Ngân hàng Nhà nước “siết” cấp vốn cho vay đấu giá đất
BÀI LIÊN QUAN
Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1%Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Không nới lỏng điều kiện tín dụng, không chủ quan với lạm phátNăm 2022: Ngân hàng Nhà nước sẽ siết dòng tiền “đổ” vào bất động sảnTheo Tạp chí Thương Trường, Ngân hàng Nhà nước đã gửi công văn số 1976/NHNN-TTGSNH tới các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu triển khai, thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động; trong đó thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro.
Nội dung trong công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại phải kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao thực hiện trong năm 2022, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng.
Về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng. Trong đó, phải tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.
Trong thời gian qua ghi nhận tình trạng giá bất động sản tăng “nóng” và những lo ngại về nợ xấu. Điều này đã khiến nhiều ngân hàng tạm dừng cho vay bất động sản. Từ cuối tháng 3/2022, đã có ít nhất 2 ngân hàng dừng cấp tín dụng, giải ngân đối với các khoản cho vay bất động sản để hạn chế rủi ro.
Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cố phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã chỉ đạo các chi nhánh, điểm giao dịch trong hệ thống về kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022. Theo đó, ngân hàng này sẽ tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực nhất định. Các lĩnh vực này gồm: sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics…
Đồng thời, thông báo của Sacombank cũng nêu rõ: “Không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua/ xây/ sửa bất động sản để ở”. Việc kiểm soát tín dụng bất động sản tại ngân hàng này sẽ được diễn ra đến ngày 30/6/2022.
Tại ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank), bộ phận Phát triển giải pháp cho vay thế chấp đã gửi thông báo tới các đơn vị kinh doanh của ngân hàng này về việc kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản (chưa hoặc đã có giấy chứng nhận).
Thông báo của ngân hàng này nêu rõ: “Tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3/2022”.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến hết Quý I năm 2022, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức 4,05%, gấp 2,5 lần mức tăng cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau đại dịch tín dụng đã tăng mạnh. Trong đó, tín dụng bất động sản tiếp tục được kiểm soát chặt.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng, trong đó đề cập đến việc yêu cầu các ngân hàng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, chứng khoán, kinh doanh bất động sản,trái phiếu doanh nghiệp…