Khách hàng tiết kiệm khoảng 15 - 20% tiền điện nước khi mua dự án xanh
Theo Thanh niên Việt, thống kê của Savills Impacts vào năm 2022 cho thấy, có khoảng 22% các tòa văn phòng trên thế giới nhận được chứng chỉ Xanh quốc tế. Một số thành phố có hơn 40% các tòa văn phòng đạt chứng nhận Xanh, như Warsaw, San Francisco và New York.
Việt Nam có rất ít công trình xanh
Một sự kiện về Công trình xanh được tổ chức vào tháng 10/2022 tại Việt Nam, thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, Việt Nam chỉ ghi nhận 233 công trình với tổng diện tích khoảng 6 triệu m2 sàn xây dựng đạt tiêu chuẩn công trình Xanh. Đây là con số rất khiêm tốn so với lượng dự án đã xây dựng trong suốt một thập niên qua.
Trong khi Việt Nam thuộc top 5 quốc gia đứng đầu mức độ chịu rủi ro lớn nhất của biến đổi khí hậu trong khoảng 30 năm tới. Theo dự báo của World Bank năm 2009, khi mực nước biển dâng thêm 1m thì Việt Nam sẽ mất 12% đât sử dụng, tương đương với nơi cư trú của 23% dân số. Khoảng 10 năm trước, mức năng lượng tiêu thụ cũng tăng nhanh hơn mức tăng GDP, bình quân tăng khoảng 7 - 10%/năm.
Cũng trong thời gian này, mức tăng trưởng xây dựng đạt bình quân là 12%. Những công trình xây dựng đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ trên toàn quốc, trung bình là 33% điện và góp 25% vào tổng lượng phát thải nhà kính, chiếm 1/3 tổng lượng phát thải C02, đây cũng là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu (IFC, 2015). Ngành xây dựng đã ảnh hưởng rất lớn trong bối cảnh áp lực gia tăng dân số ngày càng cao.
Bên cạnh quá trình tăng trưởng kinh tế, chính sách nhà ở tại Việt Nam còn đối diện với áp lực tăng trưởng dân số, nhất là tốc độ tăng trưởng dân số đô thị rất cao, quy mô hộ gia đình liên tục giảm suốt 20 năm qua.
Bộ Xây dựng dự báo tới năm 2030, tỷ lệ dân số đô thị sẽ tăng tới 45%, vì vậy mỗi năm cần tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị.
Giảm chi phí vận hành, sử dụng nhờ công trình xanh
Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính cho rằng, rào cản lớn nhất trên thị trường công trình Xanh Việt Nam hiện nay là nhận thức chưa đầy đủ của các chủ đầu tư. Nhiều doanh nghiệp lo ngại việc xây dựng loại hình BĐS này sẽ làm chi phí tăng thêm 20 - 30%, thậm chí cao hơn. Nhưng theo nguyên cứu thế giới, công trình xanh sẽ đòi hỏi vốn đầu tư cao hơn 3 - 8% so với thông thường, nhưng giúp người sử dụng tiết kiệm từ 15 - 30% năng lượng, giảm 30 - 35% lượng khí thải carbon, tiết kiệm 30 - 50% lượng nước sử dụng và 50 - 70% chi phí xử lý chất thải.
Những năm gần đây, người dân có sự thay đổi về thứ tự ưu tiên mua nhà. Để bắt kịp xu hướng, doanh nghiệp BĐS phải thay đổi theo nhu cầu của đa số khách hàng.
“Trước đây, người mua nhà chỉ mong có chốn an cư, vị trí thuận tiện. Nhưng nay họ còn chú ý tới chất lượng nơi ở. Dự án công trình xanh sẽ chú trọng hơn vào tiện ích, sức khỏe con người và môi trường xung quanh. Loại hình này cũng vượt trội hơn so với các dự án thường” - Ông Đính nói.
Theo vị chuyên gia, những dự án công trình xanh mang tới hiệu quả cao cho các chủ thể. Lợi ích rõ nhất là việc giảm chi phí vận hành, tăng giá trị tài sản, hoàn vốn đầu tư nhanh, mang đến nhiều giá trị dài hạn cho doanh nghiệp BĐS. Đối với người mua nhà, thì giá mua sẽ cao hơn từ 3 - 8% nhưng có thể giúp giảm tiền điện nước tới 15 - 20%.
Cần cơ chế để hỗ trợ
Việc xây dựng và phát triển dự án BĐS xanh là xu hướng tất yếu mà Việt Nam hướng đến thực hiện hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay chưa có hệ thống đánh giá nào do cơ quan quản lý Nhà nước chính thức ban hành như một công cụ pháp lý để đánh giá và quản lý công trình Xanh.
Theo ông Đính, nhận thức về công trình Xanh vẫn chưa thực sự chính xác. Hầu hết mọi người đều hiểu một cách phiến diện rằng “công trình xanh là có nhiều cây cối xung quanh”. Tuy nhiên, thực tế ngoài kiến trúc xanh thì công trình xanh còn phải đạt hiệu quả cao trong việc sử dụng năng lượng, vật liệu… để đảm bảo không tác động xấu đến sức khỏe con người, giảm lượng chất thải độc hại ra môi trường.
Chủ tịch VARS đã đề xuất với Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về công trình xanh cho các chủ đầu tư, đơn vị thiết kế và thi công của Việt Nam nhận thức rõ ràng, đầy đủ các tiêu chí áp dụng.
Đồng thời, để một công trình xanh được cấp chứng nhận thì phải có số liệu, định lượng hóa cụ thể các tiêu chí đã đưa ra. Tránh tình trạng mượn nhãn dự án bất động sản xanh nhằm gia tăng khả năng thu hút khách hàng, xoay vòng vốn và mở rộng tệp khách.
Bên cạnh đó, nhằm thu hút thêm doanh nghiệp địa ốc tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, hướng đến mục tiêu loại bỏ pháp thải ròng trong tương lai thì phải đưa ra được cơ chế, có chính sách hỗ trợ công trình đạt được tiêu chí xanh.
“Thay vì bỏ tiền ra đầu tư vào nhà máy điện, nhập khẩu than… để tăng thêm sản lượng điện bằng cách tiết kiệm điện, thì nên hỗ trợ cho các doanh nghiệp BĐS đầu tư công trình xanh thông qua những gói tín dụng xanh với lãi suất được ưu đãi, hỗ trợ tư vấn, thiết kế dự án…” - Vị chuyên gia nêu quan điểm.