Hộ gia đình chung quyền sử dụng đất được bồi thường tái định cư như thế nào?
BÀI LIÊN QUAN
Nhà ở tái định cư là gì? Điều kiện được cấp nhà ở tái định cưCó nên mua nhà tập thể cũ để được bồi thường tái định cư không?Bồi thường tái định cư khi nhà chung cư cũ hết hạn sử dụng là bao nhiêu?Hỏi:
“Bố mẹ tôi có 3 người con trai và tôi. Cả 3 người đều đã lập gia đình (con cả đã lập gia đình năm 1988, con thứ đã lập gia đình năm 1995, con út đã lập gia đình năm 1999). Khi người con trai cả lập gia đình (tính đến nay đã 30 năm ), bố mẹ tôi đã chia cho mỗi người con trai 1 miếng đất ( cả 3 miếng đất đều nằm trên cùng 1 khu đất ).
Bố mẹ tôi chỉ nói miệng thôi chứ chưa tách sổ đất thành 3 sổ cho 3 người con trai. Cả 3 người đều đã ở riêng và tự làm nhà riêng (trên phần đất được chia) ngay sau khi kết hôn. Bố tôi đã mất năm 2000, mẹ tôi năm nay 85 tuổi, mẹ tôi bị mù đã 5 năm rồi. Hiện nay có 1 dự án đường đi qua khu đất của gia đình tôi, toàn bộ 3 ngôi nhà của 3 người con trai đều phải giải toả. Xin hỏi 3 người con trai có được tính là 3 hộ gia đình hay chỉ là 1 hộ gia đình cùng với mẹ tôi?” - Chị Nguyễn Thị Vân.
Trả lời:
Liên quan đến câu hỏi của chị Vân, Luật sư Nguyễn Huy An - Đoàn Luật sư TP Hà Nội xin tư vấn như sau:
Theo những thông tin mà chị Vân cung cấp thì mảnh đất gia đình chị đang sinh sống vẫn thuộc quyền sở hữu của bố mẹ chị, bố mẹ chị phải thực hiện tách sổ đỏ để chuyển quyền sở hữu cho 03 người con trai. Vì vậy, trường hợp của chị là nhiều hộ gia đình sống cùng một thửa đất.
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
“1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc bồi thường về đất được thực hiện như sau:
a) Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư;
b) Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.
2. Trường hợp trong hộ gia đình quy định tại Khoản 1 Điều này mà trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và tình thực tế tại địa phương quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình…”
Như vậy, trong trường hợp chưa tách hộ khẩu thì gia đình chị Vân thuộc diện có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng sống chung trên cùng thửa đất có đầy đủ điều kiện để tách thành các hộ riêng biệt.
Nếu gia đình chị đã tách khẩu thì thuộc trường hợp nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở bị thu hồi. Hai trường hợp này đều áp dụng việc bồi thường cho từng hộ gia đình.
Do đó, ngoài việc hộ gia đình của ba người con trai được bồi thường tiền đất, tài sản trên đất… thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, tình hình thực tế trên địa bàn để quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho các hộ gia đình.