoa, khách sạn tại Đà Nẵng luôn “cháy” phòng. Dịp hè, muốn có phòng khách sạn phải đặt chỗ trước cả tháng. Vận hành tầm 1 năm, khi mọi thứ bắt đầu đi vào ổn định, chị Hạnh đọc được những tin tức đầu tiên về Covid-19, và sau đó thì dịch bùng phát. Có những tháng, nguyên cả khách sạn vắng không một bóng khách, chị Hạnh buộc phải đóng cửa dừng hoạt động. Nguồn tiền dự trữ được mang ra trả nợ, và dần cạn, dù ngân hàng cho vay đã có nhiều biện pháp giãn nợ hỗ trợ. Chị Hạnh đã buộc phải đi đến quyết định bán lại khách sạn, nhưng rao bán 47 tỉ mà chưa có ai mua, chỉ có khách trả tầm hơn 40 tỉ, lỗ nhiều so với ban đầu.
Thời điểm khó khăn của người này là cơ hội của người khác, không ồn ào, chủ đầu tư sẵn nguồn tiền đã lặng lẽ bay vào Đà Nẵng để mua lại khách sạn. Môi giới Trung Trần kể lại một thương vụ khách hàng mua lại 1 khách sạn giá 80 tỉ, và sau đó lại tìm được người có nhu cầu mua, bán sang tay với giá chốt là 110 tỉ, lãi luôn 30 tỉ chỉ sau 1 tháng. “Những thương vụ như này vô cùng hãn hữu”, Trung cho biết.
Trên các ứng dụng mua bán bất động sản, gõ tìm kiếm “khách sạn Đà Nẵng” hiện đang ra rất nhiều kết quả. Khách sạn trong các quận trung tâm Đà Nẵng, 60-80m, 6 đến 8 tầng, 12 phòng view cầu Rồng có giá bán hơn chục tỉ, có đến những khách sạn 300 – 400 mét vuông, khoảng 20-30 phòng giá trăm tỉ cùng đều đang rất sẵn, chờ người giao dịch. Trên Facebook, các khách sạn tại Đà Nẵng được rao bán, cần chuyển nhượng cũng không hiếm.
Những chủ đầu tư mua khách sạn ở thời điểm này đều có tài chính vững, ổn định, đầu tư lâu dài nhiều năm. Dịch đi qua, du lịch hồi phục trở lại thì việc sở hữu một khách sạn tại Đà Nẵng không lo ế khách, hoặc muốn bán lại cũng hứa hẹn khoản lãi nhất định.