meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: “Đổi mới - Trí tuệ - Phát triển”

Thứ năm, 09/06/2022-15:06
Sáng 9/6, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ V (2022 - 2027) với phương châm “Đổi mới - Trí tuệ - Phát triển”, mục tiêu đưa Hiệp hội không ngừng lớn mạnh trong giai đoạn tới. Tại Đại hội, doanh nhân Hoàng Mai Chung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Meey Land đã vinh dự được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội.

Trên cở sở những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ IV (2016 – 2022), Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) tổ chức Đại hội nhiệm kỳ V (2022 – 2027) gồm hai phiên tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, với khoảng 500 đại biểu tham dự, cùng lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các hội, hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế; chuyên gia các lĩnh vực luật, kinh tế, tài chính, ngân hàng, BĐS...

Khẳng định vị thế


Toàn cảnh Đại hội nhiệm kỳ V (2022 - 2027) của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam diễn ra sáng nay (9/6). Ảnh Quang Thái
Toàn cảnh Đại hội nhiệm kỳ V (2022 - 2027) của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam diễn ra sáng nay (9/6). Ảnh Quang Thái

Phát biểu tại Đại hội nhiệm kỳ V (2022-2027) diễn ra sáng nay, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ V cho biết, sau hai phiên họp Đại hội làm việc khẩn trương, nghiêm túc với phương châm “Đổi mới - trí tuệ - phát triển”, với ý thức trách nhiệm cao để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm “2021 – 2030” của Đảng, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ, nhận diện thực trạng và đề ra phương hướng hoạt động trong giai đoạn phát triển mới đồng hành cùng thị trường bất động sản Việt Nam, Đại hội nhiệm kỳ V của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình, kế hoạch đề ra.

Đại hội đã thảo luận thẳng thắn, dân chủ và nhất trí cao thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ IV (2016 – 2022) và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ V (2022 – 2027); Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành nhiệm kỳ IV; Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Báo cáo tài chính. Đại hội đã nghe các báo cáo tham luận trong các lĩnh vực quan trọng: Thực tiễn chuyển đổi số ngành xây dựng, bất động sản; kinh nghiệm và giải pháp phát triển nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ xuống cấp; tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam: Vai trò, và định hướng phá triển; về bất động sản công nghiệp; giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của môi giới bất động sản...

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ V gồm 111 đồng chí đại diện cho 274 hội viên đầu mối và hơn 3.000 doanh nghiệp liên quan bất động sản, môi giới bất động sản có đủ phẩm chất, trình độ theo tiêu chí để thực hiện nhiệm vụ quan trọng mà Đại hội giao phó.


Ông Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Ông Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết trải qua tròn 20 năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản đã có những đóng góp quan trọng vào thành công chung của ngành Xây dựng trong việc phát triển ổn định và lành mạnh thị trường bất động sản. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ IV vừa qua, Hiệp hội đã phối hợp và tư vấn cho Bộ Xây dựng nói riêng và cung cấp thông tin, tư vấn, giám định, phản biện xã hội về các luật và quy định; triển khai tổ chức nhiều hoạt động, đề án chất lượng phục vụ cho sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam.

Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng với nền kinh tế. Để tiếp tục nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp mà Hiệp hội đã đề xuất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng cần chú ý thêm một số điểm như: cần xây dựng chương trình hoạt động theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phát triển nhà ở quốc gia, Chương trình hành động và chỉ đạo của Bộ Xây dựng; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia trong lĩnh vực luật, kinh tế, tài chính, đầu tư bất động sản… và các cơ quan quản lý đồng hành cùng doanh nghiệp bất động sản Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số đang phát triển nhanh. Đưa chuyển đổi số vào thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản; bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát riển nhà ở quốc gia đến năm 2030 của Chính phủ, Chương trình hành động và nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng để xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hiệp hội phù hợp với tình hình thực tiễn; tăng cường các hoạt động vận động chính sách, bảo vệ doanh nghiệp trong các tranh chấp hợp đồng thương mại; tổ chức giao lưu với các tổ chức quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp ở các địa phương khác; tham gia hoà giải các tranh chấp giữa hội viên, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh; tổ chức các diễn đàn, đối thoại, các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp, người sử dụng lao động với các cơ quan Nhà nước để trao đổi thông tin và ý kiến về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh; duy trì giao ban định kỳ giữa các hiệp hội doanh nghiệp và trao đổi thông tin, lập chung danh sách các doanh nghiệp hội viên giữa các hiệp hội; tham vấn thống nhất giữa các hiệp hội trong việc kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương về cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và vì phát triển bền vững.


Ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp tiêu biểu, đại diện cho một ngành, nghề có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa rất lớn trong nền kinh tế là bất động sản. Bộ Nội vụ đánh giá cao những kết quả mà Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã làm được trong nhiệm kỳ vừa qua. Chính sự kiên trì, tâm huyết của Ban lãnh đạo Hiệp hội; sự quan tâm, giúp đỡ của cơ quan quản lý Nhà nước; sự đồng hành của các chuyên gia – nhà khoa học, cơ quan báo chí, truyền thông và sự đoàn kết, chung sức của các doanh nghiệp hội viên đã làm nên những thành công của Hiệp hội. Tiêu biểu như: đã bám sát tôn chỉ và mục đích đề ra; từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết và thu hút được nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản; là cầu nối tin cậy của các doanh nghiệp hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước. Hoạt động của Hiệp hội ngày càng góp phần vào sự phát triển chương trình nhà ở và thị trường bất động sản Việt Nam. Hiệp hội có sức thu hút và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng tích cực tham gia tư vấn các đề án và đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật đối với lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, nhất là về quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài chính, thuế… Hiệp hội đã chủ động phản ánh và đề xuất kịp thời các giải pháp với Chính phủ và các bộ ngành, địa phương để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phát triển thị trường bất động sản.

Hiệp hội cũng hoạt động hiệu quả trong việc kết nối để cộng đồng doanh nghiệp hợp tác, phát triển, như: Gặp gỡ giao lưu giữa các hội viên và giữa các hội viên Hiệp hội với các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia; tổ chức, bảo trợ, phối hợp tổ chức nhiều hội chợ triển lãm, diễn đàn bất động sản lớn và tổ chức Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam có uy tín, vinh danh các đơn vị, công trình tiêu biểu…

Ngoài ra, Hiệp hội cũng mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Bất động sản Thế giới (FIABCI), thành viên của Hiệp hội Bất động sản Đông Nam Á (ARENA), thành viên của Hội Môi giới Bất động sản Hoa Kỳ (NAR); tích cực tham gia các hoạt động tại nhiều hội nghị, hội thảo, hội chợ quốc tế; duy trì các mối quan hệ song phương với nhiều hiệp hội bất động sản nước ngoài và nhiều tổ chức quốc tế liên quan khác… Qua đó, khẳng định vị thế và tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản trong nước, ở khu vực và trên thế giới.

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đã thường xuyên mời các đồng chí chuyên gia uy tín của các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng..., các Học viện, các trường Đại học, Viện Nghiên cứu và các nhà quản lý ở các ngành đã đồng hành với Hiệp hội trong các hoạt động, đặc biệt là phân tích những bất cập, đề xuất sửa đổi Luật, cơ chế chính sách, giải pháp để phát triển thị trường bất động sản.



Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ V (2022 - 2027) với phương châm “Đổi mới - Trí tuệ - Phát triển”, mục tiêu đưa Hiệp hội không ngừng lớn mạnh trong giai đoạn tới. Ảnh Quang Thái
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ V (2022 - 2027) với phương châm “Đổi mới - Trí tuệ - Phát triển”, mục tiêu đưa Hiệp hội không ngừng lớn mạnh trong giai đoạn tới. Ảnh Quang Thái

“Với chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, Bộ Nội vụ sẽ luôn tạo điều kiện để Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức, hoạt động ổn định, phát triển, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật. Tôi cũng đề nghị, sau Đại hội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cần sớm ổn định tổ chức; tiến hành kiện toàn cơ cấu tổ chức đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ phát triển trong nhiệm kỳ mới... Bên cạnh đó, Hiệp hội cần nâng cao vai trò quản lý, điều hành của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra Hiệp hội; làm tốt nhiệm vụ tập hợp và đoàn kết hội viên. Đặc biệt, chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hiệp hội; tổ chức, hoạt động theo Điều lệ Hiệp hội đã được phê duyệt và phù hợp với pháp luật. Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chế hoạt động của BCH, BTV, Thường trực và các quy chế quản lý, chương trình hoạt động và kế hoạch từng năm và cả nhiệm kỳ… Ngoài ra, Hiệp hội cần tích cực nghiên cứu, phản biện chính sách và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tư vấn chất lượng, phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp và thị trường bất động sản Việt Nam và góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Doanh nghiệp và nỗ lực đồng hành

PGS. TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, chuyển đổi số hiện nay không phải sự lựa chọn mà là nhất thiết. Vì chúng ta đã bước vào kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, chấm dứt thời kỳ “cá lớn nuốt cá bé”, chuyển sang “cá nhanh ăn cá chậm”. Ngành bất động sản, xây dựng của Việt Nam có tính đặc thù và việc chuyển đổi số đem lại lợi ích khổng lồ.


PGS. TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT. Ảnh Quang Thái
PGS. TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT. Ảnh Quang Thái

Ngành bất động sản, xây dựng đã trở thành cấu thành kinh tế quan trọng bậc nhất góp phần tăng trưởng GDP cho nền kinh tế suốt thời gian qua. Nhiều đề án đầu tư lên tới hàng tỷ đô, vòng đời rất dài. "Nhiều người phàn nàn với tôi không biết làm thế nào quản lý vài nghìn nhà thầu phụ cùng lúc. Chúng ta cũng biết ngành xây dựng thất thoát rất nhiều, làm sao để kiểm soát được chất lượng công trình để không thất thoát vật liệu, làm sao kiểm soát được nhân lực triển khai, làm sao để bán hàng nhanh nhất ra thị trường?…", ông Bình cho biết.

