Hơn 100.000 tỷ đồng tiền gửi về ngân hàng trong vòng 1 tháng
BÀI LIÊN QUAN
SSI: Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm công bố mức “room” tín dụng mớiNgân hàng và doanh nghiệp thi nhau “xả hàng” bất động sảnLãi suất tăng, nhà đầu tư chọn ngân hàng hay bất động sản?Theo vneconomy.vn, số liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, sau 2 tháng giảm liên tiếp thì trong tháng 9, tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đã bắt đầu tăng trở lại. Cụ thể, tổng tiền của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đã tăng 106.210 tỷ đồng so với cuối tháng 8, đưa tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng. Mặc dù có nhiều diễn biến tích cực nhưng tiền gửi của toàn hệ thống cuối tháng 9 vẫn thấp hơn so với mức đỉnh đạt được vào hồi cuối tháng 6 (hơn 11,46 triệu tỷ đồng).
Xét về cơ cấu tiền gửi trong tháng 9, tiền gửi của các tổ chức kinh tế và tiền gửi đều tăng. Cụ thể, tiền gửi của nhóm khách hàng là tổ chức kinh tế tăng thêm 104.774 tỷ đồng trong 1 tháng, đạt hơn 5,78 triệu tỷ đồng. Mức tăng này vẫn chưa bù lại được mức sụt giảm hơn 170.000 tỷ của tháng 7, tháng 8 trước đó.
Tiền gửi của dân cư trong tháng 9 tăng với tốc độ chậm. Tính đến cuối tháng 9, tiền gửi của nhóm khách hàng là dân cư chỉ tăng thêm 1.436 tỷ đồng so với cuối tháng trước, đạt 5,63 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, vào tháng 7, tháng 8 tiền gửi dân cư tăng thêm hơn 17.500 tỷ đồng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, tiền gửi của toàn hệ thống tăng hơn 475.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 4,33%. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 6,38% trong khi các doanh nghiệp tăng 2,43%.
Tổng tiền gửi ngân hàng đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 9 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế đã tăng trưởng tới 11,05%, đạt hơn 11,57 triệu tỷ đồng. Chênh lệch giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng đã chuyển sang trạng thái âm kể từ tháng 7, dây sức ép lên thanh khoản của nhiều nhà băng.
Vì vậy, sau 2 lần Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chỉnh lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất huy động nhằm hút dòng tiền. Cuộc đua lãi suất ngày càng gay gắt khi các ngân hàng thực hiện thay đổi biểu lãi suất hàng tuần, thậm chí là theo ngày nếu mức lãi suất niêm yết thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường.
Điển hình như Techcombank thực hiện điều chỉnh biểu lãi suất huy động 2 lần trong vòng 1 tuần và là lần thứ 5 kể từ tháng 11/2022 đến nay. Phần lớn các đợt điều chỉnh đều tăng lãi suất. Ở lần điều chỉnh mới nhất vào 22/11/2022, nhà băng này áp dụng lãi suất cao nhất lên tới 9,3% cho khách hàng mở mới kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với số tiền gửi trên 3 tỷ đồng.
VPBank cũng điều chỉnh lãi suất 2 lần trong vòng chưa đầy 10 ngày. Theo đó, có kỳ hạn gửi 18, 24 và 36 tháng, mức lãi suất cao nhất gửi tại quầy của ngân hàng này lên tới 9,3%/năm dành cho khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, còn khoản tiền dưới 10 tỷ đồng thì mức lãi suất cao nhất là 9,2%/năm.
Ở nhóm ngân hàng nhỏ hơn, KienlongBank có mức lãi suất cao nhất là 9,6%/năm khi khách hàng gửi tiền tiết kiệm theo hình thức trực tuyến và kỳ hạn 13 tháng, 15 tháng.
Tại GPBank khi khách hàng gửi tiền tại quầy và đáp ứng một số điều kiện về số dư tối thiểu, là khách hàng hạng vàng, có thể được nhận lãi suất ở mức 10%/năm.
Loạt ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động tăng trong thời gian qua gồm SCB, Bac A Bank, BaoVietBank, NCB, SHB… đưa mặt bằng lãi suất cao nhất tại các ngân hàng cao hơn 9%/năm. Thậm chí ngân hàng thuộc nhóm Big4 là VietinBank cũng tăng lãi suất huy động cao nhất lên 8,2%/năm.
Có thể thấy, cuộc chạy đua lãi suất hiện nay đã cho thấy tín hiệu khả quan thu hút được tiền gửi của khách hàng quay lại hệ thống ngân hàng.