Hậu đại dịch Covid-19, hàng loạt ngân hàng đặt kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2022
BÀI LIÊN QUAN
Thấy gì từ việc bất động sản phát mại của ngân hàng liên tục rớt giá?Top những ngân hàng có mức lãi tiền gửi cao nhất tháng 4/2022Quý 1/2022, thu nhập nhân viên BĐS tăng gấp đôi nhân viên tài chính ngân hàngTín dụng tăng trưởng nhờ kinh tế phục hồi
Theo Vietnam+, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng 14%. Mục tiêu này có thể điều chỉnh vào cuối năm tùy tình hình thực tế, có thể sẽ tăng lên, cũng có thể giảm xuống.
Tuy nhiên, kết thúc quý I/2022, tăng trưởng tín dụng tăng 5,04%, đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây, gấp 4 lần mức tăng quý I/2021. Điều này cho thấy những tín hiệu rất tích cực của nền kinh tế, đó chính là câu trả lời cho các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả của Chính phủ. Dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, đời sống của người dân cũng dần trở lại bình thường do đó ghi nhận nhu cầu vay vốn tăng.
Theo báo cáo về thị trường tiền tệ mới nhất của Trung tâm phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), trong thời gian tới tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể giảm, do ảnh hưởng từ những chính sách thắt chặt tín dụng vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên tác động này không quá lớn bởi tốc độ tăng trưởng hiện nay đều đến từ nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch.
Do đó, các chuyên gia của SSI Research vẫn duy trì quan điểm là Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm nay để đảm bảo mặt bằng lãi suất cho vay và huy động ở mức thấp. Đơn vị này dự báo tăng trưởng tín dụng vào năm 2022 trong khoảng 14 – 15%.
Đồng quan điểm trên, các chuyên gia phân tích của ACBS cũng có cái nhìn lạc quan về tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong năm 2022. Đơn vị này dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 15%, cao hơn năm 2021 khoảng 3,53%.
Giảm chi phí dự phòng
Trong năm 2021, tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 không tăng lên nhưng nợ tái cơ cấu do Covid-19 đã tăng trở lại kể từ đợt dịch thứ 4 bùng phát vào quý III/2021. Do đó, nhiều ngân hàng đã phải tăng tỷ lệ trích lập dự phòng cao hơn mức cho phép. Đặc biệt tại các ngân hàng như MBB, ACB, CTG đã thực hiện trích lập gần như toàn bộ cho số nợ tái cơ cấu.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng trong năm 2022, áp lực trích lập dự phòng nợ xấu của các ngân hàng sẽ giảm. Điều này sẽ thúc đẩy lợi nhuận của ngân hàng.
Ngoài ra, việc Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước đã giảm nỗi lo cho các tổ chức tín dụng về nợ xấu, tạo điều kiện giải quyết các vấn đề này.
Do đó, trong quý I/2022, nợ xấu và các khoản vay cho tái cơ cấu vẫn được kiểm soát tốt. Ở các ngân hàng như ACB, VCB ghi nhận các khoản vay tái cơ cấu có xu hướng giảm.
Ngân hàng chủ động lên kế hoạch tăng lợi nhuận
Trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, nhiều ngân hàng đã công bố tài liệu dự thảo với các mục tiêu kinh doanh lạc quan. Đáng chú ý nhất là kế hoạch tăng lợi nhuận được tính bằng lần tại một số ngân hàng.
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) công bố kế hoạch tăng nhuận gấp 2 lần lợi nhuận trong năm 2022. Cụ thể, ngân hàng này sẽ trình cổ đông mục tiêu lợi nhuận 2.500 tỷ đồng, tăng 107,5% so với năm 2021.
Trong năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Eximbank đạt 1.205 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2020, đồng thời không đạt kế hoạch lợi nhuận đề ra là 1.300 tỷ đồng. Do đó, với mục tiêu lợi nhuận trong năm 2022 của Eximbank là 2.500 tỷ đồng được cho là khá tham vọng. Nếu đạt được mức lợi nhuận “khủng” này thì năm nay sẽ là năm Eximbank có mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Đến cuối năm, tổng tài sản 2022 của Eximbank dự kiến tăng 7,8%. Tín dụng tăng 10%, huy động vốn tăng 7,4%. Nói về những mục tiêu này, ngân hàng Eximbank cho biết, đây là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước thông báo, trong điều kiện thuận lợi, ngân hàng sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước tăng hạn mức này.
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán: SSB) công bố mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là hơn 4.866 tỷ đồng, cao hơn gần 50% so với năm 2021.
Tổng tài sản của ngân hàng dự kiến tăng trưởng 10%. Huy động vốn và tín dụng dự kiến tăng trưởng lần lượt là 16% và 17% so với năm trước. Nợ xấu kiểm soát dưới 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trong năm 2022, SeABank dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ từ 16.598 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng để tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
SeABank sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên của SeABank năm 2022 (ESOP 2022) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB, mã chứng khoán: MSB) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 là 6.800 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 30% so với năm 2021.
MSB dự kiến quy mô tổng tài sản tăng 14%, lên 233.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng 15% đạt 123.808 tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 25% đạt 130.752 tỷ đồng.
Đồng thời, MSB dự kiến sẽ phát hành hơn 458,25 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng với tỷ lệ chia là 30% và kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động năm 2022 với số lượng phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu. Sau khi hoàn tất các kế hoạch trên, vốn điều lệ của MSB sẽ tăng 31%, lên hơn 20.000 tỷ đồng.
Theo dự báo của SSI Research, năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng có thể đạt khoảng từ 24-25% so với năm 2021. Cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng từ 15-35%.