Cũng theo Chủ tịch Tập đoàn FPT, điều mà ông bất ngờ chính là cơ hội lớn như vậy nhưng rất nhiều chủ đầu tư Việt Nam vẫn còn sử dụng excel. "Nếu tôi hỏi câu hỏi rằng hiện tại anh có biết thực trạng tài chính, có biết về thực trạng công trình ngày hôm nay không, không ai trả lời nổi. Đó là thách thức trước bài toán quy mô như vậy. Bây giờ chúng ta có thể chuyển đổi số”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho rằng, ngành bất động sản về tài chính thì ổn, nhưng thủ tục thì không, muôn vàn yêu cầu không giống nhau. Ngành phức tạp đến mức khi chúng tôi trình bày với các công ty Nhật Bản về yêu cầu, họ cũng không làm nổi. Nhưng đó cũng là cơ hội cho người Việt, sức Việt.

Thật ngạc nhiên, chúng ta có thể đầu tư rất nhiều thứ, có thể mua những chiếc xe xuất sắc nhưng không hề biết nó đem lại những lợi ích gì nhưng đầu tư thông minh nhất với giá không đáng kể thì không làm. Một số tập đoàn, đặc biệt là Vingroup dùng chuyển đổi số sớm nên tốc độ dự án nhanh kinh ngạc, ngay cả nước ngoài cũng phải ngạc nhiên. Một số tập đoàn như Coteccons, Đất Xanh… đã bắt đầu chuyển đổi số mang lại hiệu quả khổng lồ, tiết kiệm thời gian (30%), tiết kiệm tiền bạc, nguồn nhân lực, vòng quay vốn nhanh.

Chúng ta đang đứng trước cơ hội chuyển đổi số. Hy vọng FPT cùng với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ có những hợp tác chung, ví dụ như nhà thông minh tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, đem lại thực tiễn quan trọng nhất cho người dùng và cũng là dấu ấn của thời đại.




Doanh nhân Hoàng Mai Chung - Chủ Tịch Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Meey Land
Doanh nhân Hoàng Mai Chung - Chủ Tịch Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Meey Land

Tham gia Hiệp hội Bất động sản nhiều năm nay, nhiệm kỳ này ông Hoàng Mai Chung - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land đã trúng cử Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ V (2022-2027). Cùng trao đổi về vấn đề chuyển đổi số với doanh nghiệp bất động sản, ông Hoàng Mai Chung cho biết, Hiệp hội bất động sản có vai trò lớn trong nhiều lĩnh vực của bất động sản, xây dựng, tham gia phát triển thị trường. Meey Land rất mong được đóng góp nhiều giá trị để góp sức cho sự phát triển của ngành nói riêng và của đất nước nói chung. Trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2030-2045, Meey Land sẵn sàng đồng hành cùng Hiệp hội và hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên trong việc cung cấp các nền tảng số để giúp ngành bất động sản minh bạch và phát triển lành mạnh hơn. Bởi như chúng ta đã biết, trong lĩnh vực bất động sản phát triển rất nhanh nhưng "muôn hình vạn trạng" và Meey Land thấy được cơ hội của mình trong đó. Các chủ đầu tư, các nhà phát triển bất động sản, các sàn giao dịch đang gặp nhiều vấn đề. Meey Land nhìn thấy tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghệ, phát triển nền tảng công nghệ để giúp cho chủ đầu tư, sàn giao dịch thanh toán bất động sản nhanh hơn, tốt hơn, an toàn hơn, quay vòng vốn tốt hơn, giúp ngành bất động sản minh bạch và phát triển lành mạnh.

 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Kết thúc đấu giá đất Hoài Đức: 2 lô đắt nhất 15 tỷ đồng/lô, gấp 14 lần khởi điểm

Người dân TP.HCM vẫn thấp thỏm chờ kết quả khi nộp hồ sơ đất đai trước giờ G

Nhiều quy định phòng cháy chữa cháy mới có thể “làm khó” loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh

Giá bất động sản tăng vọt do thiếu cạnh tranh?

Nên tách nhà ở xã hội khỏi dự án thương mại

Một số địa phương không có dự án NOXH nào được khởi công từ năm 2021 đến nay

Không nên chỉ cho thuê NOXH do công đoàn đầu tư

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Hà Nội khẩn trương xây dựng bảng giá đất mới

Tin mới cập nhật

"Nhập cuộc" đường đua NOXH, Nam Định sắp có dự án hơn 900 tỷ đồng với 1.100 căn hộ

18 giờ trước

Thấy gì từ gần 26.000 sản phẩm tồn kho của doanh nghiệp bất động sản?

18 giờ trước

Thí điểm mở rộng đất xây dựng nhà ở thương mại: Tránh tạo cơ chế xin cho

18 giờ trước

Kết thúc đấu giá đất Hoài Đức: 2 lô đắt nhất 15 tỷ đồng/lô, gấp 14 lần khởi điểm

18 giờ trước

Công nghệ đang định hình tương lai cho người mua nhà lần đầu như thế nào?

1 ngày trước